Hàng năm, mỗi đợt gió mùa tràn về, Ấn Độ lại biến thành vùng đất kỳ diệu với những hiện tượng thiên nhiên độc đáo.
Một trong những hiện tượng đáng kinh ngạc nhất đó là khoảnh khắc nước ở những dòng thác phía tây Ấn Độ như "bay" lộn ngược lên trời, bất chấp các định luật vật lý thông thường.
Thác nước "bay ngược" lên trời ở Visapur, Malvali, Maharashtra, Ấn Độ.
Theo lý giải của các chuyên gia, dòng chảy ngược của nước xảy ra khi những đợt gió mùa thổi từ phía dưới rất mạnh, đẩy lên phía trên. Những tia nước đủ lớn tới mức tạo thành cảnh tượng dòng thác "bay" lên trên. Khi đứng ở góc nhìn trên cao du khách có thể quan sát khoảnh khắc này rất rõ.
Thác nước ở Naneghat. Ảnh: Praneet Gawari/Flickr
Đèo Naneghat trải dài giữa bờ biển Konkan và cao nguyên Deccan là một trong những nơi thu hút nhiều du khách từ khắp nơi đổ về để tận mắt chứng kiến cảnh những dòng nước như "bay" lơ lửng giữa không trung.
Tương tự như vậy, cách Nashik chừng 20km, ngôi làng Anjaneri yên tĩnh cũng có “thác nước lộn ngược" nằm trên đường lên đỉnh núi Tahuli.
Thác nước ở thung lũng Sandhan.
Làng Samrad ở thung lũng Sandhan gần thành phố Mumbai cũng là nơi sở hữu "thác nước ngược" nằm ở độ cao hơn 600m. Gần Pune, Kavalshet Point có khoảng 10 thác nước nhỏ và một chuỗi "thác ngược" nằm giữa rừng cây xanh tốt.
Ngoài ra, gần pháo đài Sinhagad dọc theo Malshejghat nằm ở giữa địa danh Kalyan và Ahmednagar của Maharashtra, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng các thác nước "bay ngược" như vậy.
Ngoài Ấn Độ, cảnh tượng kỳ thú này còn xuất hiện ở một số nơi trên thế giới như tại Kinder Downfall ở Anh, Iceland; thác nước trên quần đảo Faroe hay bên trong công viên quốc gia Hoàng gia ở phía nam Sydney, Australia.
Được biết hiện tượng này chỉ xảy ra khi gió mạnh cuộn lên từ mặt biển, va vào vách đá làm nước chảy ngược lên trời.
Đại diện phía công viên cho biết, hiện tượng “thác nước chảy ngược” chỉ xuất hiện vài lần trong năm và thu hút rất đông du khách tới tận mục sở thị, bất chấp thời tiết gió mạnh.
Theo Người Đưa Tin