Từ bao đời nay, chuột được xem là loài gây hại, là mầm mống của nhiều dịch bệnh, là tác nhân tàn phá mùa màng, cần nỗ lực tiêu diệt. Để hạn chế chuột phá hoại mùa màng, người dân đã dùng rất nhiều biện pháp như thuốc diệt chuột, nuôi mèo, thậm chí là dùng bẫy điện... nhưng cũng không ngăn nổi sự phát triển, sinh sôi của loài gặm nhấm này.

Tuy nhiên, khi thịt chuột trở thành món ăn, thậm chí là món "đặc sản" thì người nông dân cũng nhìn chuột với con mắt khác. Từ việc sử dụng chuột làm thức ăn, mồi nhậu, giờ đây săn chuột đang trở thành nghề kiếm thêm thu nhập của không ít người dân.

Loài vật hôi hám nay thành đặc sản, dân buôn thu tiền triệu mỗi ngày-1
Chuột đồng được săn bắt về làm sạch rồi bán cho khách. Ảnh: Nông Thôn Việt.

Chia sẻ với tạp chí Nông thôn Việt, anh Lê Duy Trường (Đông Anh, Hà Nội) cho biết cứ vào khoảng tháng 9-10 hàng năm, cánh đồng gặt hết lúa là người dân quanh vùng anh sinh sống lại đi săn bắt chuột đồng về bán.

“Tôi chỉ là dân buôn nên cũng không rõ cách họ bắt như nào nhưng mà đều phải có mẹo hay kỹ thuật mới bắt được chuột đấy. Vì chuột đồng sống hoang dã nên chạy rất nhanh. Họ sẽ đem về làm sạch rồi bán, tôi sẽ mua về và bán lại cho người có nhu cầu”, anh nói.

Anh mới bán được hơn năm trở lại đây nên khách hàng chưa biết nhiều. Mỗi ngày, anh bán ra thị trường khoảng 8-10kg. Nhưng chuột đồng thường sẽ có vào buổi sáng nhiều, vì dân thường bắt từ tối hôm trước, làm sạch để hôm sau bán. Khách hàng đặt muộn thường sẽ không có, phải đợi ngày hôm sau.

Theo anh, chuột đồng chế biến tương đối dễ và làm được nhiều món ngon. Chuột bắt về thường được nhúng vào nồi nước sôi, sau đó làm sạch lông rồi đem thui. Khi thui vàng xong xuôi, người làm sẽ mổ bụng lấy ruột, rửa sạch và đem bán cho thương lái.

Hiện tại, anh Trường đang thu mua với mức giá hơn 100.000 đồng/kg. Anh bán lại cho khách hàng giá bán gần 200.000 đồng/kg loại làm sạch chưa thui, loại thui vàng sẽ có giá 220.000 đồng/kg. Mỗi cân chuột có khoảng 5-6 con.

Ở Hải Phòng có làng Tú Đôi cũng nổi tiếng từ lâu với nghề đào bắt và chế biến thịt chuột. Mỗi ngày, làng Tú Đôi cung cấp ra thịt trường khoảng 400-500 kg thịt chuột luộc hoặc làm sẵn.

Theo các bậc cao niên trong vùng, người làng Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng có truyền thống bắt chuột và ăn thịt chuột từ hơn 100 năm qua. Thời gian đầu, do kinh tế khó khăn, người dân nơi đây dùng thịt chuột để cải thiện bữa cơm trong gia đình. Sau đó, dù kinh tế khá giả, nhiều người vẫn thích ăn bởi mê cái béo ngậy, đậm đà của thịt chuột.

Loài vật hôi hám nay thành đặc sản, dân buôn thu tiền triệu mỗi ngày-2
Nghề bắt chuột đem lại khoản thu nhập đáng kể cho người dân làng Tú Đôi, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng.

Khác với nhiều “làng thịt chuột” khác trong cả nước, người làng Tú Đôi chỉ chế biến duy nhất món chuột luộc. Chuột sau khi bắt về làm sạch lông, bỏ hoi, bỏ ruột (giữ lại phần gan béo ngậy) rồi cuộn tròn luộc trong nồi gang, bên dưới có lót lớp lá ré (loại cây mọc nhiều ở các vùng nông thôn, về hình dáng giống cây riềng). Sau khi để ráo nước, chuột được đưa đi bán tại chợ chiều Tú Đôi.

Thịt chuột sau khi mua về, chỉ cần chặt nhỏ, rắc lớp lá chanh thái chỉ, chấm với muối cộc rang khô trộn với ớt xanh, hạt tiêu xay nhuyễn, là có thể thưởng thức. Những miếng thịt chuột béo ngậy, thơm mùi thóc mới khiến nhiều thực khách trong và ngoài huyện Kiến Thụy mê mẩn.

Vì thế, trong khi những sạp thịt bò chỉ có giá 220.000 đồng/kg mà vẫn ế ẩm, thì mẹt thịt chuột luộc có giá lên tới 250.000 đồng/kg, vẫn nhiều người tìm mua. Thịt chuột trở thành nét văn hóa ẩm thực truyền thống nổi tiếng của người làng Tú Đôi.

Anh Phạm Văn Hiếu, ở xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, hiện không chỉ người làng Tú Đôi, mà nhiều thực khách trong và ngoài huyện Kiến Thụy mê mẩn món thịt chuột Tú Đôi. Hiện thịt chuột đã trở thành “món đinh” của một số nhà hàng sang trọng trong huyện.

Trước đây, người dân Tú Đôi chỉ chế biến món thịt chuột luộc. Nay, đáp ứng nhu cầu của thực khách, họ bán cả thịt chuột làm sẵn để người mua có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, như chuột chiên vàng, nướng, nấu xôi (giống xôi chim), nấu giả cầy.

Theo các tài liệu y khoa, chuột là loại động vật có thể ăn được, thịt của chúng rất giàu chất dinh dưỡng. Thịt chuột đồng có vị ngọt, tính ấm, không độc nên trong đông y chuột đồng còn được coi là một bài thuốc quý. Tuy nhiên, trong các tài liệu y học, thịt của loài gặm nhấm này luôn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Đặc biệt, trước đây chuột từng là loài trung gian truyền vi rút dịch hạch rất nguy hiểm cho con người, do đó cần đặc biệt chú ý khi chế biến thịt chuột.

 

Theo Người Đưa Tin