Có thể nói, năm 2023 là năm ghi dấu ẩm thực Việt khi nhiều món ăn trên "dải đất hình chữ S" liên tục được các trang du lịch ẩm thực uy tín thế giới vinh danh.
Cùng với đó, nhiều món ăn, đồ uống vốn quen thuộc và giản dị với người Việt, đã xuất hiện ở các nhà hàng, cửa tiệm trên khắp thế giới, nhận được sự ủng hộ đông đảo của thực khách nước ngoài nhờ hương vị hấp dẫn, giá cả hợp lý.
Khách Mỹ từ sợ đến mê mắm tôm, ăn cùng lúc 2 bát
Từ những nguyên liệu không đắt đỏ như đậu, bún, mắm tôm, thịt chân giò, cùng chút rau thơm, nhưng dưới bàn tay khéo léo của người nấu bếp đã tạo ra món bún đậu mắm tôm gây "nức lòng".
Nếu như ở Việt Nam, từ Bắc vào Nam, thực khách có thể dễ dàng tìm thấy vô số quán phục vụ món ăn này từ bình dân tới cao cấp. Còn ở nước ngoài, những người Việt xa xứ hay thực khách ngoại quốc muốn thưởng thức, giờ cũng không quá khó.
Giữa lòng nước Mỹ, quán "Mắm" của chị Nhung Đào, 35 tuổi và anh Jerald Head, 31 tuổi, đã chinh phục nhiều thực khách "khó tính" bằng thực đơn là những món ăn thuần Việt.
Trong đó, tờ New York Times - một trong những tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ có bài viết giới thiệu "món ăn Việt Nam hấp dẫn nhất New York".
Suất bún đậu mắm tôm ở quán Mắm (Ảnh: Nhung Đào).
"Linh hồn" của quán Mắm là món bún đậu mắm tôm, với loại mắm tôm Thanh Hóa được lấy trực tiếp từ Việt Nam qua. Hai vợ chồng người Việt - Mỹ cũng đầu tư chiếc máy làm đậu nặng 60kg.
Mẹt bún đậu được bài trí chuẩn Việt với lá chuối lót bên dưới, đầy ắp dồi luộc, chả cốm, rau mùi. Chị Nhung tiết lộ, hai vợ chồng tự tay chuẩn bị mọi thứ, từ ép khuôn làm đậu, làm chả cốm cho tới dồi lòng.
Với mẹt bún đậu cơ bản có giá 14 USD (hơn 320.000 đồng), thực khách có thể gọi thêm những đồ ăn kèm tùy thích. Còn phần bún đậu đặc biệt có giá 32 USD (hơn 750.000 đồng).
Suất ăn đầy đủ như bún đậu, dồi heo, lòng nướng, lưỡi luộc, chả cốm, thịt chân giò luộc và chả nem rán ăn kèm các loại rau thơm.
Đến thời điểm hiện tại, chị Nhung cho biết, tới 80% khách nước ngoài tới quán đều thích thú hoặc hài lòng khi nếm thử mắm tôm. Thậm chí, có khách "mê" tới mức có thể ăn được hai bát.
Ngoài món chủ đạo, thực đơn của cửa hàng hiện đã thêm các món "ăn vặt, ăn chơi" để thực khách lựa chọn, như chả ốc cuốn lá lốt, gỏi nghêu trộn rau răm, cà tím nướng chấm nước sốt xì dầu với trứng lòng đào, chân gà ngâm sả tắc...
Bán bánh mì cả nghìn chiếc ở Nhật, khách xếp hàng chờ mua
Dù là ngày thường nhưng lượng khách xếp hàng chờ mua bánh mì tại quầy hàng anh Phước, chị Giang ở Nhật Bản vẫn "đông như trẩy hội".
Chẳng mấy người biết, gần 6 năm trước, vào những ngày đầu khởi nghiệp, do chưa nắm được thói quen khẩu vị người Nhật, tiệm bánh mì Việt Nam "ế dài". Lắm bận, anh Phước phải ngao ngán mang bánh ế về cho cả nhà ăn trừ bữa.
Sau khi quyết định nghỉ việc, anh Phước tự mình mày mò khởi nghiệp bằng xe bán hàng lưu động chuyên phục vụ món bánh mì.
Vượt qua thách thức ban đầu để xe hàng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Nhật, vợ chồng người Việt gặp vô số lần thất bại rồi mới rút ra các kinh nghiệm quý giá.
Bánh mì hương vị Việt Nam chinh phục thực khách Nhật (Ảnh: NVCC).
Đến nay, sau gần 6 năm hoạt động, bánh mì Mika đã mở rộng thành 3 xe lưu động, một quán ăn bán đồ Việt ở Tokyo cùng vô số khách quen. Đa phần khách tìm đến là người Nhật. Số ít còn lại là người Việt xa xứ hoặc khách du lịch.
Để phù hợp với vị giác người Nhật nhưng muốn giữ hương vị truyền thống của ẩm thực Việt, anh Phước hiện duy trì 6 khẩu vị. Loại pate được làm đúng theo kiểu pate Hải Phòng quê của chị Giang.
Anh Phước tiết lộ, mỗi ngày họ bán được khoảng 500 suất bánh mì và cơm hộp. Cảnh tượng dòng khách xếp hàng dài chờ tới lượt mua không còn hiếm gặp. Vào dịp lễ tết, cuối tuần có thể lên tới 1.000 suất. Mỗi chiếc bánh có giá dao động từ 600 đến 800 yên (100.000 đồng - 135.000 đồng).
Khách xếp hàng chờ mua ở một trong các xe hàng lưu động của anh Phước (Ảnh: NVCC).
Để bán vào các ngày lễ hội hay những dịp sự kiện lớn, hai vợ chồng phải đăng ký gian hàng với ban tổ chức trước khoảng 1-3 tháng.
Ngoài ra, mỗi xe bán hàng cần cung cấp đầy đủ giấy phép kinh doanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi dịp như thế, từng xe hàng lại giúp họ quảng bá hình ảnh bánh mì, ẩm thực Việt gần gũi hơn tới thực khách nước ngoài.
Ép mỏi tay gần 600kg mía một ngày, thuê 10 người làm không xuể
Đến từ Cà Mau, chị Huỳnh Chơn Phương cưới chồng và định cư ở Hàn Quốc hơn 6 năm. Mở một quán ăn chuyên món Việt ở Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc, quán nhà chị Phương chú trọng nhất là món phở.
Tuy nhiên, vào dịp lễ hội hoa anh đào ở Hàn Quốc hồi tháng 4/2023, cô gái Cà Mau nảy ra ý tưởng bán nước mía. Tỉnh Chungcheongbuk-do nơi cô sinh sống chưa có ai bán thứ đồ uống này.
Món phở đựng trong thố đá của cô gái Cà Mau (Ảnh: NVCC).
"Vào mùa lễ hội hoa anh đào, tôi nghĩ mọi người đi chơi rất đông nên bàn bạc với chồng về việc đăng ký địa điểm bán nước mía. Hơn nữa, đợt này thời tiết bắt đầu nóng lên nên có thể người Việt Nam đến lễ hội chụp hình và tìm nước uống để giải khát.
Ban đầu, tôi nghĩ mình bán 50-100 ly nước mía là cùng. Tôi không ngờ được đón nhận nồng nhiệt như vậy", Phương tâm sự.
Để có được chỗ bán ổn định ở lễ hội, cô phải thuê với giá 10 triệu đồng/ngày. Cô có sẵn hai chiếc xe đẩy bán nước mía do kết hợp bán quán phở trước đó.
Theo quan sát của cô chủ người Việt, người Hàn rất thích uống nước mía. Khí hậu Hàn Quốc lạnh, khó trồng được loại cây này, bởi vậy Phương phải nhập trực tiếp từ Việt Nam với chi phí trung bình 40.000 đồng/kg.
Vào ngày cao điểm, xe nước mía phải ép tới 600kg, phục vụ khách không xuể (Ảnh: NVCC).
Để có được loại mía thơm ngon, đảm bảo chất lượng, Phương nhập loại mía tím của Hòa Bình, cắt khúc và đóng thùng chuyển sang Hàn Quốc.
Một ly nước mía cô bán ra với giá 5.000 won (gần 90.000 đồng) bởi phải thuê nhân viên cạo. Theo cô, giá này không cao so với mức sống ở xứ kim chi. Ngày đầu tiên, cô bán được hơn 700 ly. Sau đó, nhiều người biết đến và rủ gia đình, bạn bè tới uống nên cô bán được hơn 1.200 ly/ngày.
Dù cửa tiệm nhỏ lại mở cửa chưa được bao lâu, nhưng quầy hàng của Phương tiêu thụ mỗi ngày hơn 400kg mía. Khách Hàn Quốc xếp hàng dài đợi tới lượt mua. Vào thời gian cao điểm, cửa tiệm có thể ép hơn 600kg mía, luôn tay phục vụ khách không xuể.
Nhằm phục vụ khách nhanh hơn, hiện Phương phải thuê 10 người làm. Mỗi người nhận một nhiệm vụ, từ cạo mía cho tới ép nước nhưng vẫn có lúc phục vụ không kịp vì lượng khách quá đông.
Khi lễ hội kết thúc, Phương tiếp tục bán nước mía tại quán ăn Việt của mình. Cô gái sinh năm 1991 cho biết cảm thấy rất tự hào vì góp một phần nhỏ trong việc đưa hình ảnh Việt Nam tới gần hơn với bạn bè quốc tế.
Cà phê muối nổi như cồn ở Phần Lan
Vào những ngày đầu tháng 12, khi nhiệt độ ở TP Sulkava, Phần Lan, hạ xuống -13 độ C, 3 chàng trai trẻ người Việt đang lúi húi kê bàn ghế, dựng tấm biển "Bán cà phê muối Việt Nam", hơn chục khách đã đứng chờ trước đó.
Chia sẻ về dự án bán cà phê của mình, Na Uy, chàng trai người Đà Nẵng tiết lộ, ý tưởng xuất phát từ mong muốn đưa thức uống quen thuộc của người Việt trở nên quen thuộc hơn ở Phần Lan.
Chàng trai 17 tuổi tìm hiểu, người dân địa phương rất thích uống cà phê, nhưng ở đây họ có thói quen pha bằng máy có hương vị loãng hơn. Sau đó, cả nhóm tham khảo cách pha chế từ người quen tại Việt Nam rồi tự mày mò, thử nghiệm, chuẩn bị nguyên liệu suốt 2 tuần.
Chàng trai Việt bán cà phê muối ở Phần Lan (Ảnh: Na Uy).
Thời gian "quán" hoạt động từ 11h đến 15h. Giá mỗi cốc cà phê muối là 2 euro (53.000 đồng), cà phê sữa 1,8 euro (47.000 đồng) và cà phê đen 1,5 euro (39.000 đồng).
Ban đầu, quán gặp nhiều khó khăn khi chinh phục khẩu vị của người dân địa phương. Nhưng những người từng thưởng thức đều bất ngờ với hương vị đậm và ngọt của món cà phê sữa.
Na Uy bộc bạch, cả nhóm không quan tâm tới lợi nhuận. "Lãi" lớn nhất họ nhận được là tình yêu thương và những trải nghiệm học hỏi để phát triển hơn cho con đường sự nghiệp sau này.
"Chúng tôi sẽ chuyển phần tiền bán được cho một quỹ từ thiện ở địa phương", Na Uy nói.
Theo Dân trí