Khi nào hàng triệu học sinh thủ đô quay lại trường?

Chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội cho học sinh đi học trở lại nếu xây dựng đầy đủ các phương án, tiêu chí an toàn.

Trước diễn biến khả quan của tình hình dịch trên địa bàn, UBND Hà Nội vừa quyết định tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ. TP cho phép người dân tập thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại, cửa hàng quần áo, mỹ phẩm.

Quyết định được đưa ra khi hơn một tuần qua, số ca nhiễm tại Hà Nội duy trì ngưỡng trung bình 6 ca/ngày, trong đó có 3 ngày liên tiếp không phát sinh ca bệnh cộng đồng. Nhiều ổ dịch phức tạp không phát sinh ca nhiễm mới. Riêng ổ dịch Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) có gần 600 F0 cũng sắp dỡ phong tỏa.

Tuy nhiên, chỉ đạo mới nhất của TP chưa đề cập đến việc cho học sinh đi học trở lại.

Điều kiện đã an toàn, chỉ chờ phương án

PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), cho rằng bên cạnh các hoạt động, dịch vụ thiết yếu, việc đảm bảo các điều kiện an toàn để cho học sinh quay trở lại trường học cũng là nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định trong thời gian tới.

Ông nhấn mạnh với việc các ổ dịch hiện hữu không phát sinh ca nhiễm mới cộng đồng, cộng với việc số lượng F0 những ngày qua ở mức thấp, cho thấy dịch bệnh không còn xu hướng lan rộng và đang được kiểm soát tốt.

"Tôi cho rằng trong văn bản mới, TP chưa đề cập đến kế hoạch học tập trung không phải do chưa đủ điều kiện. Hà Nội đang hoàn thiện kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho các cháu. Khi đáp ứng đủ các tiêu chí, TP sẽ cho học sinh được quay lại học tập trung", ông Phu nói.

Khi nào hàng triệu học sinh thủ đô quay lại trường?-1
Chuyên gia cho rằng trẻ em cần được đến trường để phát triển đầy đủ cả thể chất và trí tuệ. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Theo vị chuyên gia, để học sinh quay lại trường học, bên cạnh chuẩn bị các thiết bị như máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn tay, bố trí chỗ ngồi giãn cách, ngành giáo dục cũng cần đào tạo, tập huấn cho cán bộ nhà trường, giáo viên phương án xử trí khi có yếu tố dịch tễ.

Từng giáo viên phải nắm bắt, theo sát biểu hiện của học sinh, khi có biểu hiện ho, sốt thì xử lý thế nào. Nhà trường cũng cần xây dựng phương án đối với từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, ông Phu nói Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng có nhiều nghiên cứu nhấn mạnh việc học sinh sớm quay trở lại trường là nhu cầu cấp thiết, chính đáng của học sinh nhất là sau khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát.

"Đây là thời điểm thích hợp và cần thiết để cho học sinh quay trở lại trường học, đảm bảo sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ cho các cháu. Học sinh học online lâu ngày có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh và giảng dạy của thầy cô giáo", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Về việc chưa có vaccine cho trẻ em, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng cho rằng điều này là khó khăn chung của các nước trên thế giới. Song, việc đảm bảo điều kiện học tập nên được đặt lên trên bởi nếu chờ đợi vaccine thì sẽ rất lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội học tập của các em.

Vị chuyên gia dự đoán trong vài ngày tới, UBND Hà Nội sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này.

7 tiêu chí an toàn trường học

Trong văn bản mới nhất gửi các đơn vị trực thuộc, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu giáo viên, nhân viên các trường chấp hành nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR, qua website, liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

Các trường tiếp tục chuẩn bị các điều kiện, xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch Covid-19 sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học tập khi điều kiện cho phép, chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức tiêm vaccine cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Nhà trường nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe của học sinh, nếu có tình huống liên quan đến yếu tố dịch tễ phải báo ngay với cơ quan y tế tại địa phương và thông tin cho nhà trường để xử lý kịp thời.

Khi nào hàng triệu học sinh thủ đô quay lại trường?-2
Một phụ huynh tại Hà Nội hướng dẫn con học online thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Đức Anh.

Trước đó trong dự thảo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra 7 tiêu chí để chuẩn bị cho học sinh học tập trung.

Trong đó, trường phải đảm bảo cơ sở vật chấttrang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học (thiết bị đo thân nhiệt, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nước uống, nơi rửa tay bằng nước sạch).

Tiêu chí 2 là xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và thực tiễn dịch bệnh tại địa phương. Thứ 3, 100% học sinh, cán bộ giáo viên thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường.

Sở cũng yêu cầu thường xuyên vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường.

Trường tổ chức tập huấn cho học sinh, cán bộ, giáo viên về quy trình phòng chống dịch bệnh và xây dựng phương án xử trí trường hợp có sốt, ho, khó, thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có thêm 6 tiêu chí khác cho giai đoạn khi học sinh đến trường.

Theo dự thảo của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi tiêu chí được đánh giá ở 2 mức đạt và không đạtSố tiêu chí đạt càng nhiều, mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn và ngược lại.

Nếu đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ: Thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/khi-nao-hang-trieu-hoc-sinh-thu-do-quay-lai-truong-post1266879.html

COVID-19 học sinh

Tin tức mới nhất