- Là một nghệ sĩ cải lương rất thành công, thuộc thế hệ vàng của cải lương miền Nam, nhưng trong tình yêu và hôn nhân dường như anh lận đận vì trải qua hai lần đổ vỡ?
Tôi không phải là người bay bướm. Hiện, tôi có 5 người con, trải qua hai lần đổ vỡ không có nghĩa do tính tôi đào hoa. Mỗi người đều có một hoàn cảnh, số phận. Giày dép còn có số thì nói chi là con người.
Tôi cứ mỉm cười, đón nhận mọi biến cố trong cuộc sống. Nếu có đổ vỡ cũng là nợ đã hết nhưng nghĩa chắc chắn phải còn. Mình sống làm sao để con cái thấy điều đó, hãnh diện vì ba mẹ.
Tôi chia tay với Cẩm Tú (vợ hai - pv) thì cả hai vẫn như hai người bạn. Cô ấy cần gì là gọi tôi và ngược lại. Hai đứa nhỏ vui thì qua nhà tôi, không thì về ngủ với mẹ. Điều tôi hạnh phúc nhất là 5 đứa con đều yêu thương nhau, coi nhau như anh em ruột, không có sự phân biệt. Vì thế tôi không bị khó xử giữa các con.
- Nghe nói khi anh cưới chị Cẩm Tú đã từng vượt qua sự ngăn cản của gia đình. Vậy khi chia tay, anh thế nào?
Lúc chia tay Cẩm Tú, tôi buồn lắm, giống như cả thế giới trước mắt mình bị sụp đổ. Tôi không thể đi hát, đóng cửa ở nhà trong suốt 4-5 tháng. Sau đó, tôi gặp một sư thầy, thầy khuyên đừng buồn vì hai vợ chồng chia tay nghĩa là đã hết nợ.
Trước khi ly hôn, chúng tôi có 4 năm ly thân. Thời gian đó, tôi và Cẩm Tú cùng hai con vẫn đi siêu thị, đi ăn chung. Ở ngoài, không ai biết chúng tôi lục đục. Chúng tôi chia tay, không có lỗi ở ai hết.
Chúng tôi sống với nhau 12 năm tình nghĩa, không phải dễ dàng chấm dứt. Phải đặc biệt lắm, chúng tôi mới chia tay. Tuy vậy, tôi và Cẩm Tú vẫn giữ sự tôn trọng cho nhau. Không còn vợ chồng thì chúng tôi là bạn. Cả hai cần gì thì cùng giúp đỡ nhau.
- Mối quan hệ giữa những người vợ của anh hiện thế nào?
- Trinh Trinh không bao giờ ghen hay thắc mắc với chuyện tôi quan tâm vợ cũ, con riêng. Trinh rất thương hai đứa nhỏ. Con gái đầu của tôi là Maika vẫn ở chung nhà với vợ chồng tôi. Maika gọi Trinh Trinh là chị. Tôi không quan trọng chuyện xưng hô đó, miễn sao trong nhà lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái.
- Anh rút ra những điều gì sau hai lần đổ vỡ hôn nhân?
Tôi nghĩ trong gia đình, người vợ có vai trò giữ hạnh phúc, quan trọng hơn người chồng. Người chồng là trụ cột như con trâu đi cày để gia đình ấm no, hạnh phúc nhưng người tạo nên tiếng cười, sự ấm cúng là người vợ.
Tôi rất vui khi Trinh là người vợ biết im lặng và biết nghe. Quan trọng hơn nữa là Trinh hiểu được những người xung quanh và chia sẻ với họ, chứ không ích kỷ. Người phụ nữ ích kỷ sẽ tự tách mình ra khỏi gia đình và xã hội.
- Nói như thế, với hai người vợ trước không cùng nghề nên ít có sự thấu hiểu?
Tôi cũng nghĩ đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chia tay. Họ không hiểu nghề của tôi thế nào nên từ đó bị hoang mang, không tin tưởng. Dù gì tôi cũng nhận lỗi về mình đó là vì công việc, sự nghiệp mà tôi đã theo đuổi.
Người đàn ông theo đuổi nghệ thuật giữ được gia đình đã khó, người phụ nữ càng khó gấp 10 lần. Vì thế nữ nghệ sĩ nào vừa thành công trong nghề vừa có gia đình hạnh phúc thì tôi ngưỡng mộ vô cùng như Tài Linh, Ngọc Huyền.
- Trong thời gian diễn chung với chị Ngọc Huyền, anh chị được mệnh danh là cặp kim đồng ngọc nữ. Ở ngoài đời, anh có từng rung động trước chị ấy?
Làm sao có thể tránh khỏi khi hát chung với nhau, được khán giả yêu mến và có những lời ghép đôi. Nói thật, trong lòng tôi không bao giờ có ý nghĩ lấy một người nghệ sĩ làm vợ. Lúc đó tôi nghĩ mình là nghệ sĩ, vợ nữa thì sinh con ai lo?
Vì thế cảm xúc với Ngọc Huyền chỉ là trên sân khấu thôi. Khi lên sân khấu, tôi mượn vai diễn để nói những gì thầm kín trong mình. Ngoài đời chưa bao giờ chúng tôi nói một tiếng yêu nhau.
- Nghệ sĩ vốn đa cảm, làm sao anh giữ được trái tim mình khi thực sự trong lòng có rung động?
Sau khi chia tay người vợ đầu, tôi gặp Ngọc Huyền, hai đứa có sự nghiệp rất tốt, được khán giả yêu mến, đôi kim đồng ngọc nữ. Khi tôi chuẩn bị tỏ tình, để có mối quan hệ chính thức thì Ngọc Huyền lấy chồng giám đốc, giàu có. Đến khi Ngọc Huyền ly dị thì tôi lại gặp Cẩm Tú.
Một thời gian sau tôi và Cẩm Tú chia tay thì Ngọc Huyền đi Mỹ. Chúng tôi chỉ có duyên trên sân khấu. Trên đời này, ông trời chỉ dành cho mình một thứ thôi. Nếu có duyên ngoài đời thì không bao giờ cái diễn ăn ý trên sân khấu nữa.
- Bây giờ, khi gặp lại Ngọc Huyền, cảm xúc của anh thế nào?
Bây giờ chúng tôi là tri kỷ. Ngọc Huyền có nỗi buồn gì thì nói cho tôi nghe và tôi cũng thế. Ở chương trình Đường tới danh ca vọng cổ, tôi đã làm bằng mọi thứ mình có thể để đưa cô ấy về nước.
Chính tôi là người khởi xướng và đưa ý tưởng đưa bộ ba Kim Tử Long - Ngọc Huyền và Thoại Mỹ ngồi ghế nóng.
- Anh có hối tiếc vì không thành tình yêu với chị Ngọc Huyền?
Nếu chúng tôi có yêu nhau thì đã yêu nhau từ lâu rồi. Đi hát chung với nhau chỉ hai đứa, ở chung khách sạn, ở hai phòng kế bên, chúng tôi từng có sang phòng nhau nhưng chưa từng có hành động gì để đi xa hơn chữ anh em, tình bạn. Do đó, đến giờ phút này Ngọc Huyền mới tôn trọng và xem tôi như người tri kỷ.
- Chị Trinh Trinh có từng ngại khi đến với người trải qua hai đời vợ và có 3 con riêng như anh?
- Cô ấy không ngại nên tôi mới sống với Trinh đến bây giờ. Nếu cô ấy hỏi tại sao, tôi vẫn quan tâm đến các con, vợ cũ thì chúng tôi không đi chung một đường đâu.
Trong gia đình, đàn ông là trụ cột, kiếm tiền, còn vợ là người quán xuyến. Tuy vậy, tôi cũng tôn trọng ý kiến của Trinh. Ví dụ nếu vấn đề gì cô ấy nói hợp lý thì tôi đồng tình, để Trinh tự quyết.
Trong cuộc sống, chúng tôi hầu như không có mâu thuẫn. Tôi mở nhà hàng này, nếu một người vợ khác có thể sẽ ngăn cản, ý kiến này nọ còn Trinh thì không.
- Là một trong những nghệ sĩ cải lương được khán giả yêu thích nhất, anh có nghĩ việc bị bắt vì đánh bạc ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của mình?
Đúng, đó là năm xui tháng hạn của tôi. Không bao giờ tôi trách móc khán giả nói mình thế này, thế nọ. Tôi chỉ tự lấy đó là bài học để mình không vấp phải. Về cờ bạc, tôi chỉ là nạn nhân.
Tôi đi hát và mọi người chơi, vì hòa đồng nên cũng xuống góp vui. Công an bắt những người có tiền án. Họ lại ép công an thì thả tôi phải thả họ. Trong cuộc đời tôi có hai cú sốc lớn nhất là chia tay với Cẩm Tú và cờ bạc.
- Anh có hối hận vì lỡ đánh bạc?
Nếu tôi làm thực sự thì tôi ân hận nhưng đây chỉ là không may mắn. Đây là bài học để tôi tránh xa những buổi đỏ đen vui như thế. Nếu đi hát đám cưới, tiệc tùng, người ta có mời mọc thế nào, ai giận thì tôi cũng chịu.
Nếu cờ bạc lớn thì phải có người canh, người bảo kê, còn đây đánh thanh thiên bạch nhật thì sao gọi là chuyên nghiệp. May mắn là sau đó có người giải oan cho tôi. Tôi được tòa tuyên vô tội, không bị bất cứ hình phạt nào.
Hơn 200 triệu đồng mang theo khiến mọi người nghĩ tôi mang đi đánh bạc nhưng thực ra đó là số tiền tôi đóng tiền nhà. Tôi mua một chung cư tại đường Võ Văn Kiệt. Đáng lẽ đóng sáng nhưng giờ hát lại đúng vào 2h chiều tại Đồng Tháp nên tôi chưa kịp ra ngân hàng gửi.
- Anh nghĩ sao khi nhiều khán giả cho biết thường gặp anh ở sòng bài tại Campuchia?
Lâu lâu tôi cũng qua Campuchia chơi nhưng đó là giải trí và mỗi lần đi đều đi cùng bạn bè, gia đình. Bạn bè Việt kiều của tôi về nước cũng kéo nhau sang đó ăn, chơi rồi đi về. Tôi nghĩ việc đó không phải là tội, đồi trụy mà chỉ là giải trí.
- Là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của cải lương miền Nam, chứng kiến sự đi xuống của môn nghệ thuật truyền thống, anh có những trăn trở gì?
Tôi may mắn trưởng thành sau năm 1975, được đào tạo chính quy bởi các thầy cô giỏi nghề như NSND Phùng Há, Kim Cúc, Tấn Đạt, Hoàng Ba… Tôi được tiền bối truyền dạy vũ đạo, ca hát, biểu diễn tận tình. Cải lương đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng bây giờ tôi tin đây vẫn là bộ môn nghệ thuật đặc sắc, biểu tượng của văn hóa Việt Nam.
Bây giờ, khán giả có nhiều lựa chọn để giải trí như chương trình gameshow, ca nhạc nhưng sân khấu vẫn không thể mất đi. Thậm chí nhiều chương trình giải trí gần đây còn đưa nghệ thuật cải lương vào.
Cải lương đang tháo trào nhưng tôi tin khi làm tốt, đổi mới thì khán giả vẫn đón nhận. Tôi đưa đoàn ra Hà Nội hát với giá vé 1,8 triệu đồng nhưng khán giả vẫn tới xem.
Có nghĩa là khán giả vẫn yêu mến và muốn xem cải lương. Vấn đề là làm sao người làm nghề chứng tỏ cho khán giả thấy cải lương không còn ấu trĩ, sến và lạc hậu nữa mà mang hơi thở của nhịp sống hiện đại.
- Danh hài Hoài Linh từng phản ứng gay gắt khi đồng nghiệp dùng những từ sến dành cho cải lương. Còn anh, khi nghe từ đó, anh phản ứng thế nào?
Có những chương trình nếu mình đầu tư tốt, có dàn diễn viên tên tuổi thì sẽ đưa ra sản phẩm tốt. Tôi không trách ai đó nói có ý chê cải lương như mặc đồ, nói chuyện cải lương quá. Con sâu bỏ rầu nồi canh, có nhà tổ chức cẩu thả, đưa đến vở cải lương sến, lạc hậu.
Tiêu chí dựng vở của tôi là làm sao để cải lương sang trọng, kết hợp được yếu tố nhiều hiện đại. Cảnh trí không đơn giản thả màn treo mà dùng màn hình led.
Ngày xưa, diễn viên cải lương làm mặt rất đậm, lòe loẹt, trang phục xanh đỏ tím vàng nhưng giờ không nên như vậy. Nghệ sĩ cải lương phải thay đổi để khán giả trẻ thấy cải lương gần gũi, không thấy sến.
- Từng đứng ở đỉnh cao trong thời kỳ cải lương hoàng kim, vậy khi bộ môn nghệ thuật này thoái trào, anh bị ảnh hưởng như thế nào?
Khi cải lương rơi vào thoái trào, không có một cánh tay, chính sách nào hỗ trợ để vực bộ môn này đứng dậy. Hàng loạt gánh hát, đoàn hát giải thể. Không còn sân khấu cho nghệ sĩ làm nghề. Với tôi, sự sụt giảm của cải lương không ảnh hưởng đến kinh tế vì vẫn sống được bằng cách hát event, tạp kỹ, đi tỉnh và chương trình truyền hình.
Niềm vui của tôi chỉ là niềm vui cá nhân. Tôi trăn trở và đau lòng khi nhìn bạn diễn, các cô chú lớn tuổi không còn sân khấu diễn, phải bươn chải qua các nghề bán vé số, chạy xe ôm, nấu cơm dạo.
Đau nhất là các nhà hát biến thành vũ trường, beer club, siêu thị… Rạp Hưng Đạo vốn là nơi duy nhất cho sân khấu cải lương nhưng sau khi sửa chữa chỉ còn 300 ghế, sân khấu nhỏ, không thể dựng vở hoành tráng.
Khi nhà hát xây xong, ai cũng háo hức được biểu diễn nhưng khi chứng kiến thì chúng tôi vỡ mộng vì sân khấu như một hội trường.
- Thời kỳ cải lương hưng thịnh cùng với sự ái mộ của khán giả khắp cả nước, cát-xê cao ngất ngưởng, hẳn cũng là một trong những điều kiện giúp anh có cuộc sống đầy đủ bất chấp sự đi xuống của nghề?
Những năm 90, chúng tôi may mắn có tiếng, có tiền và có vai diễn hay. Đó là điều hạnh phúc vì không phải nghệ sĩ nào có được. Vào năm 1992, một tháng có khi tôi quay được 4-5 video cải lương.
Có khán giả ái mộ tôi từ khi tôi 18 tuổi đến bây giờ. Tôi ra hơn 100 tuồng thì bà đều có 100 cuốn băng đó. Bà nói với tôi: “Mẹ chết thì những cuốn băng đó là tài sản của con”. Đó là tình cảm của khán giả dành cho mà không phải ai cũng có.
Cảm ơn anh.
Theo Zing