Kỳ lạ hòn đá cứ đốt nóng là biến thành máy phát sóng Wifi

Thoạt nhìn, hòn đá được đặt tại lối vào của khu rừng thuộc một bảo tàng ngoài trời tại Đức này có vẻ chỉ là một tảng đá. Thế nhưng, nếu quan sát kĩ bạn sẽ thấy nó không hề bình thường một chút nào.

Đây thực ra là một tác phẩm nghệ thuật có cài một máy phát sóng Wi-fi chạy bằng nhiệt và một ổ USB giấu bên trong! Được sáng tạo bởi nghệ sĩ đến từ Béc-lin (Đức) Aram Bartholl, hòn đá có tên “Giữ mạng” (Keepalive) này là một sự kết hợp tương phản giữa yếu tố sinh tồn xưa và nay.

Nhìn thoáng qua không ai nghĩ hòn đá nặng 1,5 tấn này liệu có thể có gì đặc biệt.
 

Bartholl cho biết nguồn cảm hứng của anh cho việc lồng ghép 2 phương thức sinh tồn cổ đại và hiện đại bắt nguồn từ việc người ta bán loại bếp BioLite trong thời gian xảy ra bão Sandy. Dù không có điện, loại bếp này có thể được vận hành được nhờ lửa.
 
Thực chất, hòn đá ẩn chứa một bí mật có thể giúp bạn sinh tồn.
 

Anh nói: “Thật hài hước, bởi lẽ khi không có điện, người ta lại mua những loại bếp như vậy chỉ để đánh lửa rồi sạc điện thoại của họ”. Vì thế anh quyết định phát minh ra hòn đá chạy bằng nguồn năng lượng điện do máy phát nhiệt điện chuyển hóa từ nhiệt mà thành. Các khách tham quan đến bảo tàng Springhornhof cần phải sử dụng những biện pháp sinh tồn cơ bản thông qua việc nhóm lửa cạnh tảng đá để sử dụng mạng Wifi. Khi có đủ lượng nhiệt cần thiết, chiếc máy phát sóng mới khởi động và họ mới có mạng để dùng điện thoại di động của mình.
 
Khi có đủ lượng nhiệt, máy phát sóng Wifi bên trong tảng đá sẽ khởi động.
 
Hệ thống mạng chạy trên phần mềm tự chế Piratebox, nó có thể tạo ra mạng không dây ngoại tuyến. Qua đó, khách có thể truy cập, tìm kiếm và tải về các tập tin lưu trữ trong ổ USB, được cài sẵn bên trong tảng đá. Ổ đĩa USB này chứa rất nhiều hướng dẫn sinh tồn dưới dạng PDF khá thú vị và lạ lùng, ví dụ như “Hướng dẫn chia tay”, “Hướng dẫn đối phó với máy bay điều khiển từ xa”, “Hướng dẫn sinh tồn cho phụ nữ độc thân ngổ ngáo”...
 
Một số các tập tin kì quặc được tải lên có thể là sản phẩm của những vị khách tinh quái nào đó, nhưng Bartholl không thấy phiền. Thậm chí, anh còn ủng hộ việc chia sẻ dữ liệu công cộng, bằng cách sáng tạo ra Dead Drops – hệ thống mạng chia sẻ thông tin hoành tráng nhất hành tinh gồm những ổ đĩa USB cài vào khắp các tòa nhà trên thế giới.
 
Mặc dù vậy, hệ thống mạng này chỉ có giới hạn trong khu vực nhất định.

Bartholl nói với báo chí: “Nó không phải là để phục vụ cho việc truy cập mạng thuận tiện, mà nó liên quan đến ý tưởng hậu tận thế, kiểu như, có một người nào đó tìm thấy thứ này 100 năm sau – giả sử nó vẫn hoạt động và người ta khám phá ra rằng phải tạo ra lửa thì mới sử dụng được, hoặc nhỡ đâu có một lúc nào đó chúng ta phải nhóm lửa như thời xưa mới có thể truy cập thông tin được thì sao?”.

Theo Afamily/ Tri Thức Trẻ


Tin tức mới nhất