Video được một nhân viên công ty Suzhou Danao Fangchengshi đăng lên mạng cho thấy 12 nhân viên phải chịu hình phạt ăn mướp đắng.

Vụ việc này tạo ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý đến các hoạt động đáng ngờ của công ty và gây lo ngại về phúc lợi, cách đối xử của công ty đối với nhân viên.

Trước phản ứng mạnh mẽ từ phía cư dân mạng. Người phát ngôn của công ty trên nói với hãng tin Baixing Guanzhu rằng, hình phạt này là một phần trong hệ thống thưởng phạt của công ty và trước khi thi hành, nhóm nhân viên nói trên đã đồng ý.

Một công ty trở thành tâm điểm khi phạt nhân viên ăn thứ này vì không đạt KPI-1
Hình phạt dành cho những nhân viên không đạt KPI. Ảnh: SCMP 

Giải thích về ý nghĩa hình phạt, quản lý công ty cho biết: "Con người ai cũng muốn mưu cầu hạnh phúc và tránh xa những đau khổ. Nếu họ không muốn ăn mướp đắng, tốt nhất là nên làm việc chăm chỉ".

Đoạn video đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Người dùng mạng kiên quyết đứng về phía nhân viên.

"Tôi thà bị công ty sa thải còn hơn bị trừng phạt theo cách nhục nhã như vậy", một người bình luận.

"Tôi thực sự đã cười khi nghe đó là 'tự nguyện'. Chúng ta đang sống trong một thời điểm khó khăn như vậy", một người khác nói.

Dưới bài đăng, nhiều người lao động đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về những hình phạt phi lý, như bị bắt ăn mù tạt, ớt và uống nước trong nhà vệ sinh.

Tháng 10/2022, một công ty ở tỉnh Chiết Giang đã gây sốc khi phạt nhân viên ăn mướp đắng với wasabi do thua cuộc trong cuộc thi bán hàng. Một nhân viên đã quay lại hình phạt và chia sẻ lên mạng xã hội.

"Vị đắng của mướp đắng chỉ là nhất thời, nhưng vị đắng của cuộc đời thì trường tồn mãi mãi. Hình phạt của công ty đã thúc đẩy chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn", nhân viên giấu tên trong bài đăng cho biết.

Trước đó, một nữ nhân viên bán hàng của công ty bất động sản ở tỉnh Hồ Bắc rời chỗ làm trong vài phút, đã bị phạt nhảy ếch trên giày cao gót 50 lần như một hình phạt. Hậu quả, cô bị chấn thương cơ.

Yuan Yayang, một luật sư lao động của Văn phòng luật DeHeng cho biết hình phạt trong video đã vi phạm luật lao động của Trung Quốc.

Bộ luật này quy định nhân viên có quyền đàm phán hợp đồng và các quy tắc mà họ cho là không phù hợp. Tuy nhiên, họ hiếm khi làm như vậy vì sợ mất việc.

Theo Người Đưa Tin