Mốt quần áo in từ ngữ nhạy cảm

Xu hướng in slogan lên trang phục thường xuyên gây tranh cãi. Thời gian gần đây, trào lưu này đang trở lại mạnh mẽ nhờ phong cách Y2K.

Ngày 26/4, nữ DJ Soda bị đuổi khỏi máy bay vì mặc quần in từ ngữ không phù hợp. Thiết kế được tài trợ bởi một thương hiệu thời trang Mỹ.

Xu hướng mặc quần áo in khẩu hiệu, từ ngữ chửi thề đã phổ biến trong nhiều năm. Các mẫu quần áo cho phép người mặc gửi thông điệp một cách tinh tế hoặc thể hiện cá tính riêng qua những từ ngữ được in trên thiết kế.

Bên cạnh đó, trào lưu này gây tranh cãi khi những câu in trên áo là từ chửi thề hoặc có nội dung liên quan đến các vấn đề xã hội.

Nguồn gốc của trào lưu

Những mẫu quần áo in slogan bắt đầu xuất hiện vào năm 1960 khi cửa hàng Mr Freedom ở Chelsea bán áo phông in khẩu hiệu lấy cảm hứng từ phim của Disney.

Vivienne Westwood đã đưa xu hướng này tiến một bước xa hơn khi cho ra mắt những chiếc áo phông có động cơ chính trị. Đến những năm 1980, áo phông in khẩu hiệu mới thực sự tạo dấu ấn với những thiết kế khét tiếng của Katharine Hamnett.

Mốt quần áo in từ ngữ nhạy cảm-1
Quần áo in những câu từ độc đáo được nhiều người nổi tiếng ưa chuộng. Một số nhà thiết kế sử dụng chúng để truyền tải thông điệp. 

Nhà thiết kế Katharine Hamnett khẳng định: "Chiếc áo đã cho tôi tiếng nói". Bà chia sẻ suy nghĩ này trong khoảnh khắc mặc áo có ngôn từ chống hạt nhân và bắt tay Thủ tướng Margaret Thatcher. Hình ảnh này khiến áo phông của nhà thiết kế người Mỹ bị sao chép ở khắp mọi nơi.

Chia sẻ với The Guardian, Hamnett nói: "Tôi muốn truyền tải thông điệp lớn qua những chiếc áo phông".

Các câu từ in lên quần áo rất đa dạng. Nó có thể mang ý nghĩa hài hước, truyền cảm hứng hoặc thông điệp chính trị.

Vào năm 2016, Grazia Chiuri đã giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên cho Dior. Trên sàn diễn, những mẫu áo phông trắng in khẩu hiệu liên quan đến nữ quyền thu hút sự chú ý. Các thương hiệu như Vetements, DKNY và Alexander Wang cũng cho ra mắt áo phông in khẩu hiệu.

Thời gian gần đây, trào lưu Y2K đang hồi sinh. Điều này giúp các mẫu áo quần in khẩu hiệu phổ biến trở lại. Giới trẻ ưa chuộng các thiết kế màu sắc, in hình ảnh hoặc những câu từ độc đáo. Những hình ảnh, câu từ có thể in lên mọi dáng áo, quần. Bởi vậy, kiểu trang phục này được ưa chuộng rộng rãi.

Mốt quần áo in từ ngữ nhạy cảm-2
Sinh viên Đại học Daniel Podolsky bị đuổi khỏi máy bay do mặc áo phông có từ chửi thề

Quần áo in từ ngữ chửi thể không được chấp nhận

Khi xu hướng mặc trang phục in khẩu hiệu, slogan phủ sóng rộng rãi, các mẫu quần áo in từ ngữ chửi thề cũng xuất hiện.

The Guardian nhận định việc in những câu từ chửi thề đẩy trào lưu mặc áo phông in khẩu hiệu vào thời kỳ đen tối. Bên cạnh đó, nhiều người không ngần ngại diện trang phục in những câu từ xúc phạm phụ nữ, mang ý nghĩa hiếp dâm.

Những mẫu áo in câu từ nhạy cảm được nhiều thương hiệu bày bán công khai. Tuy nhiên, ở một số địa điểm công cộng, quần áo in câu từ chửi thề vẫn chưa được chấp nhận.

Năm 2011, nhãn hiệu FUCT của nghệ sĩ Erik Brunetti bán các mẫu áo in tên thương hiệu. Tuy nhiên, Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) đã từ chối cấp bằng bảo hộ cho nhãn hàng với lý do "vô đạo đức và/hoặc dễ gây tai tiếng". Tên thương hiệu và những từ in trên áo dễ khiến người dùng liên tưởng đến từ thô tục trong tiếng Anh.

Vào năm 2015, một sinh viên đại học tên là Daniel Podolsky bị đuổi khỏi máy bay do mặc áo có từ chửi thề. Trên chuyến bay từ Dallas đến Chicago, máy bay dừng đột ngột ở St Louis do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Khi máy bay hạ cánh, một tiếp viên hàng không đã yêu cầu Daniel Podolsky lộn ngược áo phông từ trong ra ngoài để che khẩu hiệu. Tuy nhiên, Daniel Podolsky đã từ chối và đi vệ sinh. Quay trở lại chỗ ngồi, anh bị một nhân viên yêu cầu rời khỏi chuyến bay.

Mốt quần áo in từ ngữ nhạy cảm-3
DJ Soda bị đuổi khỏi máy bay do mặc quần in từ chửi thề. Quần áo có những câu từ nhạy cảm không được chấp nhận ở một số địa điểm công cộng.

Đây không phải lần đầu hành khách bị đuổi khỏi chuyến bay vì mặc trang phục không phù hợp. Trước đó, vào năm 2004, một hành khách bị đuổi khỏi chuyến bay của American Airlines vì ​​mặc chiếc áo phông có in hình bộ ngực.

Những sự việc trên tương tự với vụ việc của DJ Soda. Cô bị đuổi khỏi chuyến bay của American Airlines do mặc quần in từ chửi thề.

Trang phục của cô không bị chú ý trong suốt quá trình làm thủ tục. Khi nữ DJ lên máy bay, nhân viên tiếp cận vào yều cầu cô rời đi.

DJ Soda cho biết: "Họ nói rằng chiếc quần bó sát của tôi là 'không phù hợp' và 'gây khó chịu'. Nhân viên yêu cầu tôi đi chuyến bay tiếp theo". Nữ DJ đã đề nghị sẽ thay đồ nhưng vẫn không được chấp nhận.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/mot-quan-ao-in-tu-ngu-nhay-cam-post1312473.html?fbclid=IwAR3HZ-oymAxF-Q7ku2komwcOek3E2z5zKnfy1XbpjGER0qkqLpae9vsFo_E

xu hướng thời trang

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao