1. Can thiệp vào mọi chuyện của con trai và con dâu
Trong phim Sống chung với mẹ chồng, bà Phương được khắc họa là một người phụ nữ trung niên ở nhà làm nội trợ, ít tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài và dành mọi thời gian, tâm huyết để vun vén cho gia đình, chồng con. Bà luôn coi con trai là một cậu bé dù anh đã trưởng thành và đến tuổi lập gia đình.
Khi Thanh (Anh Dũng đóng) lấy vợ, bà Phương cảm thấy cuộc sống đảo lộn vì phải san sẻ tình cảm của con trai với một người phụ nữ khác và phải "hầu hạ" thêm con dâu. Những mâu thuẫn giữa bà Phương và con dâu Minh Vân (Bảo Thanh đóng) xuất hiện từ quá trình chuẩn bị đám cưới và dần dần tích tụ hàng ngày khi Vân về làm dâu trong gia đình bà Phương. Vì quan tâm đến con trai một cách thái quá nên bà Phương luôn can thiệp vào mọi chuyện, kể cả chuyện chăn gối của con dâu và con trai.
Một cảnh trong phim "Sống chung với mẹ chồng"
Bà Phương rình rập và đột ngột xông vào khi thấy con dâu "cưỡi" lên người con trai trong đêm tân hôn hay việc nhắc nhở con trai nên hạn chế "chuyện chăn gối" để giữ gìn sức khỏe trước mặt cả gia đình... đã khiến bà Phương trở thành một "bà mẹ chồng tai quái". Thậm chí, bà Phương còn thường xuyên lặng lẽ vào phòng các con mỗi đêm để đắp lại chăn cho Thanh và khiến Vân khiếp sợ. Bà Phương can thiệp cả vào việc sinh con của vợ chồng Vân hay cả những quyết định mang tính riêng tư như lục lọi đồ trong phòng, các biện pháp tránh thai...
Trong cuộc sống không hiếm những bà mẹ chồng như vậy. Sự quan tâm quá mức không chỉ khiến cuộc sống riêng của đôi trẻ bị can thiệp quá đà mà còn khiến chính mẹ chồng cảm thấy "ngạt thở".
2. Vì can thiệp thái quá nên góp phần gây ra những hiểu lầm giữa con trai và con dâu
Không chỉ soi mói mọi hành động của con dâu, bà Phương còn là người gây ra những hiểu lầm không đáng có giữa con dâu và con trai. Bằng việc theo dõi và kể lại một số cuộc điện thoại, buổi gặp gỡ của con dâu với người yêu cũ, bà Phương đã khơi dậy tính ghen tuông vô cớ của Thanh và làm Vân cảm thấy tổn thương. Quan hệ mẹ chồng, nàng dâu từ đó cũng trở nên căng thẳng hơn.
Không những thế, việc bà Phương nói xấu Vân với bạn đã khiến mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu càng khó gỡ hơn. Khi Vân trút hết nỗi uất ức vào nhật ký và được gia đình chồng đọc trộm được, sự căng thẳng này lên đến đỉnh điểm. Nguồn gốc của việc phát hiện cuốn nhật ký cũng là do bà Phương tìm thấy. Thay vì tháo gỡ những khúc mắc riêng tư này với riêng con dâu thì bà Phương lại đẩy mâu thuẫn trở nên cao trào khi đưa nó ra thành vấn đề của cả gia đình.
Trong thực tế, cũng có rất nhiều bà mẹ chồng "dại dột" như thế. Không phải vấn đề gì mẹ chồng và nàng dâu cũng phải tường tận mọi ngóc ngách trong tâm tư suy nghĩ của nhau. Có những thứ, nếu mẹ chồng "buông" hơn, quan hệ cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Ngược lại với nàng dâu cũng vậy.
3. Hà khắc với sự đỡ đần của con trai dành cho con dâu
Sự khắc nghiệt với con dâu là một trong những lý do khiến bà Phương bị một số khán giả, đặc biệt là chị em phụ nữ, ghét cay ghét đắng. Thay vì động viên con trai đỡ đần vợ, bà từng nổi cơn tam bành khi Thanh rửa bát hộ Vân và lầm bầm mắng con trai là đồ vô dụng vì "chỉ thích được hầu vợ, lúc nào cũng coi vợ là nhất".
Ngoài cuộc sống cũng có không ít những người mẹ như vậy, không muốn để con trai mình làm việc nhà, cung phụng con trai đến mức "không thể trưởng thành nổi". Với cách làm này, mẹ chồng vô tình đã làm cho chính đứa con đẻ của mình mãi là cậu con trai bé bỏng ngày nào. Từ đó dẫn đến những tính cách mà không một bà mẹ nào muốn ở con trai mình như nhu nhược, thiếu quyết đoán.
Làm thế nào để Mẹ chồng - Nàng dâu hòa hợp?
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, chuyên gia tư vấn tâm lý Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, cho biết, trong xã hội hiện đại, các ông bố bà mẹ chồng ngày càng có quan điểm tiến bộ và đối xử công bằng, văn minh với con dâu. Tuy vậy, không ít gia đình giữ quan niệm cũ, cho rằng nàng dâu là phải nhất mực theo nề nếp nhà chồng, phục vụ chồng và gia đình anh ta.
Nhiều người mẹ muốn uốn nắn con dâu phải làm mọi điều theo ý mình, nếu không được như ý thì khó chịu, cáu giận. Họ kiểm soát luôn con trai vì sợ con bị vợ chi phối. Nếu con trai có cuộc sống riêng, họ cảm thấy mình mất hết quyền lực.
Theo nhà tâm lý, trong mối quan hệ nhạy cảm này, người cần thay đổi đầu tiên chính là bà mẹ. Hãy xác định khi lấy vợ là con trai đã có cuộc sống độc lập, phải chăm lo cho gia đình riêng của mình. Hãy để con được tách mẹ và trở thành người đàn ông trưởng thành.
Chính NSND Lan Hương (người thủ vai bà Phương, mẹ chồng khó tính) cũng thẳng thắn thừa nhận trong một cuộc giao lưu trực tuyến rằng: "Hiện tôi đang làm mẹ chồng, tôi biết mình phải tự dung hòa mối quan hệ với con dâu, biến tình cảm mẹ chồng - nàng dâu thành tình cảm mẹ con, và giờ thì như bạn bè. Sao cho con dâu cảm thấy nhà của mình cũng như là nhà của bạn ấy, thì bạn ấy mới thoải mái được. Quan hệ gia đình của tôi hiện nay rất êm thấm, tôi rất thích.
Trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu cũng cần phải rõ ràng. Em bé là con của bố mẹ chúng, mình là ông bà chỉ nên xếp thứ hai, đừng bao giờ nghĩ mình là ông bà mình có quyền này, quyền kia, rồi tranh giành tình cảm, gây mâu thuẫn. Trong gia đình nhiều khi chỉ một câu nói có thể làm tổn thương nhau.
Bộ phim Sống chung với mẹ chồng cũng muốn truyền thông điệp: Các bà mẹ chồng đừng nghĩ mình thiệt, hãy hướng đến những điều tốt đẹp thì sẽ không thấy thiệt thòi. Nên nhẫn nại, mở lòng, bao dung thì sẽ đem hạnh phúc lớn cho con.
Theo Gia đình & Xã hội