Ngày 5/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết không khí lạnh đã ảnh hưởng đến toàn bộ các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ các tỉnh, thành phố đồng bằng phổ biến 11-14 độ C, còn vùng núi là 7-10 độ C.
Rét nhất kể từ đầu mùa
Tại các khu vực núi cao, nhiệt độ đã giảm xuống dưới 7 độ C, thấp hơn so với một ngày trước đó. Cụ thể, trạm quan trắc tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) ghi nhận nhiệt độ thấp nhất là 2,1 độ C lúc rạng sáng nay. Đây là mức nhiệt thấp nhất tại miền Bắc kể từ đầu mùa đông.
Trong khi đó, Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận mức nhiệt 5 độ C, thấp hơn 2 độ C so với ngày 4/12. Ban ngày, nhiệt độ nhích lên ngưỡng 12-14 độ C, không có nắng hanh, trời rét buốt, độ ẩm cao.
Sương mù bao phủ thị xã Sa Pa ngày 5/12. Ảnh: N.T.
Tại đỉnh Fansipan, cơ quan khí tượng tính toán mức nhiệt xuống dưới 0 độ C lúc 5h sáng nay. Sương muối tiếp tục phủ một lớp mỏng trên đỉnh. Đến 8h, nhiệt độ tăng dần, nắng bắt đầu lên, trời quang mây trở lại.
Trao đổi với Zing, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai, cho biết mức nhiệt 5 độ C tại Sa Pa là nhiệt độ thấp nhất tại đây kể từ đầu mùa đông năm nay. Trước đó, Sa Pa từng 2 lần ghi nhận rét hại sâu 7 độ C trong thời kỳ đầu mùa thu đông.
Chuyên gia này cho biết không khí lạnh tăng cường sẽ duy trì đến hết ngày 6/12, sau đó suy yếu. Từ ngày mai, nhiệt độ tại Sa Pa và các khu vực núi cao sẽ tăng nhẹ.
Sau khi xuất hiện sương muối, đỉnh Fansipan có nắng, trời quang mây lúc 9h sáng 5/12. Ảnh: N.T.
Theo bản đồ dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh miền núi phía Bắc có thể duy trì mức nhiệt 14-22 độ C kể từ ngày 6/12. Trời vẫn rét đậm nhưng không còn khắc nghiệt như những ngày trước đó.
Tại Hà Nội, mức nhiệt thấp nhất đo được lúc rạng sáng nay là 9,3 độ C ở trạm quan trắc Hà Đông. Ngày 6/12, rét đậm tiếp diễn với nhiệt độ thấp nhất là 12 độ C. Ban ngày, mức nhiệt cao nhất có thể đạt ngưỡng 22 độ C, có nắng hanh, độ ẩm thấp.
Học sinh có thể nghỉ học nếu rét đậm
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai có công điện gửi các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cùng các bộ, ngành liên quan, yêu cầu chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố phải thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại. Thời lượng phát tin về đợt rét này cần được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở.
Đơn vị chức năng địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh, như hạn chế ra trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín.
Các biện pháp ứng phó cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản cũng cần lưu ý để giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Các địa phương chủ động bố trí ngân sách, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác ứng phó; triển khai lực lượng xung kích tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí để giúp người dân thực hiện các công việc như: Gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại; di chuyển, tập trung các đàn đại gia súc chăn thả tự do đến nơi tránh rét; chuẩn bị, dự trữ thức ăn, vắc xin phòng bệnh...
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thời tiết, các địa phương có thể chủ động cho học sinh nghỉ học.
Theo Zing