Khuôn mặt của "cô gái hóa bà lão" lại biến dạng dữ dội

“Hồi mới chữa bệnh ở Đài Loan về, da dẻ nó hồng hào, mập mạp, vậy mà giờ da mặt tiếp tục lão hóa, đen sạm lại", bà Mứt nghẹn ngào.

Ba năm sau ngày đi điều trị từ Đài Loan trở về, “cô gái hóa bà lão” – Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1985, ngụ tại phố Thanh Nam, P. Cẩm Châu, TP. Hội An, Quảng Nam) đang lâm vào nghịch cảnh, khi những hóa trị ngày xưa bỗng dưng mất tác dụng.

Những vết nhăn, lão hóa trên khuôn mặt người phụ nữ mới ngoài 30 ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Cuộc sống nghèo khó và gần như bị quên lãng sau nhiều năm, khiến chị Mai và hai con rơi vào cảnh túng quẫn. Chị không dám nhờ mọi người chia sẻ vì sau đợt hóa trị trở về, ai cũng nghĩ chị đã phục hồi.

Khi hóa chất mất công hiệu

Gặp lại chị Mai trong căn nhà xây tạm bợ trên đường Trần Quang Khải (phường Cẩm Châu, TP. Hội An), nhiều người không còn nhận ra bởi khuôn mặt nhăn nheo, già cỗi đang biến dạng dữ dội hơn.

Thân hình teo tóp, chị nằm cuộn tròn trên tấm thảm trãi giữa nhà. Thấy có người đến thăm, chị gượng ngồi dậy nhưng đôi tay không chống nổi, lại phải nằm xuống.

Ba năm sau chuyến điều trị từ Đài Loan trở về (năm 2012), nhiều người kỳ vọng “cô gái hóa bà lão” sẽ hồi sinh, lấy lại nét thanh xuân.

Nhưng trớ trêu thay, khuôn mặt của chị lại ngày càng già đi như bà lão 80 tuổi. Ngồi đối diện với chị, không ai nghĩ người phụ nữ này mới chỉ ngoài ba mươi.


Hàng chục căn bệnh trong người khiến cơ thể chị Mai teo tóp dần, phải nhờ mẹ chăm sóc.


“Hồi mới chữa bệnh ở Đài Loan về, da dẻ nó hồng hào, mập mạp. Khuôn mặt cũng được kéo căng, trẻ lại rất nhiều.

Ai cũng hy vọng nó thoát khỏi chứng bệnh kỳ quái. Vậy mà giờ da dẻ nó lão hóa, đen sạm lại”, bà Nguyễn Thị Mứt (mẹ chị Mai) nghẹn ngào.

Bà Mứt cho hay, sau khi dùng thuốc và hóa chất do bác sĩ Đài Loan kê được gần nửa năm thì sức khỏe và da mặt của chị Mai dần đi xuống, những vết nhăn lão hóa xuất hiện nhiều hơn.

Gia đình tự ý tăng liều lượng thuốc lên gấp 2-3 lần cũng không ngăn được những chứng bệnh ẩn chứa trong người cô con gái bộc phát.

Khi thuốc của các bác sĩ Đài Loan không còn đủ "đô" nữa thì chị chuyển sang sử dụng thuốc do một bác sĩ tư nhân ở Hội An kê, để giảm bớt những cơn đau.

“Cô gái hóa bà lão” đang ngày càng già đi.
“Cô gái hóa bà lão” đang ngày càng già đi.


“Cứ hai ba tuần nó lại đổ bệnh, nằm viện gần cả tháng vẫn không đỡ. Nhiều hôm, Mai lên cơn đau ngực, cả nhà phải cõng đi cấp cứu cả đêm.

Cơ thể nó cứ teo tóp dần, giờ chỉ còn 27 – 28kg”, ông Nguyễn Đình Phước (cha chị Mai) cho biết.

Lướt qua cuốn sổ khám chữa bệnh đã bạc màu, trên đó ghi chi chít những căn bệnh chị Mai mắc phải, nào là suy thận, dạ dày, hen suyển, phổi, xơ gan... và trầm trọng hơn là căn bệnh suy tim.

Đau đớn nhìn đứa con gái đau quặn thắt, vùng vẫy trong những cơn đau, ông Phước chia sẻ, Mai bị bệnh lão hóa từ năm lên 10 tuổi.

Khi con gái bước vào tuổi xuân thì cũng là lúc bệnh tình liên tiếp đổ ập xuống gia đình ông. Cái "khổ danh – cô gái hóa bà lão” mà người làng vẫn gọi có từ đó.

Đôi mắt buồn của người cha khi thấy cuộc sống con gái éo le...
Đôi mắt buồn của người cha khi thấy cuộc sống con gái éo le...


“Không dám mong xã hội giúp đỡ nữa...”

Nhìn đứa con gái nằm tiều tụy, bà Mứt như đứt từng khúc ruột. Suốt mười mấy năm nay, bà vẫn ấp ủ hy vọng bệnh tình con gái sẽ thuyên giảm.

Thế nhưng, uống từ thuốc Tây, thuốc Bắc rồi chuyển sang thuốc Nam..., gia đình bà cũng dần “bó tay” với bệnh tật quái ác của con.

Cuộc sống của đôi vợ chồng già ngoài 60 tuổi phụ thuộc vào tiệm tạp hóa lụp xụp bên đường, giờ lại gồng gánh thêm ba mẹ con chị Mai.

Ôm hai đứa cháu ngoại vào lòng, bà Mứt chua chát: “Cũng may hai đứa nhỏ không bị chứng bệnh như mẹ nó nên ngoan và học giỏi lắm. Ba chúng nó làm nghề xe ôm kiếm sống qua ngày, chỉ lâu lâu mới ghé thăm cho dăm ba chục ngàn rồi đi”.

Bà Mứt kể tiếp, năm rồi, cháu gái đầu Trần Thị Ngọc Anh (học lớp 3) được đi thi học sinh giỏi nhưng phải nghỉ ở nhà vì không ai đưa đón luyện thi.

Bà Mứt dạy cho cháu ngoại học bài.
Bà Mứt dạy cho cháu ngoại học bài.

Hai con của chị Mai may mắn không bị di truyền chứng bệnh từ mẹ.
Hai con của chị Mai may mắn không bị di truyền chứng bệnh từ mẹ.


Dù biết trước căn bệnh sẽ không được điều trị dứt điểm nhưng chị Mai vẫn cố gắng gượng dậy để sống vì hai con. Những ngày bệnh tật bớt hành hạ, chị lại vịn tường ra ngồi trông nom quán tạp hóa.

“Trước đây còn đi lại dễ dàng, tôi có thể buôn bán kiếm mấy đồng nuôi con. Nhưng từ gần ba tháng qua, bệnh của tôi chuyển nặng nên không đi lại được nhiều.

Tôi đã được mọi người ưu ái, giúp đỡ đi chữa bệnh nhiều nơi rồi. Giờ không dám làm phiền mọi người nữa, đó cũng là số phận trời định. Chỉ thương hai đứa nhỏ sau này bơ vơ...”
,  vừa dứt lời, chị Mai vội vàng lau những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Theo Tri thức trẻ

Tin tức mới nhất