'Mẹ chồng' vs. 'Cô Ba Sài Gòn': Những điểm giống và khác của hai 'bom tấn' cuối năm

Hai "bom tấn" Việt được trông chờ cuối năm nay vô tình lại có nhiều điểm chung về cách khai thác nhân vật, trang phục và bối cảnh. "Mẹ chồng" và "Cô Ba Sài Gòn" có những điểm giống và khác nhau nào?

Mẹ Chồng Cô Ba Sài Gòn, hai trong những bộ phim bom tấn được trông chờ nhất của điện ảnh Việt cuối năm nay. Cả hai phim đều xoay quanh các biến cố của những người phụ nữ thế kỉ trước với những điểm tương đồng và khác biệt đáng kể trong cuộc đời của họ. Giữa hai bộ phim này có những điểm giống mà cũng khác nhau đến tương phản.

Cuộc đời những người phụ nữ và trang phục truyền thống

Đây chính là điểm chung lớn nhất trong Mẹ chồng và Cô Ba Sài Gòn. Ngay từ những trailer và poster đầu tiên, khán giả đã được mãn nhãn bởi dàn trang phục đậm chất truyền thống từ áo dài đến áo bà ba được thiết kế bởi những nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam hiện nay.
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-1
Áo dài được tôn vinh một cách tối đa trong Cô Ba Sài Gòn

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-2
Áo bà ba là trang phục chủ đạo trong Mẹ Chồng


Những người phụ nữ và cuộc đời của họ cũng là tâm điểm của cả hai bộ phim. Ở Mẹ chồng, sự hiện hữu thấp thoáng của những người đàn ông chỉ có tác dụng là cầu nối giữa mẹ chồng và nàng dâu, họ hoặc là những kẻ ngô nghê, hoặc không có tiếng nói hay ảnh hưởng quá nhiều tới những biến cố trong phim.

Với Cô Ba Sài Gòn, xuyên suốt bộ phim hầu như hoàn toàn là hình ảnh của những người phụ nữ, thậm chí Ngô Thanh Vân còn thông qua nó để nói về vấn đề nữ quyền trong xã hội hiện đại. Phụ nữ không chỉ đại diện cho Sài Gòn những năm 1960 mà còn là người gìn giữ những truyền thống, giá trị tốt đẹp của gia đình và dân tộc.
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-3
Dàn diễn viên trong Cô Ba Sài Gòn và bộ ảnh về nữ quyền

Bối cảnh phim mang tính hoài cổ

Cả hai bộ phim đều xoay quanh cuộc sống của những người phụ nữ Nam Bộ thế kỉ trước. Tuy nhiên nếu Cô Ba Sài Gòn có đề cập bối cảnh cụ thể là Sài Gòn những năm 1960 thì ở Mẹ chồng, đạo diễn Lý Minh Thắng lại quyết định lựa chọn một bối cảnh giả tưởng mang tên Đại Điền để tiện cho việc thể hiện những góc nhìn mới mẻ cũng như thêm thắt những yếu tố cần thiết vào phim.
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-4
Bối cảnh phim Mẹ chồng được khẳng định là mốc thời gian không xác định, ở một nơi không có thật nhưng được xây dựng theo hơi hướm Nam Bộ thời xưa

Mô tuýp nhân vật

Cô Ba Sài Gòn, những người phụ nữ thể hiện được sự mạnh mẽ của tinh thần nữ quyền, là đại diện cho vẻ thanh lịch, tính truyền thống và nét đẹp của người phụ nữ Sài Gòn những năm 1960.

Trong phim, Ngô Thanh Vân vào vai Thanh Mai, truyền nhân thứ 9 của nhà may Thanh Nữ cũng là người đóng vai trò giữ lửa, truyền lửa đam mê với áo dài cho những thế hệ tiếp theo. Thanh Mai chính là đại diện hoàn hảo nhất cho nét thanh lịch, vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam xưa. Trong khi đó, Như Ý – con gái của Thanh Mai do Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai lại khiến cho nét đẹp ấy đứng trước nguy cơ biến tướng bởi sự du nhập của những nền văn hóa mới.
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-5
Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) – đại diện tiêu biểu cho nét đẹp của phụ nữ Sài Gòn xưa

Trái lại, ở Mẹ chồng, những người phụ nữ lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục Nho giáo đến độ nữ quyền gần như bị hạn chế tới mức tối đa.
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-6
Ba Trân chịu đựng sự hà khắc từ mẹ chồng


Sự kìm hãm, sự hà khắc của truyền thống gia đình, những giáo điều tồn tại trong xã hội đẩy người phụ nữ vào những vòng tròn bị kịch luẩn quẩn và đánh mất chính bản thân mình.

Sự ảnh hưởng của chất "truyền thống" trong hai phim

Trong Cô Ba Sài Gòn, những người phụ nữ bị ảnh hưởng bởi truyền thống của gia đình và dân tộc – may và gìn giữ tà áo dài. Cho đến truyền nhân thứ 9, truyền thống ấy vẫn được gìn giữ đúng nguyên mẫu và phát huy một cách tối đa.
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-7
Thanh Mai và Như Ý – những truyền nhân của tiệm may Thanh Nữ


Bối cảnh của phim thuộc những năm 1960 – thời thịnh hành nhất của áo dài Việt Nam và cũng là thời đại của sự du nhập những nền văn hóa mới. Chính bởi điều này, tính truyền thống ít nhiều bị "tấn công" bởi sự cách tân, nguyên nhân của những xung đột về tư tưởng và văn hoá. Rõ ràng, mâu thuẫn giữa hai mẹ con Thanh Mai và Như Ý đều xoay quanh chuyện gìn giữ tà áo dân tộc.
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-8


Trong Mẹ chồng, tính truyền thống chính là sự ảnh hưởng của nền giáo dục Nho giáo, sự áp đặt đối với người phụ nữ trong mỗi gia đình. Khác với Cô Ba Sài Gòn, truyền thống gia đình trong Mẹ chồng bị hiểu theo chiều hướng tiêu cực khi nó trực tiếp hủy hoại con người Ba Trân (Thanh Hằng thủ vai) dẫn đến những hệ lụy sau này.

Từ một người con dâu phải chịu đựng sự khắt khe, kìm hãm của mẹ chồng, Ba Trân áp đặt chính những gì mình từng nhận được lên các con dâu của mình. "Truyền thống" gia đình đã tự tay đẩy những người phụ nữ vào một vòng tròn bi kịch luẩn quẩn không lối thoát.

Sự khác và giống nhau trong yếu tố trang phục

Trang phục truyền thống được khai thác tối đa chính là điểm giống nhau nổi bật trong hai "bom tấn" của điện ảnh Việt cuối năm nay. Tuy nhiên, ở mỗi bộ phim, trang phục truyền thống lại được khai thác theo một cách riêng.

Cô Ba Sài Gòn, ngay từ những trailer đầu tiên, người xem đã có thể hiểu vai trò chủ chốt của áo dài trong bộ phim. Nó không chỉ đơn thuần là phục trang mà còn đảm nhận một "vai diễn" trong phim. Áo dài có linh hồn, là tượng trưng cho người phụ nữ cùng Sài Gòn xưa, nó là căn nguyên của mọi mâu thuẫn, xung đột trong phim và cũng chính áo dài giúp cởi những nút thắt về sự khác biệt giữa các thế hệ.
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-9
Dàn diễn viên của Cô Ba Sài Gòn nổi bật cùng áo dài truyền thống


Áo dài trong Cô Ba Sài Gòn được giữ đúng với nguyên mẫu của những năm 1960 và được khai thác một cách triệt để, xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối bộ phim. Cốt lõi của phim không chỉ là hoài niệm xưa cũ mà còn dùng áo dài để lồng ghép những câu chuyện hiện tại, những vấn đề về truyền thống và sức mạnh của người phụ nữ.

Đối với Mẹ chồng, trang phục truyền thống cũng được khai thác một cách tối đa. Tuy nhiên từ áo dài đến áo bà ba đều được cải biến khá nhiều và hướng về áo bà ba nhiều hơn. Chính vì bộ phim được xây dựng trong một bối cảnh giả tưởng nên sự cách tân của trang phục truyền thống cũng được khán giả đón nhận với thái độ khá tích cực.
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-10
Thanh Hằng và Mi Du diện trang phục cách tân trong họp báo ra mắt Mẹ Chồng


Dĩ nhiên, sự cách tân này hoàn toàn nằm trong chủ ý của nhà sản xuất, mỗi trang phục đều có một câu chuyện riêng để phù hợp với thân phận, địa vị thậm chí là tính cách của mỗi nhân vật, chỉ trừ trang phục xuất hiện trong đám cưới là giữ khá đúng với nguyên mẫu những năm 1930 – 1945.

Trang phục của Ba Trân (Thanh Hằng) thường sẫm màu, toát lên vẻ sang trọng cùng những họa tiết hình con rắn đại diện cho sự mưu mô, quyền lực. Trong khi đó, áo bà ba của Tuyết Mai (Midu) lại mang tông màu sáng, thiết kế khá đơn giản nhưng đầy gợi cảm, mang hơi hướng của trang phục phương Tây đại diện cho lớp người trẻ trung, phóng khoáng nhưng không kém phần thông minh, sắc sảo và quyết liệt.
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-11


Nếu ở Cô Ba Sài Gòn, trang phục truyền thống đóng vai trò chủ chốt, đại diện cho cả một xã hội thì ở Mẹ chồng, trang phục truyền thống chỉ dừng lại ở mức giúp khắc họa rõ nét nhân vật hơn.

Mâu thuẫn và bi kịch

Cả hai phim đều xoay quanh những mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình nhưng xuất phát điểm của các mâu thuẫn lại khác nhau.

Với Cô Ba Sài Gòn, mâu thuẫn đến từ sự thay đổi của xã hội, tác động sâu sắc đến suy nghĩ của người trẻ khiến nhận thức về truyền thống gia đình của họ trở nên biến tướng. Bi kịch trong phim chỉ dừng lại ở mức những người trẻ khao khát được đổi mới, có thành kiến với giá trị xưa cũ. Dự đoán sẽ là một kết thúc đại đoàn viên khi nhân vật của Lan Ngọc nhận ra được giá trị truyền thống và hoà hợp với sự cách tân của thời đại.

Còn ở Mẹ chồng, mâu thuẫn xuất phát từ chính những thành kiến trong nội bộ gia đình và những gì mà bản thân mỗi người phụ nữ phải chịu đựng. Sự hiềm khích, đố kị lẫn những âm mưu kinh khủng liên quan đến quyền lợi, quyền lực cá nhân chính là những thứ sẽ khiến bi kịch xảy ra. Thế hệ này áp lên thế hệ sau, trở thành một vòng tròn luẩn quẩn thể hiện qua chính câu nói "Mẹ chồng nào cũng từng là nàng dâu".
 

Mẹ chồng vs. Cô Ba Sài Gòn: Những điểm giống và khác của hai bom tấn cuối năm-12


Với những điểm khác biệt và tương đồng như vậy lại có thời gian công chiếu khá gần nhau, liệu những người phụ nữ nào sẽ cùng câu chuyện của họ làm nên kỉ lục mới của điện ảnh Việt Nam cuối năm nay? Bạn mong chờ phim nào hơn?
 

Theo Trí Thức Trẻ


phim Cô Ba Sài Gòn mẹ chồng

Tin tức mới nhất