Lạnh người với báo cáo về ô nhiễm ở Việt Nam

Sự kiện Formosa xả thải khiến cá chết hàng loạt ven biển miền Trung chỉ là một trong vô số những thông tin đáng báo động cho thấy chất lượng môi trường tại Việt Nam hiện nay đang suy thoái nghiêm trọng.


THỨ TƯ, 03/08/2016 08:00:00 | TIN 24H 

Bản đồ minh họa chất lượng không khí tại châu Á, thể hiện qua chỉ số PM 2.5. (Nguồn: ĐH Yale)
Bản đồ minh họa chất lượng không khí tại châu Á, thể hiện qua chỉ số PM 2.5.
 (Nguồn: ĐH Yale)

Ô nhiễm khí thải đáng báo động


Đầu tháng 3 năm nay, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) rơi vào ngưỡng cho thấy vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức độ nguy hiểm. Ngay sau đó, tờ Channel News Asia đã dùng cụm từ "khí quyển ngày Tận thế" để nói về tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội.

Không phải đến bây giờ, tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô mới được gióng lên hồi chuông cảnh báo. Năm 2012, một công ty phân tích ô nhiễm của Pháp là ARIA Technologies đã xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất ở Đông Nam Á, và là một trong những thành phố có chất lượng không khí tệ nhất châu Á.

So với Hà Nội, có thể thấy tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam nói chung cũng nghiêm trọng không kém. Bản đồ ô nhiễm không khí tại châu Á đã cho thấy mức độ ô nhiễm đáng báo động tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Bắc hiện nay.

Bản đồ tương tác ô nhiễm không khí tại châu Á do Đại học Yale (Mỹ) thực hiện dựa trên số liệu thống kê của WHO và NASA mới đây cho thấy Việt Nam là một trong những "điểm đen" về ô nhiễm.

Toàn cảnh ô nhiễm không khí tại Việt Nam được Forbes Việt Nam minh họa.
Toàn cảnh ô nhiễm không khí tại Việt Nam được Forbes Việt Nam minh họa.


Bản đồ của Đại học Yale mới đây được tạp chí Forbes Việt Nam dẫn lại trong tạp chí số 39 thể hiện màu đỏ và đỏ sẫm chủ đạo tại khu vực miền Bắc Việt Nam - cho thấy nơi này là khu vực bị ô nhiễm không khí nặng nhất cả nước. Khu vực ô nhiễm nặng nhất tập trung tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

Với những số liệu thu thập được, Đại học Yale xếp hạng chất lượng không khí của Việt Nam là 54,76/100 điểm, đứng thứ 170/180 nước nghiên cứu.

Chỉ số PM 2.5 của Việt Nam hiện tại là 43,95, xếp thứ 170/180 nước. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, tại những khu vực có chỉ số PM 2.5 tiêu cực, người dân rất hay mắc các bệnh về phổi và đường hô hấp, đặc biệt là với người già cũng như trẻ nhỏ.

Nguyên nhân gây ô nhiễm khí thải ở Việt Nam


Ở Việt Nam, ô nhiễm không khí phổ biến nhất là ô nhiễm khói bụi, sau đó là ô nhiễm CO2 và một số loại khí khác như SO2, NOx... Hai tác nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí là khói thải từ các phương tiện cơ giới và hoạt động sản xuất công nghiệp.

Màn khói bụi tạo thành lớp sương mù che phủ Hà Nội.
Màn khói bụi tạo thành lớp sương mù che phủ Hà Nội.


Theo một số nghiên cứu, hiện tại khói thải từ các phương tiện giao thông cơ giới chiếm 70% tác nhân gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Lượng khói thải lớn như vậy đến từ 43 triệu xe máy và 2 triệu ô tô đang lưu hành trên đường phố Việt Nam mỗi ngày, theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trở về thời điểm năm 2000, Việt Nam khi đó mới có khoảng 7 triệu xe máy cùng 300 ngàn ô tô. Như vậy chỉ trong 16 năm, số lượng xe máy và ô tô tại Việt Nam đã tăng gấp 6 lần.

Đi cùng với việc tăng số lượng ô tô xe máy là lượng tiêu thụ xăng dầu cũng tăng vọt. Nếu như năm 2000 Việt Nam tiêu thụ khoảng 7,5 triệu tấn xăng dầu thì đến năm 2015 con số này đã vọt lên 17,5 triệu (số liệu từ Petrolimex) - trong đó quá nửa phục vụ hoạt động giao thông vận tải.

Ô nhiễm không khí do phương tiện cơ giới gây ra nhiều khả năng sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong những năm tới bởi các phương tiện giao thông cá nhân sẽ tiếp tục tăng vọt. Ước tính của Bộ Công nghiệp thời điểm năm 2007 cho thấy đến năm 2025, tiêu thụ xăng dầu cả nước sẽ đạt 40-50 triệu tấn.

Nhu cầu xăng dầu của Việt Nam những năm qua và dự báo cho đến năm 2025. (Nguồn: Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn 2006-2015 - Định hướng đến năm 2025, Bộ Công nghiệp, 7/2007)
Nhu cầu xăng dầu của Việt Nam những năm qua và dự báo cho đến năm 2025.
(Nguồn: Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn 2006-2015
  - Định hướng đến năm 2025, Bộ Công nghiệp, 7/2007)


Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp - nhất là từ các KCN cũ, công nghệ sản xuất lạc hậu - đang góp phần là cho ô nhiễm không khí ngày một trầm trọng hơn. Năm 1991, Việt Nam thành lập cụm sản xuất công nghiệp đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh là Khu chế xuất Tân Thuận.

Luật phạt ngày càng nặng, nhưng vi phạm ngày càng nhiều

Sau 25 năm, đến nay có khoảng 300 khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cả nước. Trong số này có không ít những nhà máy, xí nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Đổi lại, họ xả khói thải ngày càng nhiều ra môi trường.

Các quy định về môi trường Việt Nam đưa ra ngày càng chặt chẽ và xử lý nghiêm hơn. Thậm chí luật pháp Việt Nam dã đưa một số tội danh liên quan đến vi phạm môi trường vào danh mục xử lý hình sự. Tuy nhiên, số vụ vi phạm môi trường cũng không ngừng tăng lên.

(Ảnh: The Saigon Times)
(Ảnh: The Saigon Times)


Dù năm 2015 số vụ vi phạm có giảm xuống nhưng đến 6 tháng đầu năm nay tiếp tục có biểu hiện tăng vọt, thể hiện qua số liệu dưới đây của Tổng cục Thống kê:

Năm 2013: 9.400 vi phạm về bảo vệ môi trường, xử lý 5.200 vụ, tổng tiền phạt 52 tỷ đồng.

Năm 2014: 14.200 vi phạm về bảo vệ môi trường, xử lý 7.400 vụ, tổng tiền phạt 771,7 tỷ đồng.

Năm 2015: 10.900 vi phạm về bảo vệ môi trường, xử lý 4.600 vụ, tổng tiền phạt 358 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2016: 7.079 vi phạm về bảo vệ môi trường, xử lý 2.501 vụ, tổng tiền phạt 391 tỷ đồng.

Từ đó có thể thấy, việc gia tăng chế tài xử phạt không thực sự có tác dụng điều chỉnh hành vi với các doanh nghiệp vi phạm về môi trường. Trách nhiệm nằm ở ý thức của chính những người điều hành doanh nghiệp.

Theo Đại Đoàn Kết

Tin tức mới nhất