Không phải “Cô dâu 8 tuổi”, đây mới là bộ phim dài nhất thế giới và kéo dài 72 năm

(2Sao) – “Guiding Light” đã chiếm các kỷ lục từ dài nhất cho đến lâu nhất.

Nếu bạn nghĩ “Cô dâu 8 tuổi” với độ dài hơn 2000 tập đã là dài rồi thì hãy suy nghĩ lại, bởi còn có bộ phim dài hơn gấp… 9 lần như thế. Đấy chính là “Guiding Light” (tên tạm dịch: Ngọn hải đăng) do Mỹ sản xuất, với 18,262 tập và kéo dài trong… 72 năm từ năm 1937 cho đến năm 2009 mới kết thúc. Hãy cùng 2Sao tìm hiểu xem vì sao “Guiding Light” có thể kéo dài được với số tập “khủng“ như thế.

“Guiding Light” là phim dài nhất thế giới với 18,262 tập.


Lý do ra đời của “Guiding Light”

Trước khi đề cập đến lý do ra đời của “Guiding Light” thì chúng ta nên tìm hiểu một chút về thể loại phim được gọi là Soap-opera. Đây là thể loại phim cực kỳ phổ biến ở các nước châu Âu và châu Mỹ vào thế kỷ trước. Có thể gọi nôm na đây là “thể loại phim thời gian thực” khi diễn viên sẽ phải gắn bó với các nhân vật trong phim càng nhiều năm càng tốt. Nhân vật trong phim sẽ trải qua những thăng trầm, thành công, hạnh phúc, bi thương y hệt như cuộc sống thật của chúng ta ngoài đời. Soap-opera chủ yếu hướng tới các bà nội trợ để cùng sống, cùng vui, cùng buồn… với các nhân vật trong phim. Soap-opera có thể kéo dài hàng chục năm mà không kết thúc, bởi đơn giản thể loại này như cuộc sống ngoài đời, nên trừ khi phim không còn thu hút thì mới ngừng lại.

“Cô dâu 8 tuổi” cũng thuộc thể loại soap-opera kéo dài nhiều năm.

Quay lại với Guiding Light, phim được ra đời vào năm 1937 và được phát sóng trên radio vì truyền hình thời gian đó vẫn chưa thịnh hành. Hoàn cảnh ra đời của “Guiding Light” cũng khá thú vị, khi “mẹ đẻ” của phim này là Irna Phillips sau khi sinh con ở tuổi 19 đã có cảm hứng về muốn làm một bộ phim trên radio nhằm truyền tải những giá trị nhân văn và thoải mái tinh thần cho khán giả. Vì vậy bà đã nung nấu ý tưởng thực hiện bộ phim này và vào ngày 25/1/1937, tập đầu tiên của phim dài 15 phút đã lên sóng đài phát thanh CBS.

Irna Philips là “Mẹ đẻ” của “Guiding Light”, bà còn sáng lập ra soap-opera nổi
tiếng khác là “As the world turns”.


“Guiding Light” thời gian đó mang tới không khí mới mẻ cho các bà nội trợ, khi vừa làm việc nhà vừa mở radio thưởng thức câu chuyện. Để rồi vào 15 năm sau, phim đã chính thức lên truyền hình vì sự phổ biến của tivi vào thời gian ấy, mở ra thời đại thịnh vượng lâu dài cho bộ phim này.

Phim mang tới làn gió mới mẻ cho các bà nội trợ thập niên 30 thế kỷ trước.


Thời kỳ hưng thịnh và suy tàn

Nội dung của “Guiding Light” kể về một linh mục tên Rev John Ruthledge và những người dân ở thị trấn giả tưởng Five Points. Xoay quanh những câu chuyện mà họ muốn tâm sự thì ông là ngọn hải đăng, là ngọn đèn chỉ đường “Guiding Light” cho họ. Xen lẫn câu chuyện là những mối quan hệ ngang trái, phức tạp của những người thân của ông. Từ đó phim tiếp tục mở rộng sang các gia đình khác trong thị trấn này. Khi phim được chuyển lên truyền hình vào năm 1952 thì toàn bộ câu chuyện đã chuyển sang thị trấn giả tưởng Selby Flats và kéo dài cho đến khi phim kết thúc.

Dàn diễn viên “Guiding Light” gắn bó vào thời kỳ đầu và cho tới thập niên 60, 70.


Sức hấp dẫn ở “Guiding Light” đơn giản vì phim tiên phong cho thể loại soap-opera mà hàng chục năm sau đó đã một thời “thống trị” truyền hình. Khán giả là những bà nội trợ thích thú khi theo dõi motif phim mới lạ là cuộc sống thật tương tự ngoài đời của một thị trấn. Trong đó xảy ra những câu chuyện hệt ngoài đời thật như gia đình xung đột, tình yêu bị ngăn cấm, sự cạnh tranh trong công ty… Bởi công việc của các bà nội trợ ngày đó rất nhàm chán khi chỉ ở nhà lo việc, nên “Guiding Light” cùng các soap-opera khác như một món ăn tinh thần với họ.

Dàn diễn viên thập niên 70 trở về sau, lúc này truyền hình màu đã có.

Tuy nhiên vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, khi phụ nữ bắt đầu ra ngoài xã hội làm việc nhiều hơn thì thể loại soap-opera bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Bởi không ai còn thời gian để theo dõi ngày qua ngày các phim dài trường niên này. “Guiding Light” cũng không thoát khỏi số phận khi lượng người xem ngày càng giảm dần, dù nhà sản xuất đã cố gắng thay đổi nội dung hấp dẫn hơn hay mời các dàn cast trẻ trung tham gia cứu phim.

Phim phải kết thúc trong tiếc nuối của các fan nhiều tuổi

“Guiding Light” suy yếu vào thế kỷ 21 và không thu hút khán giả nữa.


Dù đã cố gắng cải tiến nội dung thì “Guiding Light” không còn thu hút quảng cáo nữa. Chi phí làm soap-opera mỗi ngày không hề nhẹ, mà lượng người xem ngày càng giảm, buộc nhà sản xuất phải suy tính đến chuyện kết thúc phim. Dù các fan nhiều tuổi lâu năm của phim ra sức phản đối thì có vẻ như đều vô vọng. Bởi nhiêu năm liền “Guiding Light” luôn đứng chót bảng rating so với các phim soap-opera khác.

Phim đã kết thúc vào 18/9/2009 sau 72 năm phát sóng.

Vì vậy vào ngày 18/9/2009, tập cuối cùng đã kết thúc trong sự tiếc nuối của các fan. Bộ phim giữ kỷ lục dài nhất thế giới (18,262 tập) và kéo dài lâu nhất thế giới (72 năm) đã chính thức khép lại. Trải qua nhiều thăng trầm thì “Guiding Light” cũng đã đi đến chặng đường cuối cùng. Sau khi “Guiding Light” kết thúc thì những năm sau đó, số phận của các soap-opera ở Mỹ cũng không khá khẩm hơn, khi 2 soap-opera dài hơi tiếp đó là “As the world turns” và “All my children” cũng phải làm tập phim cuối cùng vì rating thấp.

“Đời sống chợ đêm” là soap-opera của Đài Loan hiện vẫn chiếu ở Việt Nam.


Có lẽ thời kỳ thống trị của soap-opera ở Mỹ đã dần kết thúc. Nhưng ở Đài Loan và Ấn Độ thì soap-opera chỉ mới khởi đầu bởi các phim dài hơi như “Đời sống chợ đêm”, “Cô dâu 8 tuổi”… vẫn được sản xuất trong nhiều năm liền và không có dấu hiệu kết thúc.

Lãng Khách
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất