“Xin lỗi chị, công ty không nhận F0 khỏi bệnh”.

Câu từ chối được đơn vị tuyển dụng đưa ra sau khi chị Nguyễn Phương (33 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết chị vừa khỏi Covid-19 cách đây 2 tháng.

Chờ đợi cuộc gọi phỏng vấn này đã lâu, chị cảm thấy sốc, hụt hẫng và bật khóc trước thái độ kỳ thị người từng nhiễm SARS-CoV-2.

Chị Phương cho hay chị từng làm việc trong ngành dịch vụ nhà hàng. Vì dịch, nhà hàng tạm đóng cửa, chị xin làm thời vụ tại một công ty và không may mắc bệnh.

Đi cách ly tập trung từ 30/7, hôm 28/8, chị Phương mới được về và tự cách ly tại nhà đến 10/9. Ba tháng qua, chị trang trải cuộc sống bằng khoản tiết kiệm ít ỏi trước dịch.

“Tôi muốn có công việc ổn định hơn nên tìm công ty mới sau khi hết bệnh. Tuy nhiên, khi tiết lộ là F0 khỏi bệnh, tôi lập tức bị từ chối. Tôi thấy nhiều nơi cũng không nhận người hồi phục từ Covid-19, hiếm lắm mới có mà lại xa khu vực tôi sống”, chị Phương kể.

Chị cho biết nếu thử xin việc vài nơi khác vẫn không được thì “đành chấp nhận buông xuôi”.

Khỏi Covid-19, nhiều F0 vẫn bị kỳ thị vô lý-1
Dù đã hồi phục, nhiều người vẫn khó xin việc vì đơn vị tuyển dụng không nhận F0 khỏi bệnh. Ảnh: Phương Lâm.

“Không ai muốn mắc Covid-19 cả. F0 vượt qua được đã là quá vất vả, nằm trên giường bệnh mà chỉ mong khỏi để được về nhà. Chúng tôi rất cần sự đồng cảm và không kỳ thị của mọi người để trở lại cuộc sống như trước đây”, chị Phương nói.

Những gì chị Nguyễn Phương trải qua chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện F0 khỏi bệnh bị người xung quanh kỳ thị, xa lánh. Đó là rào cản rất lớn để họ có thể tự tin hòa nhập lại với cuộc sống bình thường mới.

Sự kỳ thị vô lý

Kẹt lại TP.HCM trong đợt bùng phát dịch thứ 4, K.N. (21 tuổi), sinh viên vừa tốt nghiệp, hiện ở quận 10, không may mắc Covid-19 vào đầu tháng 8.

Cô khỏi bệnh sau 1 tuần tự chữa ở nhà và được cấp giấy hoàn thành cách ly.

Vài tháng qua, N. nhận trợ cấp từ gia đình để trang trải tiền thuê nhà, phí sinh hoạt. Cô muốn nhanh chóng tìm được việc để phụ bố mẹ.

Qua tìm hiểu, N. nộp hồ sơ xin việc vào công ty ở quận Gò Vấp - nơi chấp nhận ứng viên có chứng nhận F0 khỏi bệnh hoặc tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Để yên tâm hơn, cô tới bệnh viện test nhanh cách đây một tuần.

Hôm 23/10, N. đến phỏng vấn trực tiếp theo lịch hẹn. Tuy nhiên, tại cổng vào, cô được bảo vệ yêu cầu kiểm tra thẻ xanh.

Khi N. nói là F0 khỏi bệnh và có giấy chứng nhận, người này cầm bình khử khuẩn xịt vào người cô rồi nói: “Theo quy định của công ty, F0 sau khi khỏi bệnh phải tiêm ít nhất một mũi vaccine mới được vào phỏng vấn”.

Trước yêu cầu khác với thông tin tuyển dụng, N. ra về trong tâm trạng bức xúc, thất vọng. Cô sau đó liên hệ với đại diện công ty.

Theo quy định của Bộ Y tế, người có tiền sử rõ ràng từng mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng. Bởi vậy, yêu cầu của phía tuyển dụng là vô lý. Họ xin lỗi và hẹn mình phỏng vấn online bù nhưng mình từ chối”, cô kể.

Khỏi Covid-19, nhiều F0 vẫn bị kỳ thị vô lý-2
Thái độ kỳ thị, xa lánh từ người xung quanh khiến nhiều F0 khỏi bệnh ngại ra đường, tiếp xúc bên ngoài. Ảnh: Duy Hiệu.

Sau đó, N. được công việc khác làm tại nhà. Cô cho rằng nhiều công ty lo ngại tuyển dụng F0 khỏi bệnh ngay cả trong cuộc sống bình thường mới.

“Từ lúc bệnh tới giờ, mình hạn chế ra đường, trừ khi có việc cần thiết. Thực phẩm được gia đình ở quê gửi lên. Trải nghiệm như lần đi xin việc vừa rồi khiến mình càng ngại tiếp xúc bên ngoài vì sợ bị kỳ thị”, N. nói.

Trước khi mắc Covid-19 vào cuối tháng 8, chị H. (34 tuổi, ở quận 8) có chung tâm lý sợ F0 như nhiều người. Nhất là khi chị sống ở vùng đỏ của TP.HCM trong thời kỳ đỉnh dịch, không ít người qua đời vì nCoV.

Khỏi bệnh sau khoảng một tuần cách ly tại nhà, chị H. hạn chế ra đường, chủ yếu nhờ ba mẹ mua thực phẩm giúp hoặc đặt hàng qua mạng.

“Tôi từng đọc chia sẻ của nhiều người về trường hợp F0 khỏi bệnh bị kỳ thị, nhưng không ngờ hàng xóm lại sợ mình đến vậy. Khi tôi qua mua đồ tạp hóa, cô ấy trò chuyện hồ hởi cho tới khi biết tôi từng mắc bệnh thì lập tức né tránh, dù tôi vẫn tuân thủ quy tắc 5K. Thái độ kỳ thị này khiến tôi không dám nói mình là F0 khỏi bệnh mỗi khi ra ngoài”, chị N. nói.

“Cả xóm ai cũng xa lánh”, “Láng giềng coi như chưa từng quen”, “Công ty chưa cho trở lại làm việc”, “Bị yêu cầu test nhanh khi đi khám triệu chứng hậu Covid-19 ở bệnh viện”... là một số chia sẻ của F0 khỏi bệnh khác khi phải chịu đựng sự kỳ thị vô lý.

Sai lầm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết người khỏi Covid-19 là nhóm an toàn nhất trong môi trường có nCoV. Họ có thể miễn dịch cả đời hoặc trong 6 tháng tới một năm.

Khả năng tái mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh là rất thấp. Một số người miễn dịch kém có thể bị lại nhưng không đáng lo ngại.

“Thấy F0 khỏi bệnh, tôi càng mừng vì người ta không lây cho mình nữa. Họ an toàn hơn nhóm khác, đặc biệt sau 21 ngày cách ly. Kỳ thị F0 khỏi bệnh là suy nghĩ ngược, hoàn toàn sai lầm”, bác sĩ Khanh nói.

Nghiên cứu sinh, thạc sĩ Trương Nguyễn Xuân Quỳnh, ĐH Boston (Mỹ) và ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), nhà thực hành CTXH lâm sàng trong lĩnh vực y tế, cũng từng cảnh báo sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với F0 là một trong số nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng, kéo dài ngay cả sau khi họ khỏi bệnh đã lâu.

Khỏi Covid-19, nhiều F0 vẫn bị kỳ thị vô lý-3
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định việc kỳ thị F0 khỏi bệnh là hoàn toàn sai lầm. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo The New York Times, các chuyên gia y tế và nhà dịch tễ học ở Mỹ đều cho rằng bệnh nhân khỏi Covid-19 không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, không ít cá nhân phải đối mặt với sự kỳ thị xuất phát từ nỗi sợ hãi của người xung quanh.

Đó là bác sĩ thú y từ chối điều trị cho thú cưng của một phụ nữ đã khỏi bệnh; thợ làm vườn không cắt tỉa hàng rào bên ngoài ngôi nhà của một người đàn ông đã hồi phục; nhân viên tiệm giặt là nhảy dựng lên khi trông thấy Ủy viên Hội đồng thành phố New York Mark Levine - người được đưa tin mắc Covid-19 trên báo đài địa phương.

TS Eric McDonald, giám đốc về dịch tễ học và dịch vụ tiêm chủng của quận San Diego, cho biết đôi khi, sự kỳ thị liên quan đến Covid-19 không phải là vấn đề mad các cơ quan y tế quan tâm bởi họ đang tập trung theo dõi sự lây lan của virus, theo Los Angeles Times.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) từng khuyến cáo các nhà lãnh đạo cộng đồng và nhân viên y tế ngăn chặn sự kỳ thị liên quan đến Covid-19 bằng cách lên tiếng chống lại hành vi tiêu cực, chia sẻ thông tin chính xác về cách virus SARS-CoV-2 lây lan, công khai chống lại định kiến về F0.

CDC khuyến nghị những người từng bị kỳ thị hoặc phân biệt đối xử nên xem xét tìm kiếm sự trợ giúp về sức khỏe tâm thần hoặc dịch vụ hỗ trợ xã hội.

Theo Zing