Hiểm họa “gia đình thánh chiến”

Hơn 1 năm trở lại đây, châu Âu ghi nhận 3 vụ tấn công khủng bố trong đó nghi phạm bao gồm các cặp anh em ruột, làm dấy lên câu hỏi về quá trình họ trở thành phần tử thánh chiến cùng nhau.

Gia đình thánh chiến bắt đầu trở thành nỗi ám ảnh đối với châu Âu và toàn thế giới.

Hồi tháng 1-2015, hai anh em Said Kouachi và Chérif Kouachi, có liên hệ al-Qaeda, xông vào trụ sở tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở Paris – Pháp và giết chết ít nhất 12 người.

Ngày 13-11-2015, các cuộc tấn công do phần tử ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, gồm hai anh em Brahim Abdeslam và Salah Abdeslam, làm rung chuyển thủ đô Paris. Nghi can chính Salah Abdeslam bị bắt tại Brussels – Bỉ hôm 18-3 sau hơn 4 tháng lẩn trốn, những kẻ tấn công khác trước đó đều thiệt mạng.

Gần đây nhất, cảnh sát Bỉ thông báo hai kẻ đánh bom tự sát tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek ở thủ đô nước này hôm 22-3 là anh em ruột: Khalid el-Bakraoui và Brahim el-Bakraoui. Đây là vụ khủng bố thứ ba tại châu Âu, trong đó nghi can bao gồm các cặp đôi là anh em.

hai anh em ruot nghi danh bom san bay bi hinh anh 1
Hai anh em bị tình nghi đánh bom sân bay Bỉ.

Hiện tượng này không dừng lại ở châu Âu. Năm 2013, anh em Tamerlan và Dzhokhar Tsarnaev gây ra vụ nổ bom chết chóc ở giải marathon Boston (Mỹ).

Chuyên gia cấp cao Christina Schori Liang tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva nhận xét “thánh chiến đã mang tính gia đình". Theo chuyên gia này, “nếu một thành viên trong gia đình trở nên cực đoan, có thể dự đoán những thành viên còn lại sẽ trở thành phần tử thánh chiến”.

Thống kê cho thấy hơn 1/4 công dân phương Tây đến Syria gia nhập hàng ngũ thánh chiến thông thường đều có ít nhất một người thân đang chiến đấu tại đó.

Học giả Faysal Itani của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington cho rằng anh chị em trong gia đình dễ lây nhiễm tư tưởng cực đoan cho nhau vì họ rất gần gũi. Hơn nữa, nếu họ tham gia các nhiệm vụ thì mức độ tin cậy lẫn nhau sẽ cao hơn là các cá nhân riêng lẻ kết hợp thực hiện.

Abdelhamid Abaaoud – chủ mưu vụ khủng bố liên hoàn ở Paris - được cho là đã đưa em trai tới Syria chiến đấu cho IS. Abaaoud bị giết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát vài ngày sau khi vụ tấn công ngày 13-11-2015 xảy ra. Cùng chết với hắn có 1 cô em họ.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, em trai của hắn, Younes , khoảng 15 tuổi, có thể đang âm mưu trả thù cho cái chết của anh trai từ Syria.

Liên quan đến vụ đánh bom tại Bỉ, một trong số những kẻ tình nghi được cho là đã chết trong vụ nổ tại sân bay. Đài NBC dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ và Bỉ chắc chắn rằng Najim Laachraoui, 24 tuổi, đã chết tại sân bay Zaventem sau khi thực hiện vụ đánh bom tự sát tại đó hôm 22-3.

Hôm 23-3, báo chí Bỉ đồng loạt đưa tin bắt được Laachraoui nhưng phải rút lại thông tin không lâu sau đó.

Các nguồn tin nhấn mạnh cái chết của Laachraoui là minh chứng cho mối liên hệ của các phần tử thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trong các cuộc tấn công ở Paris cuối tháng 11-2015 và đổ máu tại Brussels.

Theo các nhà điều tra Pháp, Laachraoui bị nghi đã chế tạo bom tự sát dùng trong vụ Paris bởi ADN của hắn được phát hiện. Hắn có thể đã đến Syria trong năm 2-13.

Theo Người lao động


Tin tức mới nhất