Hiểu đúng về virus HPV gây ung thư

Virus HPV có thể gây nên các vấn đề cho sức khỏe. Không chỉ đối với phụ nữ, virus HPV hoàn toàn có thể tấn công và gây ra nhiều bệnh ở cả nam giới.

Nam giới không ngoại lệ

Virus HPV (human papillomavirus) là một loại virus gây u nhú ở người. HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới hiện nay..

Trên thực tế, theo Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC) có khoảng 50% nam giới và phụ nữ có hoạt động tình dục đều có ít nhất một lần bị nhiễm HPV ở thời điểm nào đó trong đời. Thông thường cơ thể sẽ tự chống lại virus HPV trước khi chúng gây ra những vấn đề cho sức khỏe. Tuy nhiên, hầu hết những người bị nhiễm virus đều không có triệu chứng và không biết mình mắc bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến, Trưởng khoa sản phụ, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô cho biết, quan điểm virus HPV chỉ gây bệnh UTCTC ở phụ nữ là hoàn toàn sai. Virus HPV có thể tấn công bất kì ai, khi cơ thể không tự chống lại, chúng có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục và hậu môn (khoảng 90%), gây ung thư hậu môn cho cả nam và nữ. Ở nhóm nguy cơ cao (khoảng 70%) lại có thể gây UTCTC ở nữ giới. Virus HPV có trên 120 loại, phổ biến ở cả nam và nữ, trong đó có 30-40 tuýp virus hậu môn sinh duc, 15-20 tuýp sinh ung thư và 15-20 tuýp còn lại không sinh ung thư.

Nên tầm soát ung thư cổ tử cung ngay cả khi đã tiêm ngừa (ảnh minh họa).
Nên tầm soát ung thư cổ tử cung ngay cả khi đã tiêm ngừa (ảnh minh họa).

Virus HPV có thể lây truyền cho bất cứ ai đã từng quan hệ tình dục. Lây truyền qua tiếp xúc da với da, tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của những người bị nhiễm.

Riêng với nam giới, các nhà khoa học chỉ ra các yếu tố nguy cơ nhiễm HPV. Đó là nam giới trong độ tuổi 25-29, vệ sinh kém, những người có bao quy đầu dài, không cắt da quy đầu, quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình và bạn tình đã từng có nhiều bạn tình, những người có sự suy giảm miễn dịch. Bệnh lý thường thấy nhất do HPV tuýp 6-11 gây ra ở nam là mụn cóc sinh dục. Các loại HPV khác có thể gây ung thư ở dương vật và hậu môn. HPV cũng có thể gây ung thư cuống họng.

Chích ngừa vaccine vẫn phải tầm soát ung thư

Ở phụ nữ, vấn đề nghiêm trọng nhất là HPV gây UTCTC. HPV cũng có thể gây ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn và hầu họng. Tuy nhiên những loại ung thư này ít có hơn.

Tại Việt Nam, trong các bệnh ung thư ở phụ nữ, UTCTC hiện có số người mắc nhiều thứ 2, chỉ sau bệnh ung thư vú. Theo thống kê, trong năm 2002, có khoảng 6.224 trường hợp mới mắc và 3.334 trường hợp tử vong. Đây là căn bệnh ung thư thường gặp hàng đầu ở phụ nữ trong độ tuổi 15-44. Có đến 70% các trường hợp UTCTC có liên quan đến nhiễm virus HPV.

Theo bác sĩ CKII Lê Phúc Thịnh, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô, một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển UTCTC như quan hệ tình dục sớm hay có nhiều bạn tình, phụ nữ dùng thuốc tránh thai kéo dài (trên 5 năm); sinh đẻ nhiều; hút thuốc lá; tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục… UTCTC không đột ngột mà diễn tiến âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trong khoảng 10-15 năm.

Bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến, việc tiêm ngừa vaccine HPV có hiệu quả lý tưởng ở nữ giới trong độ tuổi từ 9-26 chưa nhiễm virus HPV; phụ nữ trước khi có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, vaccine chủng ngừa chỉ có thể làm giảm loại trừ được 71% nguy cơ UTCTC, hiệu quả này chỉ kéo dài 4-5 năm trong điều kiện tiêm 3 mũi theo phác đồ. Điều này có nghĩa là dù đã tiêm vaccine HPV, phụ nữ vẫn phải tầm soát ung thư bởi các xét nghiệm (xét nghiệm Papsmear) định kỳ. Xét nghiệm Pap và điều trị các sang thương tiền ung thư có thể làm giảm 80% suất độ và tử vong do UTCTC.

Theo Lao Động

Tin tức mới nhất