>>> Bị xúi giục theo trào lưu nói là làm: Nữ sinh Khánh Hòa mang xăng đốt phòng hiệu trưởng
Trào lưu bắt đầu nở rộ từ tháng 9 vừa qua, khi một thanh niên có nickname N.T lên facebook thách thức cư dân mạng "đủ 40k like thì tôi đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa!"
Sau khi lời thách đố nhận được hơn 90k lượt thích trên facebook, chủ nhân của status này đã giữ lời hứa bằng cách châm lửa lên người rồi nhảy thật nhanh xuống kênh Tân Hóa.
Mặc dù việc làm này đã không gây ảnh hưởng gì tới tính mạng cũng như sức khỏe của N.T, thanh niên này còn được dân mạng ca tụng là "Thanh niên sáng nhất đêm", nhưng việc này bắt đầu nổi lên như một hiện tượng, để kéo theo sau đó là nhiều vụ "Like là làm" của giới trẻ Việt. Không chỉ nhằm mục đích câu Like, câu View, mà một bộ phận giới trẻ này còn muôn thể hiện cái sĩ diện "quân tử đã nói là làm".
Thế nhưng, hệ lụy ai gánh? Người bấm Like sẽ gánh hay chủ nhân của những status "Like là làm"?
Khi gậy ông đập lưng ông...
Ngày 9/10, dân mạng xôn xao clip một nữ sinh 13 tuổi ở Khánh Hòa đổ xăng đốt phòng hiệu trưởng chỉ vì hùa theo trào lưu "Like là làm". Trước đó, nữ sinh này đã đăng lên facebook dòng trạng thái với nội dung "đủ 1k like sẽ đốt trường". Khi lời thách đố này chạm mốc 1k like, cô bé bị ép phải giữ lời hứa.
Trong video được chia sẻ trên mạng xã hội có vang lên những lời cổ vũ, hăm dọa cô bé từ nhiều học sinh khiến nữ sinh này phải thực hiện đúng những gì mình đã nói. Không may mắn như T.N, cô bé bị bỏng nặng ở hai chân và đã được bố mẹ đưa vào viện cấp cứu, trong khi đó hầu hết những học sinh đang cổ vũ cô bé lại bỏ chạy. Hành động dại dột hùa theo trào lưu của nữ sinh 13 tuổi này đã trở thành mũi dao chĩa ngược vào em. Không chỉ mang thương tật, em còn trở thành nạn nhân của búa rìu dư luận.
Khi em phải gánh chịu tổn thương về thể chất, những cái Like của dân mạng và lời cổ vũ của bạn bè có thể chữa lành cho em không? Nếu em phải đối mặt với nhà trường, luật pháp vì cố tình phá hoại cơ sở vật chất trường học, cư dân mạng liệu có đứng ra chịu tội thay cho em?
Sự dại dột của người "Like là làm" hay sự thờ ơ, độc ác của cư dân mạng?
Nhiều người cho rằng lỗi chính ở nữ sinh trên; nhưng nếu không có hơn nghìn cái Like của dân mạng và sự thúc ép của bạn bè xung quanh thì cô bé đã không hành động dại dột như vậy.
Khi thời đại mạng xã hội lên ngôi, facebook nhà ai người đó thích viết gì thì viết, đăng gì thì đăng như bây giờ thì không thể trách nữ sinh này đã thách thức cộng đồng mạng. Theo một số chuyên gia tâm lý, đám đông ấn Like thường vì hai lý do chính: bị thu hút hoặc để xem chủ nhân của status có dám làm như họ nói hay không. Nhiều người coi đó là một hành động khiêu khích, để rồi họ ấn Like xem độ ngông của chủ nhân đó đến đâu.
Giả dụ, nếu chủ nhân thách cộng đồng mạng ấn Like nhưng họ không làm, thế nào họ cũng sẽ bị dân mạng quay ra xỉa xói. Điển hình là cô bé đã phóng hỏa đốt phòng hiệu trưởng ở Khánh Hòa. Theo lời kể của nữ sinh này cô bé chỉ nói đùa, nhưng đã bị ép làm thật. Khi em định không đốt, em đã nhận được nhiều lời răn đe và dọa đánh.
Nhiều năm trở lại đây, khi mạng xã hội trở thành một loại hình phương tiện truyền thông mạnh mẽ để con người cập nhật tin tức và lan truyền những vấn đề nóng hổi trong cuộc sống, thì sự thờ ơ, vô cảm thậm chí đến tàn nhẫn của con người cũng dần được bộc lộ. Người ta chia sẻ những clip đánh nhau mà người xung quanh, kể cả người quay clip không ai can ngăn. Người ta trở thành những anh hùng bàn phím, ngồi sau màn hình vi tính và tự cho mình cái quyền phán xét nhân vật chính trong một clip phản cảm nào đó. Đã có không ít người tìm đến cái chết chỉ vì trở thành nạn nhân của cộng đồng mạng.
Năm 2015, một nữ sinh ở Đồng Nai tự tử chỉ vì bạn trai cô tung clip nóng lên mạng xã hội. Video ghi lại cảnh giường chiếu của cô nhanh chóng thu hút sự chú ý của dân mạng. Người ta nhấn Like, nhấn Share và thậm chí tải clip đó về và không quên kèm theo những lời bình tục tĩu, phỉ báng nạn nhân. Cô gái trẻ ở Đồng Nai này chỉ là một trong số nhiều "bị cáo" của "mạng xã hội" đã tìm đến cái chết để giải phóng bản thân khỏi sự phán xét từ cộng đồng mạng, những người tự nhận mình là luật sư và chủ tọa, cho người khác cái quyền được Sống hay phải Chết.
Nếu trào lưu "Like là làm" này vẫn còn tiếp tục được hưởng ứng một cách vô thức hay cố ý của cư dân mạng, thì sẽ còn có nhiều hơn nữa những nạn nhân phải hứng chịu hậu quả thực từ các nút Like ảo trên mạng xã hội.
Theo Vietnamnet