Hẹp bao quy đầu có đáng lo?

ThS.BS Trương Đình Khải cho biết, hẹp bao quy đầu (HBQĐ) là tình trạng bao quy đầu không kéo tuột xuống được do dính tự nhiên giữa bao quy đầu và quy đầu.

Bất thường của da quy đầu

Da quy đầu là vùng da và niêm mạc che phủ, bảo vệ quy đầu khỏi bị chấn thương do cọ xát với quần áo. Khi còn nhỏ, vùng da này che phủ hoàn toàn quy đầu. Khi lớn lên, cùng với sự phát triển của cơ quan sinh dục, da quy đầu chỉ còn che phủ một phần quy đầu.

Bất thường hay gặp của da quy đầu là: dài da quy đầu, hẹp da quy đầu và bán hẹp da quy đầu. Trong đó, hẹp da quy đầu là tình trạng da quy đầu hẹp hoàn toàn.

HBQĐ có hai dạng: Hẹp sinh lý và hẹp bệnh lý



- Hẹp sinh lý là bao quy đầu dính với quy đầu một cách tự nhiên để bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh. Trong những năm đầu đời, khi cơ thể trẻ phát triển dần thì dương vật của bé cũng phát triển theo và bong ra các tế bào chết của thượng bì da bao quy đầu. Các tế bào thượng bì bong ra, tích tụ lại tạo thành chất màu trắng nằm ngay ở da bao quy đầu. Chất màu trắng này càng ngày càng nhiều, nếu trẻ không bị HBQĐ thì chúng sẽ bị trôi đi qua các lần tắm, rửa. Nếu bị HBQĐ thì chất cặn này càng ngày càng tích tụ lại và rất dễ nhiễm trùng. Đa số bé trai mới sinh (96%) đều có HBQĐ sinh lý; đến ba tuổi, tỷ lệ này giảm dần xuống còn 10% và giảm xuống còn 1% lúc 14 tuổi.

- Hẹp bệnh lý (hẹp thứ phát, mắc phải) là hẹp thực sự khi có sự hiện diện của sẹo xơ. Sẹo xơ được hình thành là do viêm nhiễm tái phát nhiều lần ở những bao quy đầu bình thường hoặc bao quy đầu dài.

Vì thế, khi thấy có những biểu hiện tiểu khó, phải rặn làm phồng bao quy đầu, trẻ quấy khóc khi đi tiểu, bao quy đầu viêm nhiễm, ngứa ngáy, sưng đỏ hoặc đôi khi có bã trắng đục ở vùng quy đầu… thì người nhà nên đưa bé đến bệnh viện sớm để BS có điều trị phù hợp.

Những biến chứng

Gây khó khăn cho việc đi tiểu là biến chứng thường gặp nhất, có trẻ vì HBQĐ mà mỗi lần đi tiểu phải cố gắng rặn vì da quy đầu che phủ cả lỗ sáo của miệng niệu đạo. Điều này làm cho trẻ sợ đi tiểu. Tiểu khó kèm việc giữ vệ sinh không tốt khiến trẻ bị nhiễm trùng tiểu. Nhiễm trùng tiểu lan dần lên trên sẽ đưa đến viêm đài bể thận, thận có mủ, lâu dần sẽ đưa đến suy thận.

Mặt khác, do nước tiểu bị ứ đọng nhiều lần, kèm theo các chất cặn bã của tế bào thượng bì da bao quy đầu bong ra, dễ gây hiện tượng viêm nhiễm và viêm ngược dòng đường tiết niệu rất nguy hiểm, có thể gây viêm bàng quang, viêm thận. Đồng thời, do bao da quy đầu không tuột nên việc vệ sinh sạch sẽ rất khó, các chất bẩn, các chất tiết của niêm mạc quy đầu sẽ ứ đọng lại bên trong, gây viêm nhiễm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu.

HBQĐ mà không được phẫu thuật tách, bóc sớm thì về sau khi có gia đình sẽ có những hậu quả xấu hơn như rối loạn xuất tinh, đặc biệt có thể có hậu quả xấu là bị ung thư dương vật. Trong số người bị ung thư dương vật thì bệnh nhân có HBQĐ chiếm tỷ lệ cao hơn những bệnh nhân không bị HBQĐ.

Điều trị và phòng ngừa


Tốt nhất là tiểu phẫu khi bệnh nhân còn nhỏ, từ hai-bảy tuổi, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Phẫu thuật cắt bao da quy đầu chỉ là một tiểu phẫu đơn giản mà bất kỳ BS ngoại khoa nào cũng làm được.

Đối với người trưởng thành, nếu thấy bao quy đầu không tụt xuống được, tiểu khó, nước tiểu ứ đọng, khi dương vật cương đau… cũng cần đi khám để xác định và xử lý càng sớm càng tốt.

Khi tắm cho trẻ, cần vệ sinh bao quy đầu hàng ngày. Cần lộn bao quy đầu ra và dùng vòi nước sạch cho chảy nhẹ nhàng vào rãnh quy đầu, khi các chất cặn bẩn có màu trắng đã hết thì cho bao quy đầu trở về vị trí ban đầu. Những lần đầu vệ sinh bao quy đầu cho trẻ, nhất là lúc lộn bao quy đầu, trẻ sẽ khó chịu, thậm chí kêu đau, khóc thét, vì vậy, cần động viên trẻ và làm thật nhẹ nhàng, từng bước một để những lần sau trẻ không sợ. Với trẻ lớn, có thể hướng dẫn kỹ để trẻ tự làm vệ sinh.

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Tin tức mới nhất