Tử Cấm Thành - cung điện xa hoa bậc nhất Trung Quốc, là nơi ở của 24 vị hoàng đế dưới hai triều đại phong kiến Minh và Thanh. Đây là quần thể cung điện rộng lớn nhất trong số các công trình lịch sử còn nguyên vẹn trên thế giới.

Tử Cấm Thành được xây dựng trong vòng 14 năm từ năm 1406 tới năm 1420, gồm 800 cung với 9.000 phòng trên diện tích 720.000 m2.

Lãnh cung của Tử Cấm Thành nằm ở đâu và sự thật ít người biết-1
Tử Cấm Thành (Ảnh: News).

Hoàng đế Trung Hoa xưa kia vốn có nhiều phi tần. Theo Sina, một vị Hoàng đế trung bình có từ 70 đến hàng trăm thê thiếp, nhưng chỉ một số ít được sủng ái và lên vị trí cao. Những người còn lại hoặc bị lãng quên, hoặc phạm phải tội nào đó mà bị đày vào lãnh cung hay hàn cung.

Hình phạt đáng sợ nhất với phi tần hoặc cung nữ do Hoàng đế giáng xuống là bị đày vào lãnh cung. Các lý do khiến họ phải vào đây rất nhiều, nhưng về cơ bản, khi vào lãnh cung, tất cả đều bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Theo mô tả, lãnh cung vốn là chốn quanh năm lạnh lẽo bởi từng rất nhiều người bỏ mạng tại đây. Ngay cả cung nữ và thái giám nếu không có nhiệm vụ cũng không dám bén mảng qua lại.

Do lâu ngày không được quét dọn và thiếu bóng người, những vị chủ nhân của lãnh cung nếu không chết vì bệnh tật, cũng chọn cách tự vẫn vì không chịu nổi cảnh cô quạnh. Bởi vậy mới nói, cuộc sống nơi lãnh cung không khác gì cầm tù.

Vậy lãnh cung ở Tử Cấm Thành nằm ở chỗ nào?

Trên thực tế, trong hoàng cung của các triều đại không có nơi nào có tên "lãnh cung". Địa danh này chỉ là hư cấu. Trong văn học thời nhà Nguyên (1271-1368), từ "lãnh cung" lần đầu tiên xuất hiện. Thời đó trong các vở kịch có lời thoại như "nhốt vào lãnh cung".

Lãnh cung của Tử Cấm Thành nằm ở đâu và sự thật ít người biết-2
Hình ảnh mô phỏng lãnh cung ở Tử Cấm Thành (Ảnh: Sohu).

Đến nhà Minh (1368-1644) trong một tác phẩm cổ cũng nhắc tới từ lãnh cung. Bởi vậy, lãnh cung không phải là một cung điện cụ thể, mà chỉ đơn giản là khu vực giam giữ các phi tần bị thất sủng.

Dưới thời nhà Thanh, Hoàng đế Càn Long nói kế hoàng hậu bị phát điên nên hạ lệnh đưa vào "Dực Khôn Cung dưỡng bệnh". Kế hoàng hậu vào đây không được phép gặp ai, nên lúc này Dực Khôn Cung trở thành lãnh cung.

Tương tự, Từ Hi thái hậu giam lỏng vua Quang Tự ở Doanh Đài. Điều này đồng nghĩa với việc Hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh bị đẩy vào lãnh cung.

Dưới thời các triều đại, nhìn vào vị trí và cách trang hoàng từng cung điện sẽ biết chủ nhân được vua sủng ái hay không.

Thời nhà Minh và Thanh, phi tần ở Tử Cấm Thành sống trong 12 viện thuộc lục cung (6 cung) phía Đông và Tây. Hoàng hậu ở Khôn Ninh Cung. Cung điện này nằm ở vị trí trung tâm thuộc trục chính của hoàng cung. Điều này cho thấy vị thế của "Mẫu nghi thiên hạ".

Nhưng tới thời vua Ung Chính (1678-1735) của nhà Thanh, Hoàng hậu không ở Khôn Ninh cung nữa mà chỉ còn các cung ở phía Đông và phía Tây.

Phi tử nào được sủng ái sẽ làm chủ một cung điện, còn phi tử chưa được Hoàng đế thị tẩm sẽ xếp ở cùng nhau trong một cung điện khá lạnh lẽo.

Cảnh Dương cung thuộc Đông cung là nơi đầu tiên thành lãnh cung. Vào thời nhà Minh, Vương thị, mẹ của Minh Quang Tông - vị Hoàng đế thứ 15 của nhà Minh từng bị giam lỏng ở đây. Nhưng tới thời nhà Thanh, Cảnh Dương cung không phải là lãnh cung nữa mà trở thành nơi để sách.

Lãnh cung của Tử Cấm Thành nằm ở đâu và sự thật ít người biết-3
Hình ảnh lãnh cung trong các thước phim lịch sử (Ảnh cắt từ clip).

Thời nhà Thanh, lúc mới vào cung, Từ Hi thái hậu ở Trữ Tú cung. Đây cũng là nơi bà sinh ra Hoàng đế Đồng Trị. Nhưng sau khi làm thái hậu, bà chuyển sang sống ở Trường Xuân cung. Một số phi tử được sủng ái của Hoàng đế cũng từng ở Trường Xuân cung.

Trên thực tế, Trường Xuân cung cũng từng là lãnh cung. Lý Thành phi, phi tử của Thiên Khải đế - vị Hoàng đế thứ 16 thời nhà Minh do đắc tội với Ngụy Trung Hiền nên bị mưu hại và giam lỏng trong cung này.

Bởi vậy, các chuyên gia nhận định, nếu kém may mắn, nơi ở của các phi tần đều có thể trở thành lãnh cung bất cứ lúc nào.

Ngoài những nơi lạnh lẽo này, phía ngoài Long Tông Môn còn có một quần thể kiến trúc là nơi ở của thê thiếp sau khi Hoàng đế qua đời. Nơi này gọi là Quả Phụ viện. Theo các nhà sử học, số phận của họ còn bi thảm hơn người sống trong lãnh cung.

Theo Dân Trí