Bán khoán con lên chùa là một tín ngưỡng dân gian. Đây là một hình thức gửi gắm về mặt tâm linh. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình quan niệm, khi sinh con ra, đứa trẻ hay đau yếu, khóc lóc không phải là do bị bệnh từ thân hoặc những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm (tức ngày mùng 1, 5, 8, 15, 23, 24, 28 và ngày 30 Âm lịch).
Đó là những ngày kỵ theo quan niệm dân gian, người dân không nên ra ngoài đường, để tránh sự quở trách của “quan đi tuần”?! Những đứa trẻ sinh vào ngày đó được xem là phạm vào ngày kỵ nên rất khó nuôi, hay ốm đau. Thế nên, nhiều gia đình mong muốn được nương nhờ vào Phật pháp, vào Thánh, vào sức mạnh của một đấng tối cao che chở cho con cái của họ. Cũng bởi thế mà tín ngưỡng bán khoán diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước.
Bán khoán là gì ?
Người mẹ sau khi thụ thai được 15 ngày thì phải có Vong Hồn Nhị Giới Đầu Thai vào tạm thời tá túc thì thai đó mới giữ được. Khi có tim thai là vong hồn chính thức trú ngụ và hoạt động; từ đây một sinh linh được hình thành theo cơ chế sinh học của con người.
Vong hồn nhị giới đầu thai gồm:
– Vong hồn đầu thai giới cõi Thiên
– Vong hồn đầu thai giới cõi Địa
Dù là vong hồn cõi nào thì cũng phải trải qua các thời kỳ Định nghiệp; Chuyển nghiệp; Tái sinh luân hồi. Do đó tùy theo vong có nghiệp chướng bản thân nặng; nhẹ ra sao mà sau khi được sinh ra đứa trẻ có thể khó nuôi; dễ nuôi hoặc chết yểu.
Với những trẻ có triệu chứng khác lạ khiến cho việc chăm sóc; nuôi dưỡng gặp khó khăn; người ta thường bán khoán trẻ; mục đích là để trẻ có thể khôn lớn; phát triển bình thường và điều này là hoàn toàn có thật.
Vì sao lại bán khoán con vào chùa
Bán khoán con vào chùa đồng nghĩa với việc gửi con cho Đức Phật, cho Đức Ông, cho Đức Thánh Trần hoặc Tam Tòa Thánh Mẫu để Chư Phật Thánh Gia Ân bảo hộ cho con mình, chứ không phải là gửi con cho sư thầy trụ trì chùa đó.
Nếu ngày sinh và giờ sinh của bé phạm phải giờ xấu hoặc cung mệnh của bé và cung mệnh của cha mẹ khắc nhau thì mới nên nghĩ tới việc bán khoán con vào chùa.
Có nhiều cặp vợ chồng nuôi con thấy con hay bị ốm vặt, không nghe lời, thích quậy phá… thì cho rằng con sinh vào giờ xấu và phải bán khoán con cho nhà chùa mới giải tai được. Thế nhưng, liệu bán khoán con cho nhà chùa rồi, con có “dễ nuôi” hơn không là điều mà rất nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng. Chúng tôi sẽ giúp các cha mẹ có cái nhìn đúng đắn về tục này để đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Sau khi đã bán khoán con vào chùa, thì tới năm con trẻ được 13-18 tuổi thì cha mẹ sẽ làm lễ để chuộc con về, điều này không ảnh hưởng gì tới công danh và sự nghiệp của con cả.
Nếu ngày giờ sinh của con trẻ không xấu, cung mệnh cũng không khắc thì tốt nhất là không nên bán khoán con vào chùa. Trẻ dưới 3 tuổi không tránh được “3 ngày béo 7 ngày gầy”, cha mẹ cần chăm sóc con cho tốt, cho dù đã bán khoán con trẻ nhưng chăm sóc không tốt thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Giờ xấu và cách tính
Theo dân gian, đứa trẻ sinh ra phạm vào những giờ hung sau, chan mẹ nên bán khoán: Kim Xà, Thiết Tỏa, Quan Sát… nếu đứa bé sinh vào những giờ này thì “nay ốm mai đau”, quấy khóc, chậm lớn, và mọi người vẫn thường nói với nhau là rất khó nuôi.
Cách tính giờ Kim Xà rất phức tạp:
Giờ Kim Xà, Thiết Tỏa:
Dùng cung Tuất, kể là năm Tý, đếm theo chiều thuận đến năm sinh; đến cung nào, kể cung đó là tháng giêng, đếm theo chiều nghịch đến tháng sinh; đến cung nào, kể cung đó là mùng một, đếm theo chiều thuận đến ngày sinh; đến cung nào, kể cung đó là giờ Tý, đếm theo chiều nghịch đến giờ sinh thì dừng lại ở cung này. Nếu là trai, mà cung này là cung Thìn hoặc cung Tuất thì phạm giờ Kim Xà. Còn nếu cung này là cung Sửu hay Mùi thì phạm vào bảng giờ. Nếu là gái, mà cung này là cung Sửu hoặc Mùi thì phạm giờ Kim Xà, còn nếu rơi vào cung Thìn hay Tuất thì chỉ phạm bảng giờ.
Nếu chỉ phạm bàng giờ thì có cơ may tồn tại, nhưng sẽ hết sức khó nuôi. Tuy nhiên, nếu Bản Mệnh đứa trẻ bị Bản Mệnh người mẹ hoặc người cha khắc thì ít hy vọng, đứa nhỏ sẽ có thể yểu, sau nhiều lần đau yếu. Tuy nhiên, trong trường hợp có hy vọng tồn tại, còn phải xem thêm các sát tinh thủ Mệnh đứa trẻ để quyết đoán cho chắc chắn.
Cũng theo Đại đức Thích Bản Quyền, có nhiều gia đình bán khoán con cả đời và không chuộc ra. Việc bán con này chỉ là hình thức nói miệng để nương nhờ oai đức của chư Tăng, Thiên thần và sự gia hộ của chư Phật cho đứa trẻ. “Gửi trẻ vào cửa Phật, đặt một cái tên khác để giúp cho bé dễ nuôi chứ có phải đi tu đâu mà ảnh hưởng đến hôn nhân và công danh của bé sau này”, thầy Thích Bản Quyền chia sẻ. Tuy việc làm này hỗ trợ niềm tin nhưng cũng không nên quá lạm dụng. Có những gia đình vì quá tin vào thầy bói, khi nghe phán là cháu khắc với cha mẹ, sinh cháu ra sẽ làm ăn lụi bại hay đoản mệnh... thì tìm cách bán khoán cháu, để chùa nuôi là điều không nên.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Theo Khỏe & Đẹp