Hí họa những lần Việt Nam mất oan HCV ở SEA Games

SEA Games 28 tại Singapore đã hạn chế các nội dung thi đấu "ao làng", nhưng ở môn pencak silat chiều 14/6, Việt Nam vẫn vuột HCV theo kịch bản quen thuộc liên quan trọng tài.



SEA Games vẫn được gọi là "ao làng" khi đưa quá nhiều môn không thuộc hệ thống thi đấu Olympic vào tranh tài. Tại SEA Games 28, Singapore đã hạn chế các môn thể thao không phổ biến, nhưng tiêu cực vẫn xảy ra, đặc biệt ở những nội dung võ, biểu diễn. Chiều 12/6, cho rằng trọng tài xử ép, cộng điểm sai ở nội dung quyền biểu diễn đồng đội nữ, ban lãnh đạo tuyển taekwondo Việt Nam đã khiếu nại lên ban tổ chức để thi đấu lại và thành công. Tuy nhiên, chiều 14/6, võ sĩ Thái Linh đã vuột tấm HCV vì đấm vào mặt đối thủ Thái Lan. Cú đấm phạm luật nhưng không quá mạnh, song võ sĩ người Thái vẫn bất tỉnh và được cho là ăn vạ để giành HCV.



Năm 2013, Thanh Phúc là đương kim vô địch SEA Games, á quân châu Á ở nội dung đi bộ 20 km. Tuy nhiên, tại SEA Games 27 ở Myanmar, nữ VĐV người Đà Nẵng chỉ giành được HCB do bị chủ nhà chơi chiêu. Đối thủ của Phúc đã chạy bộ về đích và thậm chí họ còn cử người dụ Phúc chạy bộ theo, nhưng VĐV Việt Nam vẫn kiên trì chơi đúng luật. Không giống các trường hợp mất oan HCV khác, Thanh Phúc may mắn lấy lại danh hiệu ngay trước thềm SEA Games 28, đúng 18 tháng sau những giọt nước mắt nức nở vì ức chế.



Trước khi gây cơn sốt ở SEA Games 28 với 8 HCV, 8 lần phá kỷ lục SEA Games, Ánh Viên đã phải "ngậm đắng nuốt cay" ở SEA Games 27. VĐV Tao Li của Singapore xuất phát phạm luật, nhưng các trọng tài vẫn công nhận thành tích, khiến Ánh Viên chỉ giành được HCB ở nội dung 100 m ngửa nữ với thành tích 1 phút 02 giây 76 (thành tích của Tao Li là 1 phút 02 giây 47). Theo HLV Đặng Anh Tuấn, Ánh Viên là người giành HCV, bởi VĐV của Singapore đã xuất phát phạm luật (quá vạch 15 m mới trồi lên mặt nước). Tiếc rằng mọi khiếu kiện của tuyển bơi Việt Nam đều không được giải quyết vì toàn bộ chuyên gia, trọng tài đều là người Singapore.



Để dễ dàng hình dung, ở nội dung 100 m ngửa, VĐV phạm luật khi quá vạch xuất phát 15 m mới trồi lên mặt nước chẳng khác nào được chạy trước ở môn điền kinh. Vì thế, Ánh Viên mất HCV là điều dễ hiểu.



Là đương kim vô địch thế giới, không có đối thủ ở khu vực châu Á, nhưng võ sĩ Muay Thái Nguyễn Trần Duy Nhất vẫn thất bại ở bán kết SEA Games 27 tổ chức ở Myanmar năm 2013 vì bị trọng tài xử ép. Anh áp đảo hoàn toàn, thậm chí Duy Nhất còn đánh cho đối thủ sợ hãi. Thế nhưng, trọng tài vẫn xử thua "độc cô cầu bại". Đây là một trong những bê bối lớn nhất SEA Games 27.



Cũng tại SEA Games 27, thể hình là một trong những môn Đoàn thể thao Việt Nam tham dự với lực lượng cực mạnh khi cả 5 VĐV đều ít nhất 1 lần vô địch châu Á. Trong đó, Phạm Văn Mách, Nguyễn Anh Thông và Nguyễn Văn Lâm thậm chí đã vô địch thế giới rất thuyết phục. Tuy nhiên, ở Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2013, thể hình Việt Nam chỉ đoạt 1 HCV của Nguyễn Văn Lâm, trong khi Mách và Thông nhận HCB. Với môn thể thao chấm theo cảm tính cùng với việc chủ nhà Myanmar tuyên bố giành 2-3HCV/5 bộ huy chương, các nhà vô địch thế giới đành ngậm ngùi về nhì ở Đông Nam Á. Một VĐV thể hình Việt Nam nói vui: "Tính ra, chúng ta chỉ giành HCĐ, vì trọng tài xứng đáng đoạt HCV".



Theo Zing

Tin tức mới nhất