Lễ hội té nước năm nay bắt đầu từ 13 đến 15/4. Theo Bangkok Post, chính phủ Thái Lan tiếp tục duy trì các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn lễ hội truyền thống Songkran.

Quyết định này khiến nhiều du khách và các nhà điều hành du lịch thất vọng, song được cho là hợp lý khi số ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan gia tăng.

Lễ hội té nước Thái Lan tiếp tục bị cấm té nước-1
Songkran là lễ hội té nước truyền thống ở Thái Lan.

Theo đó, hoạt động té nước trên đường phố cùng một số nghi thức khác của lễ Songkran như ném bột lên người khác cũng sẽ bị cấm. Việc tiếp xúc gần trong không gian đông người có khả năng tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, các hoạt động như tưới nước thơm lên tượng Phật, đổ nước lên tay những người lớn tuổi để cầu xin sự ban phước hay một số hoạt động khác ở chùa chiền, cơ sở tôn giáo không bị hạn chế nhưng các sự kiện này đều phải xin phép cơ quan chức năng.

"Lễ hội Songkran khô" là trải nghiệm lạ lẫm và gây ít nhiều thất vọng với du khách quốc tế. Đây là năm đầu tiên khách nước ngoài tới Thái Lan tham gia lễ hội té nước sau dịch.

Trước đó, khách thập phương đã quen với khung cảnh nhộn nhịp, náo nhiệt của những "trận thủy chiến" trên đường phố, với sự tham gia của hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Nhiều người trang bị "vũ khí" như súng phun nước để cuộc chơi thêm phần sôi nổi.

Năm nay, thay cho hoạt động té nước, lễ hội Songkran có một số chương trình như Amazing Songkran tổ chức tại nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở Bangkok với các hoạt động như múa mặt nạ, biểu diễn, múa rối truyền thống, trưng bày ẩm thực.

Ngoài ra, lễ hội âm nhạc Songkran cũng được tổ chức ở thành phố cổ Ayutthaya. Hiện khách du lịch được phép nhập cảnh Thái Lan và tham gia lễ hội khi đảm bảo các yêu cầu như tiêm đủ mũi vaccine và có kết quả test âm tính trong 72 giờ.

Lễ hội té nước Thái Lan tiếp tục bị cấm té nước-2
Người Thái tin rằng việc té nước mang ý nghĩa cầu phúc, mong mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Lễ hội Songkran, hay còn gọi là lễ hội té nước, là nghi lễ lâu đời của người Thái, người Lào và Khmer. Trong dịp này, người dân thường mang nước ra đường và đổ vào người khác, bao gồm cả những người lạ, người qua đường với ý nghĩa cầu phúc, an lành, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Ở Thái Lan, người dân còn có phong tục đổ bột mì vào người khác để cầu chúc may mắn cho nhau. Sau này, một số nơi đổi thành ném bột màu.

Lễ hội té nước thu hút rất đông khách quốc tế đến Thái Lan và là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Ngoài hoạt động té nước, đi chùa, người Thái thường tới thăm ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo và mở những bữa tiệc vui chơi, ca hát ngoài trời. Khách nước ngoài có thể thoải mái tham gia giao lưu và được người dân địa phương chào đón nhiệt tình.

Theo Ngôi Sao