Có thể nói, mạng xã hội chính là nơi khơi nguồn cho những nội dung giải trí vô tận. Thời gian gần đây, không gian này không ngừng được "hâm nóng" bởi loạt chủ đề, từ khóa "hot rần rần".
"Flex" (khoe khoang trên mạng xã hội)
"Flex" là từ lóng tiếng Anh, được nhiều rapper sử dụng trong tác phẩm của mình để chỉ hành động khoe khoang quá đà, gây khó chịu cho những người xung quanh.
Hầu hết bài đăng được gắn thẻ "flex" hay "flexing" trên mạng xã hội đều dùng để khoe cuộc sống xa hoa, các sản phẩm xa xỉ và giới hạn.
Tuy nhiên, nhờ sức sáng tạo của giới trẻ, trào lưu "flex" mới đây trở nên duyên dáng, mang tính tích cực và nhanh chóng khuynh đảo mạng xã hội.
Đặc biệt, sự ra đời của nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" trên Facebook càng giúp cộng đồng mạng có cơ hội "flex" thỏa thích ở nhiều lĩnh vực.
Trong số các thành viên tham gia nhóm, một số người nổi tiếng cũng không ngần ngại gia nhập đường đua "flex" như: Hoàng Dũng, Ánh Viên, Tóc Tiên, Huỳnh Như…
Bài đăng của vận động viên bơi Ánh Viên trong nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" nhận được sự quan tâm lớn (Ảnh: Chụp màn hình).
Đang là trào lưu "khuynh đảo" mạng xã hội nhưng đêm 20/7, người sáng lập nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" thông báo, nhóm tạm dừng hoạt động trong 6 tháng bởi cần thay đổi và cải tiến. Điều này khiến dân mạng hết sức bất ngờ, tiếc nuối.
"Kiếp nạn thứ 82"
"Kiếp nạn thứ 82" là cụm từ thú vị được sử dụng để miêu tả những tình huống oái oăm, khó xử, thậm chí là bi hài mà mọi người gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.
Cụm từ này được lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển Tây du ký. Trong phim, thầy trò Đường Tăng phải vượt qua hành trình khắc nghiệt, đầy gian truân với 81 kiếp nạn để tới Tây Trúc thỉnh kinh.
Trên thực tế, nhiều khi người ta tưởng mình đã vượt qua mọi kiếp nạn, "khổ tận cam lai" nhưng thử thách mới lại xuất hiện. Qua 81 kiếp nạn vẫn chưa xong, hóa ra còn có kiếp nạn thứ 82.
Cô dâu chia sẻ về "kiếp nạn thứ 82" - những tình huống dở khóc dở cười trong đám cưới (Ảnh: Chụp màn hình).
Trên nền tảng TikTok, từ khóa "kiepnanthu82" thu hút hơn 30 triệu lượt xem. Dân mạng đua nhau ghép cụm từ này vào những câu chuyện thú vị mà bản thân gặp phải trong quá trình học tập, khởi nghiệp, lấy chồng, sinh con…
Xu hướng này mang tính chất giải trí và là một cách thú vị để nhắc nhở mọi người rằng, những khó khăn trong cuộc sống có thể được vượt qua và đối mặt bằng sự lạc quan và hài hước.
Mơi (mê)
Thông thường, từ "mơi" có nghĩa là dùng lời nói, cử chỉ khéo léo để lôi cuốn người khác làm theo ý mình. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn, rapper Thái VG đã nhầm lẫn, sử dụng sai từ này.
Khi đề cập đến sở thích yêu âm nhạc của mình, thay vì cách nói "mê nhạc", nam rapper lại nhầm thành "mơi nhạc".
Thái VG muốn nói "mê âm nhạc" nhưng nhầm thành "mơi âm nhạc" (Ảnh: Chụp màn hình).
Cách dùng từ của Thái VG nhanh chóng tạo nên xu hướng mới trong cộng đồng mạng. Các bạn trẻ liên tục bắt chước, sử dụng từ "mơi" để nói về những sở thích, đam mê của mình một cách hài hước.
Trước đó, Thái VG từng gây chú ý với những câu nói của anh trong chương trình Rap Việt mùa 3 như: "She over hợp" (cô ấy quá hợp), "We're over hợp" (chúng tôi quá hợp), "Em so nhỏ, dễ thương" (em khá nhỏ, dễ thương)…
Kiến tạo, check var (kiểm tra)
Hàng loạt cụm từ gắn liền với trào lưu "flex" như "check var", "kiến tạo", "pressing"... nhanh chóng được giới trẻ ưa chuộng và trở thành xu hướng. Đây đều là những thuật ngữ trong bóng đá, mới đây được giới trẻ sử dụng với ý nghĩa hài hước.
Kiến tạo trong bóng đá là đường chuyền cuối cùng cho người ghi bàn hoặc đường chuyền đặt đồng đội vào tình huống dễ dàng đưa bóng vào lưới. Còn đối với cộng đồng mạng, "kiến tạo" có ý nghĩa tạo ra tình huống thuận lợi cho ai đó có thể khoe khoang thành tích của mình.
Người hỏi đã "kiến tạo", giúp người trả lời có cơ hội khoe thành tích điểm A+ môn giải tích (Ảnh: Chụp màn hình).
Trong bóng đá, check var được dùng để chỉ hành động trọng tài kiểm tra lại thông tin, bàn thắng, phạm lỗi… trên sân. Còn "check var" được dân mạng nhắc đến nhiều hiện nay là kiểm tra lại thông tin "flex" của người khác.
"Flex" được xem là cách khoe dí dỏm, tinh tế nhưng vẫn có những người lợi dụng trào lưu này để "nổ" về bản thân, nói quá những thành tích không tồn tại.
Tổ "check var" đã phát hiện một trường hợp ghép ảnh, giả là người nhận được bằng Đại học Harvard (Ảnh: Chụp màn hình).
Vì vậy, nhiều bạn trẻ đã tự xưng là tổ "check var" thay mọi người kiểm tra, đảm bảo tính chính xác của thông tin.
Họ sẵn sàng chỉ ra lỗi ngay khi phát hiện vấn đề, tránh biến "flex" trở thành trào lưu để "chém gió", sống ảo nhằm mục đích tiêu cực, không tốt nào đó.
Theo Dân Trí