Ra rạp sớm từ tối 7/4, phim Kiều do Mai Thu Huyền đạo diễn đến chiều 12/4 thu về chưa được 2,2 tỷ đồng. Trên mạng xã hội, phim gây tranh cãi về chất lượng.
Phim được khen bối cảnh trải đẹp mắt trải dài ba miền đất nước, nhạc phim do nhạc sĩ Huy Tuấn sáng tác và ca sĩ Bùi Lan Hương thể hiện hay. Dàn diễn viên được nhận xét đẹp nhưng chỉ Cao Thái Hà được đánh giá tròn vai.
Phim bị chê nặng lời là thảm họa mới của điện ảnh Việt, câu chuyện xa rời danh tác Truyện Kiều, cổ súy "tiểu tam", kỹ xảo tệ và gây phản cảm ở các "cảnh nóng".
Đạo diễn Mai Thu Huyền trả lời về những bình luận tiêu cực này.
- Sau gần một tuần ra mắt, phim "Kiều" nhận nhiều nhận xét trái chiều, thậm chí bị gắn mác thảm họa. Chị đón nhận những phản hồi này thế nào?
Mấy ngày qua, tôi từ TP HCM ra Hà Nội, rồi quay lại TP HCM và tiếp tục đi Huế, Đà Nẵng để giao lưu khán giả. Tại các buổi chiếu, nhiều nghệ sĩ bắt tay chúc mừng tôi; nhiều khán giả khen phim hấp dẫn, bối cảnh đẹp, nhạc hay, diễn viên đẹp.
Còn với các bài viết trên truyền thông và mạng xã hội, tôi chưa có thời gian đọc nhiều, chủ yếu được bạn bè, người quen gửi cho. Tôi rất buồn và cảm thấy bị xúc phạm khi đọc những bình luận tiêu cực nặng nề.
Tôi hoàn toàn đồng ý việc có người thích, có người không thích bộ phim. Nhưng dùng những lời lẽ như vậy thì thực sự không công bằng với phim Kiều. Tôi cho rằng một số người nhân danh quan điểm cá nhân để quy chụp tất cả.
Nhiều người quen gọi điện, nhắn tin an ủi tôi. Một số người không quen cũng bày tỏ bức xúc thay tôi. Mọi người cho rằng phim Kiều vừa ra rạp ngày đầu đã bị vùi dập và bức tử.
- Chuyện này ảnh hưởng thế nào đến các diễn viên của phim?
Tôi yêu cầu nhóm truyền thông của phim không gửi các bài viết tiêu cực về phim cho diễn viên, nhưng họ vẫn đọc được trên mạng. Họ đều sốc. Chúng tôi đã làm hết sức cho phim. Các diễn viên đều cố gắng lúc quay và khá hài lòng khi xem phim.
Hôm chiếu ra mắt, NSND Lê Khanh khóc rất nhiều, ca sĩ Phương Thanh thì nói yên tâm về chất lượng bộ phim. Những phản hồi rất tàn nhẫn với công sức của cả trăm con người trong hai năm qua.
- Vậy còn doanh thu và suất chiếu của phim chịu tác động ra sao?
Ngày đầu tiên chiếu sớm, phim Kiều đứng top 2 về doanh thu. Nhưng những ngày sau, phim tụt xuống top 7, top 8. Lượng người xem giảm, số suất chiếu cũng ít đi. Cái này tôi không trách nhà rạp được.
Phim Kiều được đầu tư rất lớn, muốn hòa vốn phải cần doanh thu 100 tỷ đồng. Nhưng với tình hình hiện tại, khả năng hòa vốn chắc cũng khó.
Trình Mỹ Duyên vai Thúy Kiều, đạo diễn Mai Thu Huyền và Cao Thái Hà vai Hoạn Thư (từ trái qua) tại họp báo phim "Kiều".
- Trước ngày phim chiếu, chị lo lắng phim có thể gây tranh cãi ở những điểm nào?
Với thể loại phim cổ trang lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, tôi biết chắc phim sẽ gây tranh cãi. Nhưng tôi chỉ nghĩ khán giả có thể tranh cãi về phục trang, về độ bám sát tác phẩm văn học, không nghĩ người ta dùng nhiều câu chữ cay nghiệt để nói về bộ phim được làm bởi những người có kinh nghiệm trong nghề.
- Nhiều người đánh giá phim "Kiều" được biến tấu quá nhiều, đánh mất tinh thần của danh tác "Truyện Kiều". Chị lý giải gì về điều này?
Từ lúc mới làm Kiều, tôi đã nhắc đi nhắc lại bộ phim lấy cảm hứng chứ không chuyển thể hoàn toàn từ Truyện Kiều. Tác phẩm của cụ Nguyễn Du rất dài. Tôi chỉ trích một giai đoạn trong đó và khai thác sâu tâm lý nhân vật.
Với một tác phẩm phái sinh, tôi muốn đưa vào nhiều sáng tạo. Về cơ bản, tôi giữ nguyên các cột mốc trong cuộc đời Thúy Kiều và cốt truyện trong mối quan hệ tình cảm Thúy Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư.
Tôi tạo ra thêm nhân vật khách làng chơi Hiền Bá (Hiếu Hiền đóng) và kỹ nữ Thị Liên (Lê Thu An đóng) để câu chuyện dày hơn. Nói về lầu xanh, nếu không có nhiều kiểu khách làng chơi và nhiều thân phận kỹ nữ thì không đủ.
Ngoài ra, tôi tạo thêm sức ảnh hưởng của nhân vật Đạm Tiên đối với câu chuyện. Tôi muốn vận dụng yếu tố fantasy (kỳ ảo) vào phim, mà vai hồn ma thì dễ kết hợp fantasy nhất. Duy nhất Kiều nhìn thấy và đối thoại được với Đạm Tiên.
Thực chất, Đạm Tiên và Kiều là hai phiên bản trong cùng một con người. Cuộc đối thoại giữa họ là những cuộc đấu tranh nội tâm của Kiều. Ban đầu, tôi tính phương án dùng một diễn viên đóng hai vai. Nhưng nếu vậy thì nặng quá cho diễn viên, nên tôi đảm nhận vai Đạm Tiên.
Mọi biến tấu trong phim của tôi đều nhằm mục đích cho thấy sự mạnh mẽ, quan niệm "nhân định thắng thiên", mong muốn thoát khỏi lầu xanh, tìm kiếm tự do của Kiều.
Mỗi người một quan điểm. Đối với sáng tạo của phim Kiều, người thích, người không nhưng nếu nói êkíp chúng tôi phá vỡ nguyên tác hay chủ quan, không nghiên cứu kỹ Truyện Kiều thì không đúng.
Lúc làm kịch bản, chúng tôi đã đọc rất nhiều bài phân tích Truyện Kiều, bài phân tích nhân vật Thúy Kiều, Hoạn Thư từ nhiều góc độ. Làm phim từ tác phẩm lớn như vậy, không ai dám cẩu thả, nghệ sĩ kỳ cựu như NSƯT Phi Tiến Sơn càng không.
Mai Thu Huyền vào vai Đạm Tiên (trái) bên Thúy Kiều do Trình Mỹ Duyên đảm nhận.
- Chị nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng phim "Kiều" cổ súy kẻ thứ ba và dàn dựng cảnh "nóng" phản cảm?
Tôi khẳng định tôi không cổ súy kẻ thứ ba, bởi vì rõ ràng phim tôi thể hiện tiếng nói đồng cảm với nhân vật Hoạn Thư, khắc họa nỗi đau bị phản bội của nàng. Hoạn Thư vốn không ác. Lúc xem phim, không chỉ khán giả nữ mà cả khán giả nam cũng khóc vì thương Hoạn Thư.
Hơn nữa, nói Kiều là kẻ thứ ba cũng không đúng. Trong truyện, Thúy Kiều biết Thúc Sinh đã có vợ, nhưng đàn ông thời xưa năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường. Chính cha của Thúc Sinh đã cho phép hai người cưới nhau. Về sau, Kiều khuyên Thúc Sinh nói thật chuyện này với Hoạn Thư. Còn trên phim, tôi không để cho Kiều biết Thúc Sinh đã có vợ để câu chuyện phim thêm thú vị.
Lúc trao đổi kịch bản, Cao Thái Hà đề nghị với tôi được thay đổi cách diễn. Hà bảo: "Em vẫn sẽ trả thù, nhưng trả thù người đàn ông, không phải trả thù Thúy Kiều". Tôi thấy ý này rất hay nên đồng ý.
Ở cảnh Hoạn Thư đánh ghen, Hà cho thấy Hoạn Thư cố ý làm Kiều đau lòng để khiến Thúc Sinh đau lòng. Ánh mắt của Hoạn Thư dành cho Kiều trên phim nhiều sự đồng cảm hơn là thù hận.
Phim có một cảnh Hoạn Thư bắt gặp Thúc Sinh ân ái Kiều rồi tưởng tượng mình cũng được chồng ân ái như vậy. Có thể, các bạn trẻ chưa trải qua đau đớn trong tình yêu sẽ thấy cảnh này phản cảm. Nhưng ai từng trải, từng bị phản bội, họ sẽ thấy bị chạm và dễ rơi nước mắt.
Bản thân tôi khi đọc kịch bản và xem bàn dựng năm lần, tôi vẫn khóc vì cảnh này. Cảnh phim đó thể hiện Hoạn Thư khao khát kinh khủng tình yêu thương, sự nâng niu của chồng dành cho mình giống như dành cho Thúy Kiều. Cao Thái Hà đã sống chết với vai diễn, đi đến cùng của nhân vật. Là đạo diễn, tôi chẳng còn đòi hỏi gì hơn.
Tôi rất thích bình luận của một khán giả: "Xem phim này, tôi thấy nhiều cô Kiều, không chỉ một cô Kiều". Tôi muốn khắc họa nỗi đau, sự đáng thương của nhiều thân phận phụ nữ thời phong kiến. Không chỉ Thúy Kiều, mà Hoạn Thư, Hoạn bà, Thị Liên đều có những đáng thương riêng.
- Vào lúc này, phim nhận nhiều đánh giá tiêu cực hơn tích cực, chị muốn gửi gắm điều gì?
Phim Kiều mang tính tiên phong lớn, trong bối cảnh ít người làm phim cổ trang và chưa ai đưa Truyện Kiều lên màn ảnh. Một năm qua, êkíp lâu lâu tung ra một vài hình ảnh để thăm dò ý kiến khán giả.
Chúng tôi đã tiếp thu những góp ý và điều chỉnh trong bản phim chiếu rạp. Ai đã xem phim đều thấy điều này. Tôi đã kỳ vọng bộ phim được đón nhận, không hiểu sao giờ lại như vậy.
Tôi mong khán giả có cái nhìn công tâm, không chịu tác động bởi các bình luận tiêu cực, ra rạp xem phim Kiều như một tác phẩm độc lập và mới, thay vì xem phim với tâm thế thuộc rõ Truyện Kiều.
Còn khi khán giả đã xem, tôi chấp nhận mọi đánh giá khen - chê. Nhiều khán giả ngoài Hà Nội nói xem lần thứ hai thấy phim hay hơn lần đầu. Tôi nghĩ nếu xem vài lần, mọi người sẽ hiểu và thấm phim hơn.
Cao Thái Hà đóng cảnh Hoạn Thư phát điên khi biết chồng phản bội.
Theo NgoiSao.net