Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến ngành công nghiệp điện ảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Thiếu nguồn phim mới, phải tạm dừng hoạt động trong nhiều tháng cùng sự sụt giảm lượng khán giả… là ba trong nhiều nguyên nhân khiến rạp chiếu phim trên toàn thế giới lao đao.
Sau hơn một năm vật lộn với trạng thái bình thường mới, một số thị trường điện ảnh bước đầu đã ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng trở lại - ví như Trung Quốc với 764 triệu USD doanh thu trong tháng 5 (theo dữ liệu của Mạng thông tin dữ liệu phim Trung Quốc).
Đây là con số cao nhất mà rạp chiếu phim nước này từng đạt được so với cùng kỳ các năm trước.
Tuy nhiên, khó khăn trăm bề vẫn là từ khóa chung để mô tả phòng vé tại Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung.
Cầu cứu sự hỗ trợ từ chính phủ
Trong hơn một năm qua, các rạp chiếu phim tại Việt Nam nhiều lần phải tạm dừng hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Từ cuối tháng 1 đến nay, hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam đã hai lầm tạm dừng hoạt động. Lần tạm dừng hoạt động mới nhất bắt đầu từ ngày 5/5, vẫn chưa kết thúc.
Đây là thiệt hại lớn cho hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam. Hollywood đã bước vào mùa phim hè, nhưng loạt bom tấn ăn khách lại chưa thể phát hành ở thị trường Việt Nam.
Thiên Thần Hộ Mệnh của Victor Vũ là một trong số các phim bị gián đoạn phát hành do rạp chiếu tạm dừng hoạt động. Ảnh: Lotte.
Tình trạng đóng băng hoạt động trong thời gian dài đẩy các doanh nghiệp kinh doanh đến chỗ đối mặt nguy cơ phá sản. Đại diện Galaxy thừa nhận họ bị thua lỗ 15-20 tỷ đồng mỗi tháng. Với quy mô nhân viên khoảng 600 người, đơn vị này buộc phải giảm lương của người lao động.
Bên cạnh tiền lương nhân viên, áp lực với các cụm rạp còn đến từ chi phí thuê mặt bằng. Theo đại diện của BHD: "Đa số nhân viên đều chung tay, đỡ gánh nặng với doanh nghiệp. Nhưng các đơn vị cho thuê mặt bằng ít giảm chi phí, trong khi giá thuê rất cao”.
Việc không có doanh thu trong thời gian dài cũng khiến các chuỗi rạp thiếu vốn để tiếp tục kinh doanh. Theo đại diện của Galaxy, số tiền lãi từ việc kinh doanh đều được hãng đầu tư quay vòng, mở rộng quy mô các cụm rạp. Do đó, hiện tại doanh nghiệp kinh doanh phim ảnh phải đối mặt khó khăn chất chồng khó khăn.
Trước nguy cơ thua lỗ, phá sản, ngày 3/6, đại diện của các rạp phim như CGV, Lotte, Galaxy, BHD đồng loạt gửi văn bản tới Thủ tướng xin hỗ trợ để vượt qua khó khăn vì dịch bệnh.
Trong văn bản, đại diện bốn chuỗi rạp chiếu phim lớn tại thị trường Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp để nhà nước và doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn như giãn thuế, cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, gia hạn thời gian thanh toán bảo hiểm xã hội, có hướng dẫn cụ thể giảm giá chi phí thuê mặt bằng do ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng liên quan đến Covid-19.
Theo nhận định của đại diện hãng BHD, rạp chiếu phim không phải nơi có nguy cơ lây nhiễm do khách hàng luôn được yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào phòng và giữ khoảng cách chỗ ngồi trong rạp.
Do đó, BHD cùng các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ không xếp rạp phim vào ngành kinh doanh phải đóng cửa trước và mở cửa sau các ngành khác.
Bán bỏng ngô để có thêm thu nhập
Từ giữa tháng 5, Yonhap đưa tin đại diện các cụm rạp CJ CGV, Lotte Cinema và Megabox đã kêu gọi chính phủ Hàn Quốc đưa ra giải pháp thiết thực hơn để giải cứu ngành công nghiệp điện ảnh đang chìm trong khó khăn.
Đại diện từ các cụm rạp kiến nghị chính phủ cần có các kế hoạch sử dụng hiệu quả hơn quỹ phát triển điện ảnh nhằm giúp đỡ doanh nghiệp chiếu phim vượt qua khó khăn.
Quang cảnh vắng lặng của rạp chiếu phim tại Hàn Quốc vào cuối tháng 2. Ảnh: Yonhap.
“Quỹ phát triển điện ảnh được thành lập nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chiếu phim gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn tiền này, ngay cả khi tình hình đã trở nên nguy cấp.
Khoản tiền này cần được sử dụng để giúp chuỗi rạp chiếu phim vượt qua đại dịch”, ông Lee Chang Moo - chủ tịch hiệp hội chuỗi rạp chiếu phim - chia sẻ trong sự kiện gặp mặt báo chí.
Tại Hàn Quốc, mỗi năm, các rạp chiếu phim phải đóng góp 3% tổng doanh thu từ việc bán vé cho quỹ phát triển điện ảnh. Quỹ này được vận hành bởi Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) từ năm 2007 với mục đích hỗ trợ các dự án phim kinh phí thấp, tổ chức liên hoan phim quốc tế, vận hành các hãng phim cộng đồng, duy trì hệ thống theo dõi phòng vé… Tính tới tháng 3, số dư của quỹ đang là 85 triệu USD.
Đại diện các cụm rạp cũng kiến nghị chính phủ nới lỏng quy định cấm ăn uống trong rạp tại các khu vực không có báo cáo về ca lây nhiễm. Từ thời điểm Covid-19 bùng phát tới nay, khán giả Hàn đã bị cấm tuyệt đối việc ăn uống khi xem phim tại rạp.
Theo thống kê của KOFIC, trong năm 2020, lượng khán giả Hàn Quốc tới rạp xem phim đã chạm mức thấp kỷ lục 5,9 triệu lượt - thấp nhất kể từ khi KOFIC bắt đầu thống kê năm 2004. Xu hướng này tiếp tục trong năm 2021 với 8,15 triệu người trong Quý I - giảm 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong ba tháng đầu năm, phòng vé Hàn Quốc ghi nhận doanh thu hơn 67 triệu USD, giảm sâu so với 198,8 triệu USD tiền vé bán ra từ tháng 1 tới tháng 3/2020.
HyperBeast đưa tin trong đại dịch, chuỗi rạp chiếu phim CJ CGV tại Hàn Quốc đã chuyển hướng kinh doanh, đưa menu đồ ăn vặt tại rạp lên các ứng dụng giao đồ ăn nhằm mang đến trải nghiệm xem phim tại nhà gần gũi nhất cho khán giả. Đầu tháng 5, CGV đã mở bán các vị bỏng ngô đóng trong bao tải với mức giá khoảng 8,86 USD.
Nỗ lực kêu gọi tài chính của gã khổng lồ AMC
Ngày 3/6, The Hollywood Reporter đưa tin AMC, chuỗi rạp chiếu phim hàng đầu nước Mỹ, đã rao bán 11,5 triệu cổ phiếu sau đợt tăng giá đột ngột hôm 2/6.
Trong văn bản đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), AMC cảnh báo các nhà đầu tư đừng mua cổ phiếu hạng A của hãng nếu không muốn liều lĩnh được ăn cả ngã về không. Trước đó không lâu, cổ đông lớn của AMC - tập đoàn Wanda đã thoái vốn khỏi thương hiệu rạp phim này.
The Conjuring: The Devil Made Me Do It thuộc chùm phim được kỳ vọng hồi sinh phòng vé Bắc Mỹ. Ảnh: Warner Bros.
Phát biểu về đợt tăng vốn mới, CEO của AMC, Adam Aron, cho biết: “Số tiền 587,4 triệu USD vốn chủ sở hữu mới đã nâng mức vốn huy động được trong quý II lên 658,5 triệu USD.
Con số về cơ bản sẽ giúp củng cố và cải thiện tình hình tài chính của hãng, tăng cường năng lực ứng phó với những thách thức tiềm ẩn và nắm bắt cơ hội mới trong tương lai”.
Ông Aron cũng công bố số tiền trên sẽ được sử dụng để thâu tóm những rạp chiếu phim mới, đặc biệt là những địa điểm đang bị đóng cửa từng thuộc sở hữu của các hãng Pacific Theaters và ArcLight Cinemas.
The Wrap nhận định việc đầu tư phủ sóng thị trường của AMC tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi hãng đang ôm một khoản nợ trị giá 5 tỷ USD. Theo báo cáo tài chính của công ty, chỉ khoảng 10% số nợ của AMC - rơi vào khoảng 418 triệu USD - sẽ đến hạn trả nợ trong vòng ba năm tới.
Nhà phân tích Jeff Bock từ Exhibitor Relations nhận xét kế hoạch thâu tóm cho thấy sự lạc quan của AMC về tốc độ hồi phục của thị trường.
Diễn biến mới được kỳ vọng giúp AMC vượt qua khó khăn. Ngày 6/5 chuỗi rạp công vừa bố khoản lỗ ròng 567 triệu USD trong quý II trên doanh thu 148 triệu USD. Theo lời CEO Adam Aron, trong ba tháng đầu năm, 99% hệ thống rạp AMC đã mở cửa trở lại trong điều kiện số ghế ngồi bị hạn chế, thu hút 7 triệu lượt khán giả.
Trong nỗ lực thu hút khán giả quay trở lại rạp vào ba tháng hè, AMC và nhiều chuỗi rạp chiếu phim tại Mỹ cho phép khán giả đã tiêm vaccine phòng Covid-19 tới rạp mà không cần mang khẩu trang.
Những tuần qua, phòng vé Bắc Mỹ đã được hâm nóng bằng loạt tác phẩm Spiral: From the Book of Saw, A Quiet Place Part II và Cruella.
Trong tuần này và các tuần tới, mùa phim bom tấn hè chính thức bắt đầu bằng The Conjuring: The Devil Made Me Do It, In the Height… và đặc biệt là Fast & Furious 9 và Black Widow. Chùm phim hứa hẹn sẽ mang lại sự phục hồi cho kinh đô điện ảnh thế giới.
Theo Zing