Phim trình chiếu tại Mỹ trước và được giới thiệu đoạt tới 9 giải thưởng tại các LHP Quốc tế như Phim hay nhất, Phim có nhạc gốc xuất sắc nhất, Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất (Maya), Diễn viên nữ phụ xuất sắc nhất (Mai Thu Huyền)… tại LHP Flow (Mỹ); giải Đặc biệt của BGK, lọt Top 3 phim truyện hay nhất tại LHP New Delhi và đã loan báo sẽ phát hành thương mại tại Ấn Độ cuối tháng 5 này.

Mai Thu Huyền còn giành giải Nữ đạo diễn phim truyện xuất sắc nhất tại World Film Festival tại Cannes (đừng nhầm với LHP Cannes danh giá).

Mong manh số phận phim về danh ca Ngọc Lan-1
Mai Thu Huyền và Maya là tình địch trong Đóa hoa mong manh.

Nhưng phim xem ra chỉ khá hơn những phim ca nhạc truyền hình của những năm 1990 một chút. Nghĩa là có nhiều cảnh thoại, được quay chỉn chu hơn bên cạnh các tiết mục ca nhạc. Nhưng phần hát đáng tiếc vẫn chưa thể gánh vai trò thu hút khán giả.

Giọng hát của Thạch Thảo chưa đủ độ tròn đầy (cảm giác khâu mix có vấn đề) và thiếu chiều sâu. Vì thế những xuýt xoa, tâng bốc lên mây trong phim dành cho nữ chính trở nên thiếu thuyết phục. Được biết đây chính là giọng của ca sĩ hải ngoại Nhật Hạ, cũng là tác giả kịch bản.

Mong manh số phận phim về danh ca Ngọc Lan-2
Cảnh sinh hoạt xa hoa của người Việt ở Mỹ trong phim lấy cảm hứng từ cuộc đời danh ca Ngọc Lan.

Không hiểu sao phim đã cất công mời một ca sĩ là Maya vào đóng chính nhưng lại không sử dụng giọng hát của Maya. Chưa biết Maya hay Nhật Hạ ai hay hơn, nhưng ít ra khán giả trong nước cũng quen thuộc với Maya hơn. Và việc diễn viên hát bằng giọng của mình biết đâu sẽ làm những khuôn hình trở nên chân thật, sinh động hơn.

Tuy nhiên, nếu để Maya thu thanh 14 bài mới cũng là một thách thức gây tốn kém thêm cho nhà sản xuất. Và như thế cũng lại không đẩy mạnh được tên tuổi của Nhật Hạ. Bởi chắc chắn nhờ bộ phim này, mà cái tên Nhật Hạ cũng sẽ được tìm kiếm nhiều hơn bên cạnh danh ca Ngọc Lan.

Ngọc Lan được trời phú cho cả giọng hát, nhan sắc và một phong thái nhẹ nhàng, thướt tha, buồn man mác trên sân khấu. Nhưng kèm theo đó là một căn bệnh hiểm nghèo khiến mắt cô mờ dần và ra đi ở tuổi 44.

Theo lời kể của MC Kỳ Duyên, Ngọc Lan gặp nhiều truân chuyên về chuyện tình cảm, nhưng vào lúc sức khỏe và sự nghiệp xuống dốc, cô cũng kịp làm đám cưới với nhạc sĩ Kevin Khoa.

Những chi tiết này được tái hiện trong phim. Sự long đong của Thạch Thảo được diễn tả qua mối tình “có như không” với Sơn (Quốc Cường) - chồng của Yvonne (Mai Thu Huyền).

Sơn xuất thân công nhân xây dựng, từ khi kết hôn với bà chủ Yvonne chuyển sang sản xuất âm nhạc. Sơn phát hiện ra giọng ca phòng trà Thạch Thảo và thuyết phục vợ đầu tư làm phim ca nhạc cho Thảo.

Yvonne cho rằng, không nên chi quá nhiều cho một giọng ca mới nên chỉ duyệt một nửa. Sơn bèn đi vay và cả đi… phụ vữa để có thêm kinh phí làm phim. Kỳ thực khái niệm “phim ca nhạc” ở đây chưa chuẩn lắm. Nó đúng hơn là một album có hình, tức là một chuỗi MV.

Đóa hoa mong manh đánh dấu sự hợp tác giữa ê-kíp trong nước và hải ngoại, tuy nhiên chỉ mới dừng lại ở những bối cảnh hào nhoáng của tầng lớp người Việt khá giả ở Mỹ. Nhiều nhân vật nữ trưng diện hết cỡ không kém gì ca sĩ trên sân khấu ở bất cứ cảnh nào mà họ xuất hiện.

Sơn và Thảo có tình ý với nhau thể hiện lộ liễu qua ánh mắt khiến tất cả mọi người đều biết. Tuy nhiên hai người vẫn giữ khoảng cách để không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Những lần Thảo ngã vào lòng Sơn đều là do triệu chứng bệnh khiến cô đứng không vững. Nhưng rất tiếc là không ai nghĩ đến chuyện đưa cô đi khám.

Một số người còn đang mải dựa vào đó để tung xì căng đan nhằm bán đĩa… Ngoài ra, Thảo còn có Ngọc (Baggio) một người em là nhạc công thân thiết từ thuở hát phòng trà kiên trì theo đuổi, quan tâm.

Nội dung phim dựa theo cuộc đời bi kịch của Ngọc Lan đã tiềm ẩn các yếu tố gây xúc động, làm khán giả và chính các diễn viên cũng dễ xúc động hơn thì phải. Đóng Đóa hoa mong manh nên hình như ai cũng mong manh dễ khóc, dẫn đến các cảnh rơi nước mắt nhiều quá mức.

Lượng diễn viên có tác động thẩm mỹ (không loại trừ nữ chính) cũng nhỉnh hơn nhiều phim khác. Gương mặt không góc cạnh, không tì vết… làm cho diễn xuất của Maya càng thêm đơ cứng. Khán giả chỉ thấy nhân vật của cô hiền lành nhu mì, dễ khóc chứ chưa được rõ những hoạt động nghề nghiệp chứng tỏ tài năng và sự yêu nghề.

Chất liệu gây xúc động không đảm bảo cho một bộ phim chạm tới cảm xúc. Bởi cốt truyện còn sơ sài, mang tính minh họa những sự kiện mà nhiều người đã biết. Diễn biến tâm lý của nhiều nhân vật không có sự liền mạch.

Một trong những thách thức với phim ca nhạc, nhất nhân vật chính lại là ca sĩ nổi tiếng là các cảnh dàn dựng trình diễn trực tiếp. Trong Đóa hoa mong manh, các cảnh quay sân khấu chủ yếu tranh tối tranh sáng giống phòng trà, nhạc công hầu như vắng bóng.

Cảnh quay khán giả tuy mờ tối cũng đủ để thấy số lượng đông lên tới hàng ngàn, được trang bị bong bóng cổ vũ như thể một chương trình nhạc trẻ, sôi động, trong khi ca sĩ hát toàn nhạc chậm. Giữa cảnh biểu diễn và cảnh khán giả không có sự kết nối nào.

Để diễn tả thành công của ca sĩ, phim cho các đại cảnh của các thành phố lớn bên Mỹ chạy liên tục, nhưng không hề có cảnh ca sĩ tương tác với khán giả - kiểu xếp hàng mua vé hay chen nhau xin chữ ký…

Phim tiểu sử lại còn là nghệ sĩ chưa từng là thế mạnh của điện ảnh Việt. Và cũng không phải là dòng phim dành cho các đạo diễn tay mơ. Có lẽ riêng việc phim ra rạp không chỉ ở Việt Nam đã là một thành công của Mai Thu Huyền và ê-kíp rồi.

Theo Tiền Phong