Đoạn video mới đây về màn biểu diễn đập nồi, quăng cơm, phục vụ thực khách của nhân viên tại một nhà hàng cơm niêu ở TPHCM được đăng tải trên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự chú ý.

Với những động tác nhanh thoăn thoắt và thuần thục, phần cơm “bay” từ đầu này sang đầu kia, tạo thành màn biểu diễn “đập niêu, quăng cơm” điệu nghệ khiến thực khách thích thú, xem không rời mắt.

Món cơm niêu này hiện được phục vụ tại một nhà hàng có tiếng chuyên về các món ăn truyền thống Việt Nam ở TPHCM. Quán mở cửa được gần 30 năm, gồm 2 cơ sở thuộc phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Kẻ tung người hứng món cơm niêu ‘biết bay’, muốn ăn phải đập ở TPHCM-1

Món cơm niêu đập từ lâu đã trở thành nét ẩm thực độc đáo được đông đảo người dân TPHCM cũng như du khách thập phương yêu thích. Ảnh: Cơm niêu Sài Gòn

Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Dung Phan – quản lý nhà hàng cho biết, quá trình đập niêu để lấy phần cơm đã được biến tấu thành màn biểu diễn vui nhộn, vừa tạo không khí vui tươi cho thực khách, vừa giúp loại bỏ phần vụn niêu dính vào cơm.

“Miệng niêu khá nhỏ, không thể lấy cơm ra dễ dàng nên bắt buộc phải đập niêu để thu được trọn vẹn phần cơm cháy bên trong.

Khi đập niêu, phần vụn nồi thường rơi vào cơm, do đó nhân viên sẽ phải hất cơm lên để vụn nồi rơi ra hoàn toàn. Từ quá trình này, chúng tôi biến tấu thành màn biểu diễn tung hứng, mang lại không khí tươi vui cho khách hàng”, chị Dung nói.


Nguồn: @rey.winter

Theo chị Dung, để làm món cơm niêu ngon thì cần phải chăm chút từng công đoạn, từ khâu chọn gạo, chọn niêu đến cách nấu.

Gạo được sử dụng là loại đặc biệt, phải đạt tiêu chuẩn về độ dẻo, thơm và có vị ngọt tự nhiên. Niêu đất cũng được chọn kỹ lưỡng, làm từ loại đất sét dẻo và trải qua quá trình nung trong lửa già để đảm bảo có phần vỏ mỏng nhưng cứng chắc, chịu được nhiệt độ cao mà không bị vỡ.

Việc sử dụng loại niêu đặc biệt còn làm tăng vị ngon của gạo và giữ nhiệt tốt, giúp món cơm cháy luôn nóng hổi trong thời gian dài.

Tại nhà hàng, cơm niêu đất được nấu trong lò gạch và sử dụng hơi nóng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như có thể nấu được nhiều cơm hơn.

Thời gian nấu một niêu cơm bình thường là khoảng 45 phút, riêng món cơm đập phải nấu 1 – 1,5 tiếng để tạo ra lớp cơm cháy giòn rụm xung quanh niêu.

Một suất cơm niêu có giá 30.000 đồng, còn món cơm đập có giá 50.000 đồng, thường phục vụ cho hai người ăn.

Chị Dung cho hay, món cơm đập chỉ được biểu diễn khi thực khách gọi món và yêu cầu biểu diễn. Hầu hết các nhân viên tại nhà hàng đều có thể thực hiện thuần thục quá trình tung hứng, làm món cơm niêu “biết bay”.

“Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng tạo ra những tình huống hài hước trong quá trình biểu diễn cơm niêu “biết bay”. Đôi khi, nhân viên lỡ tay làm rơi cơm, điều này thường mang lại tiếng cười vui vẻ cho thực khách.

Với phần cơm đã rơi xuống đất, chúng tôi sẽ gom lại và sử dụng để nuôi gia súc, đảm bảo không lãng phí thực phẩm”, quản lý nhà hàng khẳng định.

Kẻ tung người hứng món cơm niêu ‘biết bay’, muốn ăn phải đập ở TPHCM-2
Cơm niêu ngon, đạt chuẩn là phải có lớp cháy mỏng, vàng giòn bên ngoài còn bên trong thì mềm. Món này ăn kèm với dầu hành hoặc kết hợp với kho quẹt, khô cá dứa, cá kho tộ, cá chiên... Ảnh: @rey.winter

Kate Lyzgina (quốc tịch Nga, hiện sống ở Hà Nội) chia sẻ: “Mình rất thích món cơm niêu đập, vừa được xem biểu diễn vui mắt mà lại có thể thưởng thức đồ ăn ngon.

Mỗi lần vào TPHCM, mình thường tới nhà hàng cơm niêu để thưởng thức. Món này ăn kèm kho quẹt và mỡ hành đều ngon. Thỉnh thoảng có bạn bè hay người thân từ Nga sang Việt Nam du lịch, mình đều gợi ý mọi người nên thử món cơm niêu truyền thống này”.

Chị Thu Lan (38 tuổi, ở quận 1, TPHCM) cho hay: “Cuối tuần mình thường đưa gia đình đến nhà hàng ăn cơm niêu đất để thay đổi không khí, trải nghiệm các món ăn dân dã, quen thuộc của người Việt Nam.

Các bé nhà mình tới đây rất vui vì không chỉ được ăn ngon hay xem đập niêu mà còn có thể tham gia vẽ, trang trí cho những chiếc niêu đất và tìm hiểu về nghề làm gốm truyền thống".

Kẻ tung người hứng món cơm niêu ‘biết bay’, muốn ăn phải đập ở TPHCM-3
Món cơm niêu đập không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong ẩm thực, mà còn là cách lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống. Ảnh: Cơm niêu SG

Không chỉ hấp dẫn thực khách với màn biểu diễn độc đáo, món cơm đập còn chứa đựng câu chuyện văn hóa sâu sắc, gắn với truyền thống lâu đời của các làng nghề làm gốm.

“Trong thời kỳ hiện đại hóa, nhiều làng nghề làm niêu đất gặp khó khăn khi nồi niêu bị thay thế bởi nồi cơm điện. Bằng việc sử dụng niêu đất và món cơm đập, chúng tôi mong muốn hỗ trợ các nghệ nhân làng nghề có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và duy trì, phát triển nghề.

Điều này không chỉ nhằm phục vụ cho mục đích ẩm thực, mà còn là nỗ lực của chúng tôi trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa làng nghề truyền thống ở Việt Nam”, chị Dung bày tỏ.

Theo VietNamnet