Sau cái chết của nam sinh lớp 10 ở Hà Nội, đoạn video ghi lại quá trình tự tử cùng nội dung lá thư tuyệt mệnh của cậu được lan truyền khắp các diễn đàn mạng xã hội.

Nhiều người chia sẻ và để lại những dòng bình luận xót xa, thương cảm, hướng sự chỉ trích về phía người thân của nam sinh 16 tuổi.

Tuy nhiên, theo Hollies Easter, có rất nhiều hệ lụy xảy ra khi chúng ta chia sẻ hình ảnh, video về một người chết do tự tử. Nó gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của những người ở lại, trong khi họ đang phải chịu đựng đau buồn và mất mát quá lớn.

Việc nhìn thấy những video, hình ảnh về tự tử còn có ảnh hưởng tiêu cực đến những người dễ bị tổn thương. Nghiên cứu cho thấy những hình ảnh chi tiết thúc đẩy họ suy nghĩ cụ thể hơn về việc tự sát. Bị bao vây bởi những thông tin chết chóc thực sự nguy hiểm đối với những người đang có ý định tự tử.

Hệ lụy khi lan truyền video tự tử trong vụ nam sinh lớp 10 ở Hà Nội-1
Chia sẻ video tự tử để lại nhiều hệ lụy về sau. Ảnh: NPR.

Xoáy sâu nỗi đau của người ở lại

Khi một người ra đi vì tự tử, người thân quen của họ nhìn thấy những lời nhắc nhở về sự mất mát ấy khắp mọi nơi. Đó là một phần trong quá trình đau buồn, khiến họ chấp nhận sự thật rằng người thân yêu của họ đã ra đi mãi mãi.

Phản ứng đau buồn được kích hoạt mỗi khi nhìn thấy bất cứ thông tin, hình ảnh về người đã mất được chia sẻ khắp nơi dễ dàng áp đảo tinh thần người ở lại, khiến họ suy sụp hoàn toàn.

Chuyên gia khuyên mọi người ngừng tập trung chia sẻ hình ảnh, tò mò xem một người đã chết như thế nào, thay vào đó hãy nói về lý do khiến họ tìm đến cái chết và tìm cách giúp đỡ những người đang có vấn đề tâm lý vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo CNN, trước một vụ tự tử đã xảy ra, dư luận không nên đổ lỗi hay cố tìm kiếm thông tin chi tiết.

Hệ lụy khi lan truyền video tự tử trong vụ nam sinh lớp 10 ở Hà Nội-2
Những video về người tự tử lan truyền trên mạng chỉ khiến những người thân của họ thêm đau lòng. Ảnh: NPR.

Tony Salvatore, giám đốc phòng chống tự tử tại Montgomery County Emergency Service (Mỹ), nói rằng những người thân của nạn nhân có thể miễn cưỡng chia sẻ câu chuyện của họ. Phản ứng của những người hiếu kỳ thường khá vô cảm, thậm chí đổ lỗi cho người thân bằng những câu “Tại sao bạn không làm gì?” hoặc “Bạn không biết con mình mắc bệnh tâm lý sao?”.

Janet Schnell, một nhân viên xã hội ở Indiana, lãnh đạo các nhóm hỗ trợ và cung cấp khóa đào tạo về phòng chống tự tử, từng trải qua nỗi đau khi em trai tự tử cách đây 20 năm.

“Bản chất người ta luôn muốn xác định tại sao một người lại tự tước đi mạng sống của họ. Nhưng không có lý do thật sự nào cả và không công bằng khi người ta cứ mong đợi câu trả lời”, cô nói.

Tự tử bắt chước

Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc chia sẻ, lan truyền nội dung liên quan đến tự tử, đặc biệt là hình ảnh cụ thể về quá trình tự sát, có khả năng kích hoạt một loạt vụ “tự tử bắt chước” (copycat suicide).

Trong đó, người có ý định tự tử bắt chước theo lời kể hoặc mô tả về vụ tự tử gốc trên truyền hình hay các phương tiện truyền thông khác.

Các vụ tự tử đôi khi lan truyền trong hệ thống trường học, thông qua cộng đồng hoặc theo làn sóng tự tử của người nổi tiếng.

Hệ lụy khi lan truyền video tự tử trong vụ nam sinh lớp 10 ở Hà Nội-3
Nhiều vụ tự tử được thúc đẩy sau khi xem các hình ảnh, video về tự tử trên mạng.

Trong bài viết trên The Guardian, nhà trị liệu tâm lý Kyle MacDonald (New Zealand) nhận định chia sẻ video về tự tử là rất nguy hiểm.

MacDonald bày tỏ sự bức xúc khi nền tảng Facebook cho phép lan truyền video một bé gái người Mỹ chưa vị thành niên tự quay lại hình ảnh cô tự tử. Sau khi xem được clip, vị chuyên gia đã báo cáo lên Facebook nhưng nhận được hồi đáp rằng video trên “không vi phạm tiêu chuẩn chuẩn cộng đồng”.

Theo Kyle MacDonald, nghiên cứu cho thấy khi các vụ tự tử được báo cáo chi tiết, bao gồm cách thức người đó thực hiện, thì số vụ tự tử “bắt chước” tăng mạnh.

Trên thực tế, nếu một người đang có ý định tự tử, không có gì lạ khi họ bị thôi thúc hành động khi xem những video tự tử.

“Nếu một đứa trẻ đang đau khổ tình cờ xem được video trên Facebook và tự kết liễu mạng sống của mình, Facebook có phải chịu trách nhiệm pháp lý không?.

Tôi hiểu rằng mọi người muốn truyền bá nhận thức về căn bệnh trầm cảm, nhưng lan truyền một đoạn video như vậy không phải cách làm đúng. Hãy nhớ rằng gia đình cô bé đã phải sống chung với nỗi đau và việc gợi cho họ về nó mỗi khi bật video không phải điều cần thiết”.

Theo Zing