Hậu trường kinh hoàng có thật phía sau ống kính (P.1)

- Trong các bộ phim kinh dị, để tạo nên bối cảnh chân thực nhất cho nỗi sợ hãi, đôi khi các đạo diễn buộc phải dùng đến những cách "rùng rợn".

Skippy (1931)



Trong bộ phim được đề cử Phim hay nhất Oscar 1931, "Skippy" (cậu bé Skippy), có một cảnh phim đòi hỏi diễn viên nhí Jakie Cooper phải khóc. Nhưng không phải chỉ là rỏ nước mắt thông thường, đạo diễn Norman Taurag yêu cầu phải là một cảnh thật xúc động, chứa đựng cảm xúc. Jakie đã rất cố gắng nhưng vẫn không đạt.

Hết cách, Norman đã nhờ một nhân viên bắt chú cún của Jakie ra ngoài hậu trường, và giả vờ là sắp bắn chết nó. Sợ hãi cho con vật cưng, Jakie đã chắp tay cầu nguyện và khóc, cảnh phim thành công ngay tức khắc. Dù sau đó chú cún không tổn hại gì, nhưng Jakie đã bị ám ảnh khá nặng nề. Đến mức sau này ông đã đặt tên cuốn tự truyện của mình là "Xin đừng bắn con chó của tôi!".

Alien (1979)



Hầu hết mọi người đều đã nghe về giai thoại nổi tiếng trong bộ phim kinh điển "Alien" (Quái vật ngoài hành tinh) của đạo diễn Ridley Scott. Trong cảnh phim đáng sợ nhất, con quái vật chui ra từ ngực một người đàn ông, đạo diễn đã giấu kín không cho ai biết. Vì thế, các diễn viên đã thật sự sợ hãi và hét toáng lên khi thấy cái đầu quái dị xuất hiện.

Nhưng điều ít ai biết đến, là họa sĩ H.R. Giger đã dùng đến đầu lâu thật để thiết kế nên con Alien. Giger đã mua một cái từ Ấn Độ để cắt ghép và tạo hình. Sự việc được tiết lộ bởi nhà biên kịch Dan O'Bannon. Ông còn chốt lại bằng một hình ảnh đáng sợ: chiếc răng từ cái đầu lâu Giger sử dụng khá giống với răng của trẻ con.

Come and see (1985)




Bối cảnh chân thực đến mức nào là đủ, để các diễn viên lột tả tận răng nỗi sợ của mình? Câu trả lời của đạo diễn Xô Viết Elem Klimov trong "Come and see" (Đến và xem) rất đơn giản: tuyệt đối. Bộ phim kể về các nạn nhân chiến tranh trong cuộc tàn sát của Đệ Tam Quốc Xã trong Thế chiến II, vì thế nỗi kinh hoàng cần được khắc họa rõ nét. 

Suốt quá trình quay, đoàn làm phim đã dùng đạn thật để bắn vào diễn viên. Dù rằng không ai bị thương, nhưng nam diễn viên Aleksey Kravchenko đã kể lại trong một cảnh viên đạn chỉ cách đầu anh chừng vài centimet. Hiệu ứng mang lại là rất tuyệt, nhưng liệu có đáng để mạo hiểm như thế?

Aguirre, Wrath of God (1972)



Mối quan hệ giữa đạo diễn và diễn viên ngôi sao có thể tệ đến mức nào? Hãy xem câu chuyện đóng phim của tài tử Klaus Kinski trong bộ phim Đức, "Aguirre, Wrath of God" (Aguirre, Sự phẫn nộ của Chúa). Giai thoại nổi tiếng nhất là việc đạo diễn Herzog chĩa súng vào Klaus để ngăn anh rời khỏi đoàn làm phim
.
Trong quyển tự truyện của mình, Klaus nói rằng sự việc không chỉ có thế. Herzog đã thật sự bắn vào cabin của các thành viên trong đoàn, may mà không trúng ai. Trong một cảnh quay chiến đấu sau đó, Klaus suýt chết khi bị "bồi" thêm một cú đánh vào đầu. Cú đánh mạnh đến mức nếu không có chiếc mũ sắt bảo hộ, chắc chắn đầu anh đã thủng một lỗ. Anh nghi ngờ rằng chính đạo diễn Herzog đã có âm mưu ám sát mình, nhưng không có bằng chứng cụ thể. Herzog đã phủ nhận tất cả việc này.

Men behind the sun (1988)



Chuyện hậu trường kinh khủng nhất thuộc về bộ phim "Men behind the Sun" (Những người dưới mặt trời) của đạo diễn Trung Quốc Tun Fei Mou. Phim kể về những thí nghiệm khủng khiếp trên cơ thể người của phát xít Nhật trong Thế chiến 2.

Vị đạo diễn cho rằng cần phải có một sự liên kết, phải xóa đi những ranh giới sợ hãi giữa khán giả và sự thật ông đang phơi bày. Trong một cảnh phim, một đàn chuột bị nướng cháy trong lửa đều là thật. Nhưng rùng rợn nhất, là cảnh mổ xác một đứa trẻ, cái xác đó cũng là thật. Người ta đã xin được một đứa bé vừa chết trước khi bắt đầu cảnh quay. Không có gì ngạc nhiên khi "Men behind the Sun" được xem là một trong những tác phẩm đáng sợ nhất từng làm ra.

Hoài Nam


Tin tức mới nhất