Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam, các thông tin cho rằng phương pháp lọc máu có thể ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, giảm béo là không có cơ sở khoa học.

Về chuyên môn, lọc máu là phương pháp lọc huyết tương với hai quả lọc, dành cho người bệnh nặng như tăng lipid máu cao nguy cơ tắc mạch máu, bệnh đa u tủy xương chứ không phải là phương pháp phòng ngừa bệnh.

Thực tế, đây là kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện cao mới có thể thực hiện được. Các bác sĩ cũng chỉ định rất thận trọng bởi có thể dẫn đến các biến chứng kèm theo, đồng thời bệnh nhân phải được thăm khám kỹ càng.

Lọc máu có phòng ngừa được đột quỵ?-1
Lọc máu là phương pháp lọc huyết tương với hai quả lọc, dành cho người bệnh nặng. (Ảnh minh hoạ)

Nếu lạm dụng lọc máu để phòng ngừa đột quỵ, nguy cơ rủi ro xảy ra như trụy tim mạch đột ngột, nhiễm trùng máu, sốc phản vệ, rối loạn đông máu, nguy hiểm tính mạng. Lọc máu còn chống chỉ định với người tăng huyết áp, máu khó đông.

Chưa kể, trong máu có nhiều thành phần, bao gồm bạch cầu, tiểu cầu, một phần lipid, các chất miễn dịch khác, kể cả mỡ máu cũng gồm hai loại là mỡ tốt và mỡ xấu. Nếu lọc toàn bộ các chất trong máu có thể vô tình lọc cả những chất tốt, ảnh hưởng sức khỏe, như các loại mỡ tốt còn có chức năng làm tăng collagen cho thành mạch, tốt cho não.

Nhìn chung, người dân không nên nghe theo những lời quảng cáo không có cơ sở, tránh tiền mất tật mang.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, bản thân cũng từng được bệnh nhân chia sẻ về việc đi lọc máu để loại bỏ máu xấu, ngăn ngừa các bệnh.

Lọc máu là phương pháp thường chỉ định đối với người bệnh có chỉ số mỡ máu rất cao, điều trị bằng thuốc không cải thiện, buộc phải lọc máu để đưa chỉ số máu về ngưỡng bình thường. Hoặc người bệnh có chỉ số máu cao kèm theo viêm tụy.

Theo VTC News