Không còn cách nào khác, chàng trai đành gửi luôn tiền thừa cho người bán. Đó là câu chuyện nằm trong chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm của anh Hà Phong tại TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Khoảng đầu tháng 4/2023, anh chàng đã du lịch Trung Quốc từ cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
"Tôi khá bất ngờ khi họ hầu như không sử dụng tiền mặt, ở những cửa hàng lớn lẫn các khu chợ cá, xe hàng rong", anh kể.
Tại bãi biển Vạn Vĩ (TP. Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) có hàng chục xe đẩy bán dừa tươi.
Trước xe đẩy, người bán dán tấm bảng mã QR để khách giao dịch mua bán hàng. Khi anh vào nhà hàng địa phương để ăn trưa, sau khi tính tiền, quán vẫn không có tiền mặt để đưa lại.
Người bán hải sản tại chợ thuộc TP Đông Hưng, Trung Quốc cũng sử dụng QR Code thanh toán (Ảnh: Hà Phong).
Hà Phong đã tìm mọi cách cài đặt ứng dụng ví điện tử của Trung Quốc để thuận lợi cho việc mua sắm. Tuy nhiên, vì anh là người nước ngoài không sở hữu tài khoản ngân hàng Trung Quốc nên không thể nào sử dụng được.
Để giải quyết, hướng dẫn viên đi cùng phải liên hệ với đối tác công ty du lịch Trung Quốc để mượn mã QR ví điện tử nhận lại tiền thừa. Số tiền đó hướng dẫn viên sẽ trừ vào chi phí tour, cuối chuyến du lịch.
Theo anh Phong, người dân Trung Quốc giao dịch với nhau bằng hai ứng dụng ví điện tử chính gồm Wechat Pay, Alipay.
"Những ngày du lịch ở Trung Quốc giải pháp mua sắm của chúng tôi là đưa tiền mặt, người bán sẽ đưa lại tiền vào mã QR của công ty du lịch. Tôi cũng ghi chép lại phần tiền thừa để ngày trở về Việt Nam, phía công ty sẽ thanh toán lại chi phí", anh kể.
Anh Phong cho biết, với người dân Trung Quốc, việc sử dụng hoàn toàn bằng ví điện tử, không tiền mặt khá hữu ích. Tuy nhiên, khách du lịch như anh lại cảm thấy hơi bất tiện.
Quầy hàng rong sử dụng thanh toán trực tuyến (Ảnh: Hà Phong).
Trở về sau chuyến du lịch Lệ Giang, thuộc tỉnh Vân Nam, tỉnh Trung Quốc, anh Hải Minh (SN 1975, ngụ TPHCM) cho biết công nghệ xuất hiện trong những ngõ ngách nhỏ nhất.
"Trong phố cổ, tôi thấy robot đứng chào mời và… bán sinh tố. Không chỉ ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, nơi cổ trấn nằm độ cao 2.000 mét, họ vẫn sử dụng công nghệ không tiền mặt", anh nói.
Theo anh, người dân Trung Quốc xem điện thoại như vật "bất ly thân". Bởi từ đó, họ có thể thanh toán vé tàu xe, ăn uống hay mua sắm tại siêu thị. Các nhân viên cũng có đưa lại tiền mặt cho khách nhưng hình thức này không phổ biến.
Dành 1 tuần khám phá Bắc Kinh vào cuối tháng 3/2023, anh Lê Tân (SN 1994, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đã rút được kinh nghiệm cho mình rằng, phải luôn chuẩn bị ứng dụng thanh toán.
Anh kể, nếu ai không đăng ký Alipay trước sẽ gặp khó khăn, bất tiện trong hành trình du lịch Trung Quốc. Thậm chí, kể cả những người bán hàng rong cũng hiếm khi sử dụng tiền mặt. "Tôi phải tải ứng dụng, mua sim điện thoại, đăng ký đủ thông tin mới sử dụng được", anh nói.
Theo thống kê đến cuối năm 2021, Trung Quốc có khoảng 903 triệu người sử dụng thanh toán điện tử, chiếm 64% dân số cả nước. Đồng thời, ở các thành phố lớn, người dân thanh toán chi phí hàng tháng thông qua dịch vụ di động chiếm tỷ lệ trung bình 80%.
Theo Dân trí