Mặt nạ dưỡng da Hàn Quốc bị tố sản xuất bẩn

Ngay cả những hãng mỹ phẩm lớn của xứ kim chi cũng bị tố sản xuất không đảm bảo vệ sinh, gây hoang mang cho người dùng.

Rất nhiều người đang sử dụng mặt nạ chăm sóc da có xuất xứ từ Hàn Quốc. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi những chiếc mặt nạ đó được sản xuất như thế nào?

Theo trang Racked, mới đây (khoảng cuối tháng 8), tài khoản có tên dvaonline22 đăng tải trên mạng xã hội Asian Beauty thông tin mặt nạ dưỡng da của Hàn Quốc được đóng gói bằng tay, không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.

Tài khoản này viết: "Xin chào, tôi là cô gái Hàn và sống ở Seoul. Gần đây, các trang tin Hàn Quốc đồng loạt đưa tin mặt nạ dưỡng da được sản xuất trong điều kiện không vệ sinh. Tôi muốn thông báo điều này cho các khách hàng ở những quốc gia khác. Họ có quyền được biết. Hy vọng các công ty sẽ thay đổi cách thức sản xuất. Dưới đây tôi đính kèm một số liên kết, dù là tiếng Hàn nhưng tôi tin những hình ảnh sẽ nói lên tất cả".

Chia sẻ với phóng viên của Racked qua tin nhắn online, tài khoản dvaonline22 cho biết cô từng có kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc. Cô hy vọng việc lan tỏa thông tin có thể sẽ thuyết phục được các nhãn hàng thay đổi quy trình sản xuất, cũng như cách thuê và trả lương cho người lao động.

Mat na duong da Han Quoc bi to san xuat ban hinh anh 1
Những chiếc mặt nạ được đóng gói bằng tay và đặt tùy tiện trên mặt bàn. Ảnh: Racked


Nhãn hàng được ưa chuộng cũng bị tố

Theo tìm hiểu của trang Racked, sản xuất mỹ phẩm tại nhà khi chưa có giấy phép là bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, vì có quá nhiều nhãn hàng nhỏ, việc này càng trở nên phổ biến. Thực tế, tình trạng làm mặt nạ bẩn bị cảnh báo từ nhiều năm nay.

Năm 2008, MBC từng đăng tải thông tin nói rằng "thời kỳ làm mắt búp bê ở nhà đã qua và các bà nội trợ đã có cách kiếm tiền mới là gấp và xếp những chiếc mặt nạ miếng".

Theo đó, nhà sản xuất gửi mặt nạ và bao bì cho người lao động (thường làm theo đội khoảng 2-3 người). Họ sử dụng một miếng bìa cứng để gấp mặt nạ theo nếp, rồi nhét vào bao bì. Tất nhiên, khi gửi đến nhà máy, những túi mặt nạ vẫn trong tình trạng để mở một đầu.

Gần đây, ngay cả những nhãn hàng bán chạy nhất ở Hàn Quốc như Mediheal, SNP, Forencos cũng từng bị báo chí nước này tố sản xuất mặt nạ không đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Racked cho biết họ đã liên lạc với Mediheal và SNP nhưng không nhận được phản hồi.

Còn người đại diện của Forencos khẳng định: "Vấn đề này không liên quan đến công ty chúng tôi. Nếu bạn sử dụng hình ảnh sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi có thể sẽ khởi kiện".

Trước đó, hồi đầu tháng 6, hãng Mediheal phát biểu trên trang tin Wikitree rằng hầu hết sản phẩm của họ được sản xuất bằng máy móc hiện đại. Tuy nhiên, một vài chi nhánh nhỏ sử dụng nhân công làm việc tại nhà. Mediheal cho rằng việc đóng gói mặt nạ bằng tay là cần thiết bởi có đến hơn 200 loại mặt nạ khác nhau, sản xuất bằng dây chuyền tự động cũng khó.

Mat na duong da Han Quoc bi to san xuat ban hinh anh 2
Sản phẩm của hãng SNP từng gây hoang mang vì có vết đen trên bề mặt. Ảnh: Racked


Một số công ty khác cho biết quá trình đóng gói mặt nạ tại nhà đều được giám sát, kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, ngay cả khi sản xuất tại nhà máy, vấn đề vệ sinh vẫn bị báo động. Cụ thể, năm 2011, một blogger người Hàn từng đăng bộ ảnh chụp tại một nhà máy với những xô nước đục ngầu, những chiếc vợt cáu bẩn. Năm 2014, khi điều tra ngành công nghiệp mặt nạ, MBC từng phát hiện công nhân hút thuốc tại khu vực sản xuất.

Những trường hợp phát hiện mặt nạ bẩn

Thực tế, đã có những trường hợp chỉ ra mặt nạ dưỡng da Hàn Quốc không đảm bảo an toàn vệ sinh. Hồi tháng 6 năm nay, trang Kukmin Ilbo đưa tin một khách hàng phát hiện côn trùng trong mặt nạ. Sau đó, nhà sản xuất phải lên tiếng xin lỗi và hứa kiểm tra kỹ từng sản phẩm trước khi phân phối đến các đại lý.

Mat na duong da Han Quoc bi to san xuat ban hinh anh 3
Mặt nạ bị phát hiện có côn trùng hồi tháng 6. Ảnh: Kukmin Ilbo


Đầu năm 2016, Alana - cô gái rất chuộng sản phầm chăm sóc sắc đẹp của Hàn - cũng đăng một bức ảnh chứng minh bên trong gói mặt nạ chứa một sợi tóc rất dài.

Trước đó, năm 2015, thành viên mạng tên Marianna từng tá hỏa vì chiếc mặt nạ hãng SNP cô sử dụng chưa hết hạn nhưng lại có những vết đen lốm đốm.

Các sản phẩm làm đẹp xuất xứ từ Hàn Quốc vốn được giới trẻ rất ưa chuộng, tuy nhiên những thông tin trên chắc hẳn khiến người dùng không khỏi hoang mang. Blogger chuyên về lĩnh vực làm đẹp, Vanity Rex, chia sẻ với Racked: "Tạm thời, tôi sẽ cất những chiếc mặt nạ vào tủ và nghĩ xem phải làm gì với chúng. Tôi không muốn mạo hiểm đắp những thứ nhiễm bẩn lên mặt mình".

Theo Zing

Tin tức mới nhất