Khu tập thể cũ nát ở HN: Dân biết nguy nhưng không chịu đi

Cho đến khi biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đổ sập làm 2 người chết, hàng trăm người hoang mang lo lắng thì người ta mới rùng mình nhìn lại trên địa bàn Thủ đô còn hơn 1.500 khu tập thể xuống cấp nghiêm trọng.

Đã từ lâu, hàng nghìn, hàng vạn hộ dân ở đây đã lường trước những nguy hiểm tới mạng sống nhưng họ chẳng muốn di dời đi đâu. Vì sao vậy?

Đi 7 năm chưa thể… trở về!

Những căn hộ cũ ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình có diện tích trung bình trên dưới 10m2. Nhiều dãy nhà xuống cấp trầm trọng, trong đó phải kể đến dãy nhà C1, người dân đã phải di dời từ nhiều năm trước. Hơn 100 hộ dân nhà C1 Thành Công đã chuyển đến nơi ở tạm N06 Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Mòn mỏi chờ đợi đã 7 năm trời, dự án thay thế  vẫn… nằm trên giấy.

Chưa hết, từ chỗ căn hộ trên dưới 10m2, sau khi xây mới có diện tích tối thiểu 40m2. Điều này có nghĩa là các hộ dân trên phải bỏ tiền mua phần diện tích tăng thêm ngoài diện tích được đền bù. Hầu hết những hộ dân ở dãy nhà C1 là cán bộ về hưu, tính ra phải bỏ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mới có thể về ở tại nơi vốn là nhà của họ. Thế nên, như gia đình bà Hồ Thị Tình (khu tập thể C1) phải trả cho diện tích tăng thêm theo giá thị trường 34 triệu đồng/m2 với con số hơn 1 tỷ đồng. “Chúng tôi đều là cán bộ về hưu.

 Khu tập thể cũ nát ở HN: Dân biết nguy nhưng không chịu đi - 1

Thảm trạng của một trong những khu tập thể cũ tại Hà Nội. Ảnh: H.P

Chồng tôi 75 tuổi, tôi cũng đã 65 rồi. Chẳng có đơn vị nào cho chúng tôi vay số tiền lớn như vậy cả”, bà Tình nói. 7 năm di chuyển tới nơi tạm cư, cũng là 7 năm các hộ dân ở đây gửi đơn tới tất cả các cơ quan ban ngành để yêu cầu giải quyết dứt điểm việc cải tạo, xây mới nhà C1. Nhưng sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Nhiều người lớn tuổi như vợ chồng bà Tình lo rằng mình khó có cơ hội được ở trong ngôi nhà được thay mới của họ.

Một phương án khác mà Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra là các hộ gia đình không đủ điều kiện mua nhà thì có thể thuê lại căn hộ. “Bỗng dưng từ chỗ là nhà của mình, bây giờ lại phải đi thuê nhà. Khó có ai chấp nhận điều đó. Còn phương án vay tiền mua nhà mới, chúng tôi hầu hết đều là cán bộ công nhân về hưu. Về già, sống trong cảnh nợ nần thì cũng éo le không kém”, ông Phạm Thành Lưu ở khu tập thể Thành Công cho biết.

Chung cư C1 Thành Công đã bị xếp vào diện nhà nguy hiểm cấp độ D, có nguy cơ sập lún bất cứ lúc nào. Năm 2008, UBND TP Hà Nội đã quyết định di dời hơn 100 hộ dân tại đây đến tạm cư tại nhà N06 Dịch Vọng, Cầu Giấy. Kế hoạch tháo dỡ và xây mới nhà C1 Thành Công cũng đã được phê duyệt cùng thời điểm đó và giao cho Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) thực hiện. Chiều 29/9, chúng tôi đến dự án này, tất cả chỉ vẫn chỉ là bãi đất được quây tôn kín mít. 7 năm trôi qua, cái gọi là “chung cư C1 Thành Công” giờ vẫn chỉ là một bãi đất.

Cắn răng sống cùng nguy hiểm

Thực tế, nhiều người dân sống tại các khu tập thể cũ không muốn bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư sửa chữa là bởi tâm lý lo sợ nếu dự án không triển khai được sẽ khó có thể lấy lại được nhà. Bà Nguyễn Thị Thu ở khu tập thể E4, Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa cho biết, dãy nhà nơi bà ở đã xuống cấp từ vài chục năm trước. Tuy nhiên, sau nhiều năm, nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý nhưng hiện nay vẫn chưa có kết quả. “Khu tập thể với những nhà vệ sinh tự tạo. Vì chật chội các hộ dân cơi nới tạm bợ. Khổ nhưng vẫn phải sống vì không biết đi đâu”, bà Thu than thở.

Anh Nguyễn Xuân Tâm, cư dân tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân bày tỏ lo lắng nhất là nếu bàn giao nhà mà việc cải tạo tập thể cũ bị chậm tiến độ thì không biết kêu ai. “Đã chấp nhận nơi ở mới chất lượng kém, vị trí xa xôi; sinh hoạt, công việc thường ngày bị đảo lộn, con cái bị ảnh hưởng do thay đổi môi trường sống, học tập… nhưng câu chuyện “dở khóc dở cười” ở khu tập thể C1 Thành Công là cư dân tuân thủ di dời để thực hiện tái thiết đến gần chục năm nay mà dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, nhà cũ đập đi rồi, muốn về lại không được. Đấy là điều chúng tôi rất lo sợ”, anh Tâm tâm sự.

Căn hộ ở tầng 5 khu tập thể Bách Khoa, đường Nguyễn Hiền, quận Hai Bà Trưng của bà Hồ Thị Xinh xuống cấp nghiêm trọng. Ban ngày mà cầu thang tối như ban đêm, hệ thống cửa chính, cửa sổ đã hỏng do tường bong tróc. Nhiều năm nay, trần nhà nứt thành nhiều đường lớn, hễ trời mưa là nước dột lênh láng sàn. Nhiều lần khắc phục không được vì những vết nứt này đã thành hệ thống chạy dọc cả tòa nhà. Nhiều lần họp bàn các hộ dân nhưng không thống nhất được. Bà Xinh cho biết khi nhóm họp, có hộ đồng ý bỏ tiền xử lý lại trần, có hộ không đồng ý vì họ chỉ là những người thuê nhà.

“Chờ đợi từ phía cơ quan chức năng thì chắc còn lâu vì ở Hà Nội này còn nhiều khu nhà còn “nát” hơn ở đây. Thế nên, thấy nguy hiểm quá, các con tôi mới bàn bạc mua một căn hộ ở khu Linh Đàm để ở. Chứ, ở lại căn hộ cũ đó, nguy hiểm lắm”, bà Xinh cho biết. Tuy nhiên, số hộ có điều kiện như bà Xinh mua nhà mới để tránh nguy hiểm chỉ là thiểu số. Còn lại, hàng trăm, hàng nghìn hộ dân ở các khu tập thể cũ đang phải sống mòn trong cảnh, biết nguy nhưng không thể... đi!

Theo Gia đình & Xã hội


Tin tức mới nhất