Từ xưa đến nay, trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, cà đắng là một nguyên liệu dân dã, đơn giản, dễ kiếm. Cà đắng mọc hoang dại rất nhiều ở nơi đây, trước giờ ít ai đoái hoài hoặc chỉ được số ít người biết đến. Thế nhưng giờ đây, cà đắng lại trở thành một đặc sản mà đến với Tây Nguyên du khách nào cũng mong được thưởng thức.

Loại quả dại này như được kết tinh từ khí hậu, thổ nhưỡng nên đã tạo nên một vị đắng rất riêng và rất đặc trưng. Những cây cà khác thì mọc thấp, còn cà đắng thì lại thường mọc rất cao. Quả cà có kích thước to bằng đầu ngón tay, có màu xanh vân trắng, ruột nhiều hạt, phần cuống có nhiều gai nhọn. Trái thường có vị đăng đắng đặc trưng. Cây trổ bông kết trái quanh năm.

Loại quả rụng đầy đường không ai nhặt thành đặc sản Tây Nguyên-1

Trước đây, loại cà này thường mọc dại nên còn được gọi là cà dại. Dần dần, loại cà này được người đồng bào đem về trồng xen trong những rẫy cà phê. Đến nay, cà đắng được nhiều hộ gia đình trồng để bán. Loại cà này mọc dại dọc theo các tuyến đường hoặc trên các ngọn đồi Tây Nguyên. Cây cà đắng thường cao quá đầu người với cành lá sum suê.

Loại quả rụng đầy đường không ai nhặt thành đặc sản Tây Nguyên-2

Cà đắng được người dân chế biến thành nhiều món khác nhau. Đơn giản nhất là món cà đắng giã. Đây là món ăn đặc sản của người Ê-Đê. Cà đắng mang về rửa sạch sau đó cắt thành từng miếng nhỏ. Một số nguyên liệu khác trong món này là cà chua rừng, chanh, rau ngò gai, ớt rừng. Cho tất cả nguyên liệu vào một cái ống nứa nhỏ rồi giã đều tay. Người Ê-Đê còn thêm vào món ăn một ít lá “ắc” để tạo mùi thơm đặc biệt. Đây là loại lá quan trọng nhất để tạo nên mùi thơm ngon đặc trưng cho món ăn này. Có thể sử dụng món này làm gia vị ăn kèm với cơm.

Cà đắng giã có vị cay cay của ớt rừng, vị chua của chanh rừng và đăng đắng của cà. Nó rất thơm ngon và mang theo hương vị đặc trưng của núi rừng.

Loại quả rụng đầy đường không ai nhặt thành đặc sản Tây Nguyên-3

Cà đắng xào thịt heo lại là sự kết hợp giữa vị cà đắng được phơi qua nắng cùng với cái béo ngậy của thịt heo, bùi bùi thơm thơm của đậu đen và cái giòn của nấm mèo.

Bên cạnh đó, món lươn ếch um cà dại thì phức tạp hơn trong khâu chế biến. Để làm được món này cần phải chẻ dọc trái cà làm 4 phần rồi rửa sạch. Lươn ếch làm sạch, cắt nhỏ. Sau đó ướp gia vị cho thật thấm. Trộn lươn ếch đã thấm gia vị với cà vào nồi rồi đặt lên bếp để nhỏ lửa.

Trước khi ăn nên cho thêm lá é, củ nén. Thông thường, nên chờ cho cà thật chín rồi tán nhuyễn ra. Làm như vậy thì khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được sự mịn màng béo ngọt của lươn trong vị đắng rất riêng của loại quả này.

Loại quả rụng đầy đường không ai nhặt thành đặc sản Tây Nguyên-4

Thêm một món ngon nữa được chế biến từ cà đắng đó là món cà đắng kho cá khô. Cá khô kho cho săn lại rồi cho những quả cà đắng đã bổ đôi vào. Người ta thường thêm chút cá mối và ớt tán nhuyễn để làm tăng hương vị của món ăn.

Không chỉ là một thứ quả dại không ai ngó ngàng, những món ngon làm từ cà đắng đã trở thành đặc sản không thể thiếu đối với người Tây Nguyên. Chúng còn có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán xá và khiến du khách phải tìm đến thưởng thức mỗi khi du lịch tới đây.

Theo Phụ nữ Việt Nam