'Hành Trình Công Lý' và chi tiết 'luật sư hai mang': làm xấu hình ảnh nghề

Đang là bộ phim ăn khách trong thời gian gần đây nhưng "Hành Trình Công Lý" lại khiến nhiều luật sư phải “khóc thét” vì những tình tiết không logic và xa rời thực tế.

Cụ thể, điều thiếu logic xả ra khi nhân vật nữ chính Phương (Hồng Diễm thủ vai) trong vụ việc đầu tiên sau khi quay trở lại với công việc luật sư là phiên tòa tranh chấp tài sản. Thay vì đứng về phía thân chủ theo nguyên tắc thì Phương lại “quay lưng” do cảm thấy đồng cảm và tội nghiệp với nhân vật Hoa (Thanh Hòa) - người em, đồng thời là người xảy ra tranh chấp quyền lợi với thân chủ mình.

Hành Trình Công Lý và chi tiết luật sư hai mang: làm xấu hình ảnh nghề-1
Thân chủ của Phương chỉ biết câm nín khi nhìn luật sư mình thuê...phản bội mình ngay trước mắt

Đáng nói, sau khi thành công giúp Hoa giữ lại được toàn bộ tài sản, Phương còn được các đồng nghiệp ngưỡng mộ vì giúp văn phòng luật trở nên nổi tiếng vì mẹ con Hoa đăng bài cảm ơn trên mạng xã hội.

Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, Luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn LS TP Hà Nội) không khỏi bức xúc: “Luật sư phải bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho thân chủ của mình, phải giữ bí mật thông tin khách hàng. Trường hợp, luật sư để lộ thông tin hoặc quay lưng bảo vệ bên đối lập thì đã vi phạm đạo đức hành nghề của nghề”.

Cùng chia sẻ về chi tiết này, Theo luật sư Diệp Năng Binh -  Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TPHCM): “Trong trường hợp này, luật sư trong phim có quyền từ chối không bảo vệ thân chủ của mình chứ không thể làm “luật sư hai mang” như vậy. Hành đồng của nhân vật vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp vừa làm xấu hình ảnh luật sư, lại còn làm mất uy tín của công ty luật đó”.

Trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định Luật sư phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng (Quy tắc 5).

"Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Trưởng văn phòng luật sư Đức Thịnh (Đoàn luật TP.Hà Nội) bình luận thêm về sự việc này.

“Một điều được coi là tối kỵ trong hành nghề luật sư đó là tiết lộ bí mật thông tin khách hàng và “đâm sau lưng” thân chủ để giúp bên đối lập; điều này có thể khiến một luật sư bị tước thẻ luật sư, các khách hàng không còn tin tưởng luật sư cũng như văn phòng luật sư đó nữa; chứ không thể như trong phim được mọi người ca tụng và ngưỡng mộ được”, ông Nguyễn Hoàng Tiến nhấn mạnh.

Đến thời điểm hiện tại, Hành Trình Công Lý vẫn là bộ phim ăn khách. Tuy nhiên, với những hạt sạn không đáng có, hi vọng rằng, các nhà biên kịch và đạo diễn cần phải rà soát kĩ hơn nữa, tránh trường hợp gây hiểu lầm cho khán giả như trường hợp đề cập trong bài.

Theo Đời Sống Pháp Luật

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.doisongphapluat.com/hanh-trinh-cong-ly-va-chi-tiet-luat-su-hai-mang-vi-pham-dao-duc-nghe-nghiep-lam-xau-hinh-anh-nghe-a557657.html

Hành Trình Công Lý

Tin tức mới nhất