Thông tin về thu nhập của ban lãnh đạo Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PRD) vừa công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm. Theo đó, thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, nửa đầu năm, tập đoàn này chi trả cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt gần 966 triệu đồng, giảm tới gần 86%. Trong khi đó, nửa đầu năm ngoái, Phát Đạt mạnh tay chi cho ông Đạt khoảng 6,8 tỷ đồng.

Thu nhập của bà Trần Thị Hường - Phó chủ tịch HĐQT - trong 6 tháng đầu năm là 1,6 tỷ đồng, giảm hơn 46% so với năm ngoái.

Các thành viên khác thuộc HĐQT công ty địa ốc này cũng đồng loạt nhận 240 triệu đồng, giảm gần 68% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu nhập của Tổng giám đốc Bùi Quang Anh Vũ còn 2,8 tỷ đồng so với mức 4 tỷ đồng của năm ngoái, giảm gần 30%.

6 tháng, tập đoàn này chi cho đội ngũ lãnh đạo cỡ 11,6 tỷ đồng, giảm 52% so với nửa đầu năm 2022.

Một công ty địa ốc cắt thu nhập chủ tịch từ hơn 6 tỷ về còn gần 1 tỷ đồng-1
Thu nhập của các lãnh đạo Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt giảm mạnh so với nửa đầu năm ngoái (Ảnh chụp màn hình).

Việc cắt giảm chi phí này được thực hiện trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. Theo đó, doanh thu thuần của Phát Đạt trong nửa đầu năm là 194,7 tỷ đồng, giảm gần 87% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động kinh doanh chính sụt giảm mạnh, để cứu vớt lợi nhuận, doanh nghiệp buộc phải bán công ty con. Tháng 4, tập đoàn này đã chuyển nhượng 27,86% cổ phần trong Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn - KL với giá trị 1.058,7 tỷ đồng. Theo đó, Phát Đạt không còn là cổ đông của Sài Gòn - KL kể từ thời điểm này.

Thương vụ này đem về khoản lãi 527,4 tỷ đồng được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính. Cùng kỳ năm ngoái, khoản mục này chỉ ở mức 1,4 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Phát Đạt trong nửa đầu năm là 298,1 tỷ đồng, giảm 56,7% so với năm ngoái.

Trong công văn giải trình, công ty này cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận biến động là tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản nên việc đầu tư kinh doanh vào các dự án không được thuận lợi.

Một nguyên nhân khác được doanh nghiệp nhắc đến là chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Theo Dân Trí