Mai mối cho người một lần ‘đò’, bà mối kể nhiều góc khuất

Theo bà mối Nguyễn Ngọc Anh (Hà Nội), mai mối cho những người đã qua một lần đò có nhiều khác biệt so với các đối tượng khác.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề mai mối, chị Nguyễn Ngọc Anh từng kết nối cho rất nhiều các hoàn cảnh khác nhau, trong đó có những người đã ly hôn.

Chị cho biết, những người đã ly hôn thường có nhiều yêu cầu và mối quan tâm khác biệt.

Với các trường hợp này, việc đầu tiên mà chị luôn làm là kiểm tra tình trạng độc thân hợp pháp của họ thông qua quyết định ly hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do chính quyền địa phương cấp trong vòng 6-12 tháng.

Thậm chí, nếu ứng viên đang làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn thì giấy xác nhận là nhân sự của cơ quan ứng viên cũng có độ tin cậy rất cao.

Ngoài ra, khác với nhiều bà mối và các công ty mai mối online, chị còn sử dụng mạng xã hội để xem xét trang cá nhân, sự tương tác và cộng đồng của mỗi ứng viên. “Riêng khía cạnh này, các ứng viên ly hôn rất dễ bộc lộ trên trang cá nhân hoặc tương tác trên mạng xã hội”.

Mai mối cho người một lần ‘đò’, bà mối kể nhiều góc khuất-1
Việc đầu tiên mà chị Ngọc Anh luôn làm trước khi mai mối cho các trường hợp đã qua một lần "đò" là kiểm tra tình trạng độc thân hợp pháp của họ. Ảnh minh hoạ

Người từng đổ vỡ thường yêu cầu cao

Có một thực tế mà chị Ngọc Anh nhận ra, đó là những người từng ly hôn thường có rất nhiều yêu cầu, tập trung vào nhiều vấn đề hơn so với người độc thân chưa từng kết hôn lần nào, ví dụ như các yếu tố: tiền bạc, gia cảnh bố mẹ, anh chị em, địa vị, tài sản, công việc hiện tại…

Họ kén chọn và đòi hỏi ở đối phương nhiều vấn đề dù chỉ xác định hẹn hò và đa số không nói thẳng ra. 

Đặc biệt, mong muốn đầu tiên và quan trọng nhất của đối tượng này thường là “tìm bạn hẹn hò”, chứ không phải tìm người để kết hôn.

“Có một yếu tố rất thú vị tôi quan sát được, đó là nếu đối phương có con riêng, thì những người hẹn hò sẽ quan sát kĩ con riêng của đối phương về ngoại hình, sức khỏe, khả năng học tập, tâm lý…”.

Lý do là con riêng có ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của mỗi người. Khi hai bên xếp lịch hẹn hò đều phải ưu tiên con riêng của đối phương, kể cả đối phương không nuôi con hay có sự hỗ trợ nuôi con của ông bà, giúp việc - bà mối cho hay.

Những người “không nuôi con” hậu ly hôn, đặc biệt là phụ nữ, hay bị soi xét nhất. Đặc biệt, khác với nhiều người nghĩ, những người không nuôi con lại không có nhiều thời gian rảnh rang để hẹn hò cuối tuần, lễ tết vì đó là lúc họ sẽ phải chăm sóc, dành thời gian cho con.

“Còn khi đã vượt qua giai đoạn tìm hiểu, quyết định cưới xin, chung sống hoặc đăng kí kết hôn, chắc chắn hai bên phải thống nhất về vấn đề nuôi con riêng. Đó phải là một kế hoạch lâu dài tới khi con riêng ngoài 20 tuổi, chứ không chỉ là những kế hoạch ngắn 1-2 năm”. 

“Nhiều cặp đôi ‘rổ rá cạp lại’ và có thêm con chung sẽ phức tạp hơn nữa, nhất là khoảng cách tuổi giữa các đứa trẻ 'khác dòng' lại lớn, chúng không sống và phát triển cùng nhau được… buộc hai bên lại phải đối mặt với nhiều rủi ro, biến động, nhất là khi đông con 'khác dòng'”.

Rất chú ý đến tài chính của đối phương

Qua nhiều năm mai mối, chị Ngọc Anh chưa gặp trường hợp nào sau ly hôn và có gia đình mới mà cả 4 người “ngồi ăn chung một mâm”. Chị thẳng thắn cho rằng, bản thân chị cũng tin “sự hoà thuận của mâm cơm 4 người” là giả tạo. 

“Tôi luôn tư vấn cho các cặp đôi hẹn hò sau ly hôn rằng muốn tới với nhau, tốt nhất hãy im lặng về người cũ, mối quan hệ cũ. Tốt đẹp với nhau, tôn trọng nhau chính là không nên liên quan tới nhau nữa”.

Các cặp đôi “rổ rá cạp lại” mà chị từng mai mối thành công thường đã giải quyết êm xuôi vấn đề “người cũ” khi cùng xây dựng cuộc sống mới.

Kể cả người cũ qua đời do tự tử hay đi tù, kể cả có con chung với nhau thì các cặp đôi ‘rổ rá cạp lại’ luôn phải có một kế hoạch thật tốt, chi tiết, chính xác, an toàn về vấn đề người cũ, con riêng”.

Còn về chuyện tài chính, những người đã qua một đời vợ/chồng thường phải có điều kiện kinh tế tốt mới có nhiều khả năng thu hút đối phương.

“Ngay từ khi hẹn hò, các đối tượng từng ly hôn đã 'soi' nhau rất kĩ về tài chính, kinh tế, tài sản riêng. Nói thẳng là có ‘ngon’, có dôi dư tiền bạc một bên hoặc cả hai bên thì mới tiến xa, kết hôn hay cưới xin chung sống, còn nếu ‘bấp bênh, khó khăn quá’ thì chỉ nên hẹn hò, cần thì gặp, góp tiền cùng đi du lịch… mà thôi” - chị Ngọc Anh chia sẻ.

Chuyện tài sản chung, tài sản riêng lại có vẻ dễ xử lý hơn người ta vẫn nghĩ.

“Họ luôn rõ ràng về tài sản, thỏa thuận tài chính với nhau, ví dụ một bên ‘bao nuôi’ hoặc cả hai cùng góp thứ này thứ kia rõ ràng. Hơn nữa, tài sản (nếu có) đều đã đứng tên cá nhân mỗi người hoặc người thân hàng 1 của mỗi người. Vì thế, nếu tiến tới lâu dài với nhau, vấn đề tài chính khi tái hôn luôn rõ ràng hơn các mối quan hệ khác”.

Theo chị Ngọc Anh, mỗi khách hàng đến với chị, nhất là những người từng ly hôn hoặc từng có những mối quan hệ sâu đậm đều là những người đặc biệt, hoàn cảnh nào cũng đáng suy nghĩ.

Chị gặp cả những trường hợp tái hôn với chính người cũ, tái hôn với người mới lại là bạn thân của người cũ, hoặc tái hôn với người nước ngoài, Việt kiều để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn… 

“Tất cả đều thực sự đặc biệt. Là một người mai mối, tư vấn, tôi luôn nhắc nhở khách hàng rằng quyết định cuối cùng luôn là ở họ. Lời tư vấn, chia sẻ của bà mối chỉ là để tham khảo”. 

Theo VietNamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/mai-moi-cho-nguoi-mot-lan-do-ba-moi-ke-nhieu-goc-khuat-2210850.html

mai mối

Tin tức mới nhất