Covid-19 - Cập nhật tin tức mới nhất

Lệnh cấm tụ tập, đóng cửa cơ sở dịch vụ được hiểu thế nào?

"Chỉ đạo cấm tụ tập trên 20 người áp dụng với những hoạt động không cần thiết. Chính phủ chưa tính đến phương án phong tỏa các thành phố", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói

Chỉ đạo tạm dừng hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người; đóng cửa cơ sở dịch vụ không thiết yếu... được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 26/3 và cụ thể hóa trong Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3. Trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích rõ nhiều vấn đề.

Không phong tỏa Hà Nội, TP.HCM

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chỉ đạo của Thủ tướng nhằm mục tiêu trong hai tuần tới, phải làm sao ngăn bằng được việc lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng; mỗi người dân phải tự có ý thức để góp phần trong việc này. Chính phủ đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, nếu bắt buộc thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc với người khác.

“Mức độ của dịch giờ đã khác, cao hơn rất nhiều rồi nên phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Dũng nói.

Lệnh cấm tụ tập, đóng cửa cơ sở dịch vụ được hiểu thế nào?-1
Thủ tướng chỉ đạo cấm tụ tập trên 20 người áp dụng với những hoạt động không cần thiết. Ảnh: Việt Linh.

Song, ông phủ nhận thông tin phong tỏa một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Dù dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát, Chính phủ chưa tính đến phương án phong tỏa. Việc cần thiết bây giờ là phải siết chặt việc quản lý các hoạt động, tất cả dịch vụ không cần thiết phải đóng cửa.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, tụ điểm vui chơi, giải trí, rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống...

Với Hà Nội và TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh.

"Như vậy, trừ các cửa hàng thiết yếu cung cấp xăng dầu, thuốc, thực phẩm... những cơ sở dịch vụ khác phải tạm đóng cửa từ 28/3, thời hạn đóng cửa ít nhất trong 2 tuần tới", ông Dũng giải thích.

Giảm họp, đóng cửa dịch vụ không thiết yếu

Theo ông Dũng, phương án được trình lên Thủ tướng là cấm tụ tập trên 20 người cùng một chỗ; cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện. Chỉ đạo này áp dụng với các hoạt động không cần thiết như tụ tập đông người để hội họp, giải trí hay đơn giản như tổ chức sinh nhật, cùng uống cà phê. Còn đối với các cơ quan đoàn thể, các đơn vị hành chính thì vẫn đi làm.

“Các cơ quan hành chính, hay ví dụ như ngân hàng là những nơi thực hiện giao dịch thì vẫn phải làm việc. Cấm ở đây là cấm hoạt động không cần thiết chứ không phải tất cả”, Người phát ngôn Chính phủ giải thích.

Lệnh cấm tụ tập, đóng cửa cơ sở dịch vụ được hiểu thế nào?-2
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn Chính phủ. Ảnh: Duy Hiếu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi đi làm trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, chính các cơ quan, đoàn thể phải tự điều chỉnh. Họp hành thì cắt bớt thành phần đại biểu, rồi chia người tham gia vào nhiều phòng họp trực tuyến khác nhau.

Chính phủ khuyến cáo chia nhỏ các bộ phận, hạn chế tiếp xúc và mỗi cơ quan phải tự ý thức hơn trong việc này nhằm góp phần chống dịch.

“Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tự sắp xếp sao cho phù hợp”, ông Dũng nói.

Cơ hội thay đổi phương thức làm việc

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng các cơ quan, đơn vị nên tích cực chuyển đổi hình thức làm việc sang trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin.

Như Văn phòng Chính phủ hiện đã cắt giảm hết các hội nghị không cần thiết, nếu tổ chức thì hầu hết áp dụng hình thức họp trực tuyến, kết nối đến tận các phòng. Với những cuộc họp như Chính phủ, Thường trực Chính phủ thì áp dụng chia nhỏ thành phần tham dự ra các phòng khác nhau và chỉ mời đại biểu cần thiết.

“Đây cũng chính là cơ hội tốt để sắp xếp và thay đổi lại cách việc làm truyền thống”, ông Dũng nói và cho biết ngay cả cuộc họp G20 với sự tham dự của nguyên thủ các nước vào tối hôm qua (26/3) cũng áp dụng họp trực tuyến. Việc này nhằm nêu tiếng nói mạnh mẽ về giải pháp đoàn kết toàn cầu, chống đại dịch.

Lệnh cấm tụ tập, đóng cửa cơ sở dịch vụ được hiểu thế nào?-3
Hội nghị thượng đỉnh G20 về ứng phó dịch Covid-19 vừa diễn ra cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN.

Mặt khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định trong khi các nước trên thế giới đang tăng rất nhiều ca nhiễm Covid-19 mới, tình hình ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Lượng người ở các nước về Việt Nam hiện nay rất ít vì chúng ta đã cắt hầu hết chuyến bay quốc tế. Trường hợp nào nhập cảnh đều được áp dụng cách ly triệt để.

Người phát ngôn Chính phủ đánh giá Việt Nam đã có bước đi sớm và thận trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Dịch xảy ra vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch nhưng ngay từ thời điểm đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất mạnh mẽ với tinh thần không được chủ quan. Nếu Việt Nam chủ quan, lơ là, tình hình hiện nay đã xấu hơn rất nhiều

Về ảnh hưởng, tác động của dịch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đã lắng nghe, tiếp nhận nhiều phản ánh của doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp để báo cáo Thủ tướng, có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Trong cuộc chiến chống dịch còn rất gian nan này, Chính phủ mong người dân, doanh nghiệp chung sức, đồng hành và chia sẻ cùng Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 0h ngày 28/3 đến hết ngày 15/4/2020:

Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.

Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP.HCM đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Thủ tướng, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/lenh-cam-tu-tap-dong-cua-co-so-dich-vu-duoc-hieu-the-nao-post1064914.html?fbclid=IwAR1XqzV8SssJYSdJOFRSJY0SFT-E6Sy2ImwHzcJrNjAqQ-8qOcWJzkKVtuw

SARS-CoV-2 COVID-19 Virus Corona

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Covid-19 - Cập nhật tin tức mới nhất