Hậu trường bi hài của diễn viên đóng vai phản diện

- Quá thành công với những vai phản diện mà các diễn viên bị khán giả ghét, ác cảm, thậm chí còn bị dằn mặt, đòi đánh.

NSƯT Duy Hậu



NSƯT Duy Hậu đã đi qua nhiều vai bi, hài, chính diện, phản diện... Nhưng trong điện ảnh, đạo diễn lại nhắm Duy Hậu cho những vai người xấu, chẳng hạn như vai ông bố trong “Sóng ở đáy sông”, “Đất và người”. Trong lần tập chương trình cùng các diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ, có cuộc điện thoại gọi đến Nhà hát với nội dung: "Diễn viên Duy Hậu gây tai nạn bỏ chạy, người bị đâm đang nằm cấp cứu ở bệnh viện. Gia đình nạn nhân chuẩn bị kéo tới Nhà hát để trị tội". Sau một hồi hỏi han mới vỡ lẽ vào giờ đó, những người đang uống bia thấy một người rất giống Duy Hậu, mặc áo ký giả, đội mũ phớt, đâm phải nạn nhân rồi bỏ chạy. Nhiều người cứ thành kiến: "Đóng vai phản diện thì ngoài đời đích thị là người xấu rồi".

NSƯT Trung Hiếu



NSƯT Trung Hiếu chia sẻ đóng xong vai Khang trong “Đường đời” thì nhiều chuyện bi hài xảy ra với anh. “Có lần tôi đang muộn buổi diễn, ra vẫy taxi đi cho nhanh. Ông tài xế taxi vừa mở cửa ra thấy tôi liền sập ngay cửa lại: “Không chở ông Khang đâu” rồi lao vút đi. Tôi cũng có chơi với mấy người bạn ở chợ Đông Kinh trên Lạng Sơn, mọi người ở chợ đều rất quý. Thế nhưng sau khi đóng xong vai Khang thì mọi người trên đấy tuyên bố không bán hàng cho Trung Hiếu nữa, thậm chí nếu gặp còn cho... ăn đòn. Chẳng hiểu ra làm sao! Thế mới đau! Hôm khác đi uống bia hơi Hà Nội với bạn bè, có một chú lớn tuổi từ một bàn rất xa phía góc quán cầm cốc bia tiến lại. Ông ấy bảo: “Chú rất thích các vai diễn của cháu nhưng trong vai Khang thì chú mất cảm tình quá, khó chịu quá. Vẫn biết đấy chỉ là vai diễn nhưng có lẽ trước khi mời Trung Hiếu uống cốc bia này thì cho chú ... đấm một cái cho đỡ tức!”

Mai Huỳnh



"Hầu hết những vai diễn của tôi là hình tượng người thầy giáo gương mẫu, một bác sĩ tận tụy, người đàn ông lịch sự... Nên khi tôi hoá thân vào những nhân vật có tính tiêu cực là khán giả phản ứng ghê lắm", diễn viên Mai Huỳnh tâm sự. “Khi đi ra đường hay vào quán ăn... tôi nghe xì xào: "Nhìn ổng vậy mà đóng vai ác và đểu quá". Lúc đó tôi cũng thấy "nhột". Tôi đóng phim từ năm 1978 và vai phản diện bị khán giả phản ứng nhiều nhất đó là một trung úy trong phim “Phong lan đỏ”. Sau này, tôi vào một số vai chính diện khác thì khán giả mới quên vai này đi”.

Nguyễn Hải




Nguyễn Hải chuyên vào những vai phản diện gian ác, xảo quyệt. Thời điểm chiếu phim “Chuyện làng Nhô” và sau khi phim kết thúc trong xã hội  xuất hiện “hội chứng ghét Trịnh Khả” vì nhân vật phản diện anh đóng đạt quá, khiến ai cũng ghét. Anh tâm sự, con anh lúc đầu cũng sợ bố vì thấy tội ác trên phim. “Khi “Chuyện làng Nhô” phát xong trên truyền hình rồi mà ngồi trong quán bia anh vẫn ngay ngáy, sợ một cái ghế cao hứng bổ xuống đầu mình. Cậu con trai xấu hổ, đòi bỏ học. Bố tôi than thở: Bao nhiêu vai tử tế không chọn, nó làm vậy, làng xóm trát trấu vào mặt mình”.

Minh Tuấn




Diễn viên Ngọc Thư, vợ của diễn viên Minh Tuấn cho biết: “Có lần, hai vợ chồng cùng đoàn diễn xong một vở kịch ở trường Đại học Sư phạm. Đến phần giao lưu, chị rất bối rối khi có một sinh viên hỏi thẳng: “Trông anh ấy rõ là không tử tế, chị lấy anh ấy có phải chịu khổ không?”. Chị đành phân tích, anh Tuấn ngoài đời và trên sân khấu hoàn toàn khác nhau. Lần khác, hai vợ chồng chở nhau ngoài đường, có người vọt xe lên, rồi chép miệng: “Trông xinh thế mà lấy cái thằng đểu vậy?”.

Quốc Quân



Quốc Quân cũng là diễn viên bị đóng khung cho vai phản diện. Các vai “tủ” của anh là lưu manh đểu cáng, chuyên đi đánh người, cướp của. Quốc Quân cũng từng đóng vai chính diện nhưng cứ nhắc tới anh là khán giả chỉ nhớ tới hình ảnh xấu. Anh cũng có chung cảnh ngộ với những diễn viên chuyên đóng vai phản diện, nhiều lần ra đường là lại bị ghét vì nhân vật anh đóng trong phim… quá đểu. “Nhưng khi tôi bước sang lĩnh vực hài, khán giả lại thấy một Quốc Quân khác, hài hước và vui vẻ, thế là họ khán giả lại dung hòa cho mình”.

Anh Tuấn



Mỗi lần Anh Tuấn xuất hiện trên màn ảnh, khán giả lại nguýt: "Ôi dào cái thằng đểu cáng ấy". Đa số mọi người đều nhìn anh y như đang nhìn các vai diễn trên phim, với những câu hỏi rất... ngộ nghĩnh như: “Độ này còn nghiện nữa không?”. Còn cô con gái thứ hai năm lên 6 tuổi đã nói với Anh Tuấn đừng đóng vai ác nữa vì khi đến trường cháu hay bị bạn bè trêu chọc.

Hải Anh




Hải Anh “tự thú” rằng anh không được các bậc phụ huynh “ưa”. “Qua truyền hình, rất nhiều người nghĩ tôi là du côn thật sự và “cái mặt này khó mà tử tế được”. Nhưng khi tiếp xúc với tôi, mọi người đã thay đổi hẳn quan niệm và bắt đầu quý mến. Cái được nhất của tôi sau những vai diễn là khi ra đường, mọi người đều nhận xét: trông ở ngoài nó trẻ và hiền thế! Khác hẳn trong phim! Đấy, nghe thế là mát gan, mát ruột rồi!”.

NSƯT Kim Oanh



Sau khi phản bội anh Núi trong “Sóng ở đáy sông”, khi ra đường, NSƯT Kim Oanh cũng gặp phải tình huống dở khóc dở cười. Hôm ấy, khi đi vào quán cà phê trả lời phỏng vấn nhà báo, Oanh bị đám thanh niên chỉ thẳng vào mặt: "Thà mồ côi vợ còn hơn lấy cái dạng con Tuyết", có người còn sàm sỡ: "Anh có nhiều tiền lắm, cả heroin nữa, đi với anh nhé".

Kiều Thanh



9 tập phim “Phía trước là bầu trời” đã khiến cô gái bán hoa tên Trà tạo được sự chú ý của khán giả. Kiều Thanh, cô sinh viên năm cuối ĐH Sân khấu Điện ảnh, đã diễn thành công đến mức một đạo diễn cầu toàn như Đỗ Thanh Hải cũng phải tấm tắc. Khán giả quên mất tên cô mà vô tình gọi là Trà "cave". Vai Trà đã tạo nên hội chứng, rất nhiều cô gái tên Trà sau phim này bị gắn thêm đuôi cave. Kiều Thanh đã phát khóc vì bị những khán giả dằn mặt: "Mày phải soi gương lại mặt mày chứ, đừng lôi kéo một thằng bé trong sáng như Nam".

Nguyễn Nga


Tin tức mới nhất