Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ nổ bóng bay. Các bác sĩ cảnh báo đây là những “quả bom nổ chậm” rất nguy hiểm.
Hàng loạt vụ nổ bóng bay khiến nhiều người thương tật
Trước đó, ngày 11/2, tại phố Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng xảy ra một vụ nổ bóng bay trong ô tô khiến nhiều người hoảng sợ. Theo một số người chứng kiến, một quả bóng bay phát nổ bên trong ô tô 4 chỗ. Khi đó, 2 cháu gái đang ở trong xe, rất may chỉ bị cháy sém tóc. Quả bóng phát nổ có sức ép khá mạnh nên làm vỡ nát cửa kính một bên ô tô.
Gần đây nhất là vụ bỏng từ bóng bay xảy ra ngày 26/2. Theo đó, chùm bóng kép 20 quả lớn và 20 quả nhỏ lồng trong bóng được gia đình mua trang trí cho tiệc sinh nhật 70 của người bà cũng phát nổ. Sau bữa tiệc sinh nhật, mọi người gom bóng lại để mang về cho trẻ em chơi. Khi ra ngoài, Minh cùng vài người nữa đang lấy chùm bóng ra khỏi túi bóng thì cả chùm phát nổ, cháy chùm lên mặt, tay của Minh. 4 - 5 người khác đứng xa hơn nên chỉ bị bỏng ở tay.
Cùng bị bỏng do nổ bóng bay như chị Minh và đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn là trường hợp Mai Phương L., 22 tuổi. L. cho biết hôm 14/2 vừa qua có mua một chùm bóng bay 55 quả để tổ chức liên hoan ở công ty, khi đưa chùm bóng từ phòng họp chính vào một phòng nhỏ hơn để cất giữ thì bất ngờ bóng bay phát nổ. Vụ nổ làm cho L. và một bạn gái khác đứng gần đó bị bỏng. Vụ nổ làm nạn nhân bị bỏng ở mặt, cổ, cháy tóc, may mắn là cô gái này có đeo kính nên không bị ảnh hưởng đến mắt nhưng cặp kính đã biến dạng.
Khuyến cáo từ bác sĩ khi chơi bóng bay
PGS.TS Trần Hồng Côn (Trưởng khoa Hóa – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng bóng bay bằng khí heli vẫn an toàn, nhưng loại khí này đắt và hiếm nên nước ta phần lớn dùng khí hydro. Hydro là loại khí này rất rẻ tiền và rất dễ sản xuất, nguyên liệu bao gồm vụn nhôm, đồng nát, vôi, kiềm nén lại trong bình là có khí hydro.
Loại khí này rất dễ phát nổ, nhất là khi gần các nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, pháo hoa nổ chậm rơi xuống mặt đất, pháo phụt, nến đang cháy... Thậm chí, khi bóng vỡ khí hydro gặp ô xy nhiều lúc không cần lửa, mà chỉ cần xúc tác của ánh mặt trời bóng cũng có thể phát nổ và gây tai nạn.
Nhiệt độ tự cháy của khối hydro trong không khí lên đến 500 độ C, nên khi phát nổ bóng bay chứa hydro có thể gây bỏng mặt, gây cháy tóc, mù mắt... Những loại bóng bay chùm hoặc những quả bóng bay có kích thước lớn thì mức độ sát thương càng lớn.
Theo bác sĩ Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2017 có tới 4-5 ca cấp cứu bỏng do nổ bóng bay vào viện này và hậu quả để lại khá nặng nề. Một người trong số này là nam giới đã bị mù một mắt sau tai nạn.
Bác sĩ Thống cảnh báo trong khoảng 10 năm gần đây, năm nào khoa bỏng Bệnh viện Xanh Pôn cũng tiếp nhận hàng chục ca bỏng do nổ bóng bay (loại bóng bay được bơm khí hydro), trong khi rất nhiều người không tin rằng bóng có thể nổ nên thường mua bóng cho trẻ em chơi.
Trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời cao, trẻ em nghịch chèn ép quả bóng hay có khi người chơi dùng lửa để “cắt” dây trái bóng ra khỏi chùm, bóng được bơm căng quá... đều có nguy cơ gây nổ và gây bỏng cho những người xung quanh.
Bác sĩ Thống cho biết thêm, điều lo ngại thứ hai với các trường hợp bị bỏng bóng bay là có nhiều nạn nhân, thường cả nhà cùng bị bỏng một lúc. Bóng bay bơm khí hydro rất nguy hiểm nhưng người dân lại chủ quan, không nhận thấy mối nguy của nó. Tốt nhất người lớn không nên cho trẻ em chơi loại bóng này, bởi trẻ hiếu động, dễ khiến bóng tiếp xúc với các mối nguy gây phát nổ là nguồn lửa. Chỉ cần tàn thuốc lá của người xung quang vô tình bắn vào hoặc tác động mạnh của lực cũng khiến bóng phát nổ gây bỏng.
>>> Cô gái trẻ bàng hoàng kể thời điểm nổ bóng bay bị bỏng cả khuôn mặt
>>> Cô gái xinh đẹp bị bỏng toàn bộ gương mặt khi 55 quả bóng bay trên tay bất ngờ phát nổ
Linh Nguyễn
Theo Vietnamnet