"Muốn con gái tốt, mẹ vợ phải biết sợ chàng rể"

"Mẹ vợ có thể cần chàng rể chứ đời nào chàng rể cần mẹ vợ. Gả con gái xong, cuộc sống con gái sẽ phụ thuộc vào chàng rể và gia đình anh ta".

Rất tình cờ, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ một người phụ nữ trung niên chừng ngoài 50 tuổi. Bác là Cao Thị L. (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội).

Bác đang rất ân chăm chăm sóc và quan tâm tới một người đàn ông tầm tuổi con bác. Hỏi ra mới biết đó là anh con rể của bác. Đem sự thắc mắc về việc bác rất gần gũi, yêu chiều con rể ra hỏi, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân mật với bác về mối quan hệ mẹ vợ - con rể cũng như cách nhìn nhận của bác xoay quanh việc làm thế nào để giúp đỡ con gái có cuộc sống ở nhà chồng tốt nhất.

Mẹ vợ thường chẳng liên quan đến chàng rể, xưa nay thế. Sao bác lại quan tâm đến con rể mình vậy?


Chính vì quan niệm con rể không liên quan đến mẹ vợ nên các bà mẹ vợ không cần quan tâm đến con rể, thế con gái các bà mới khổ. Con rể liên quan trực tiếp tới mình vì nó là đứa chung sống với con gái mình trọn đời, trọn kiếp.

Nói thẳng ra, mẹ vợ cần con rể chứ con rể đâu cần mẹ vợ. Đến bố mẹ đẻ nó chắc gì nó đã quan tâm tử tế được, huống gì bố mẹ vợ. Nó chân ướt chân ráo đến nhà mình mấy hôm nhăm nhe tìm cách rước con gái mình. Nó có xác định phải sống thế nào với mình đâu? Là con gái mình phải học cách sống với gia đình nhà nó, nó không cần phải quá để ý tới bà mẹ vợ và gia đình nhà vợ.

Nhưng nếu chàng rể không thích mẹ vợ quan tâm thì sao thưa bác?

Mỗi người một quan điểm, một tính nết. Đây không phải việc thích hay không thích mà là việc bà mẹ vợ có chủ động trong việc tìm hiểu con rể mình không? Khi chúng ta ở thế chủ động, chúng ta sẽ biết phải làm gì để có hiệu quả trong mối quan hệ.

Trong mối quan giữa bác và chàng rể, bác chủ động như thế nào?

Công việc tìm hiểu con rể phải bắt đầu từ lúc nó tìm hiểu con gái mình. Ở Việt Nam, chả biết sau này thế nào, nhưng hiện tại vẫn là: Nhà nào có con gái, nhà đó phải đề phòng. Tôi phải làm công tác thăm dò, lên kế hoạch tiếp cận chàng rể từ khi chúng nó đang tìm hiểu nhau.

Có thể chúng nó lấy nhau, có thể không nhưng tôi muốn chàng trai yêu con gái mình có cảm giác ấm cúng, được tôn trọng khi đến nhà cô gái chơi. Tôi cứ nghĩ, nếu tạo áp lực cho chàng trai, con gái mình sẽ khổ dù chúng có lấy nhau hay không?

"Muốn con gái tốt, mẹ vợ phải biết sợ chàng rể" 1

Nhiều người rất nghiêm khắc với chàng rể ngay từ ngày anh ta tìm hiểu con gái mình. Cháu nghĩ điều đó cũng tạo cảm giác một gia đình nề nếp và chàng rể sau này sẽ phải tôn trọng gia đình vợ chứ?

Tôi sống bằng từng này tuổi, cũng chỉ dựa vào quan sát của bản thân để nói, làm việc gì đó, nhất là việc liên quan đến con cái thì tôi kỹ càng lắm. Tôi vẫn bảo vệ quan điểm: Phụ nữ đi lấy chồng, về nhà chồng là mình bị chông chênh, không làm chủ cuộc sống mình nữa rồi. Chúng ta bị phụ thuộc vào việc: Nhà chồng có tử tế không? Chồng có thương và thông cảm cho ta không?

Tôi không dám tin tưởng đàn ông sống sòng phẳng với phụ nữ. Mặc dù phía bên chồng cũng có mẹ chồng, nhưng mẹ chồng thì không thể đứng về phía nàng dâu được. Bà mẹ nào cũng yêu con và có sự thiên vị. Mọi sự dạy dỗ của mẹ chồng đối với nàng dâu, cho đến thời điểm này là làm sao con dâu chăm sóc con trai mình tốt nhất chứ không phải làm sao con trai chăm sóc con dâu tốt nhất. Tôi nói công bằng đấy.

Chàng rể có thể cả đời không cần nhà vợ, nhưng con gái tôi phải hoàn thành nghĩa vụ của vợ, con dâu ở nhà chồng nó. Nếu có chuyện gì xảy ra, con tôi ra đường, nó là người lỡ dở, bị tổn thương và phải đối mặt với nhiều thứ.

Điều quan trọng của bà mẹ vợ như tôi không phải tỏ ra uy nghi, phép tắc để đàn áp con rể vì chàng rể của tôi chẳng cần có lí do gì để khuất phục tôi khi tôi nghiêm khắc với nó cả. Nó có thể không cãi tôi trước mặt vì nể tôi là mẹ vợ. Nhưng nó có quyền phản ứng với vợ nó. Mà quá đáng quá, khi lấy được vợ rồi, nó cũng chẳng cần qua nhà vợ nữa ấy chứ.

Như vậy thì có sự bất công trong mối quan hệ quá thưa bác!

Cô có cách nhìn nào khác hơn không? Bản chất đối trọng mối quan hệ nam nữ trong xã hội là thế rồi. Con gái tôi là mọi nguồn yêu thương của tôi nhưng với nhà chồng, nó chỉ là một nàng dâu và phải làm trách nhiệm của nàng dâu.

Tôi hay nói với con gái: Quyết định lấy chồng là con phải chấp nhận mọi thiệt thòi. Con không thể kỳ vọng vào sự che chở vô điều kiện từ chồng như mẹ được. Con sẽ phải chịu ấm ức. Con sẽ phải đối diện với sự dối trá, vô tâm, thậm chí tệ hơn là bạc bẽo từ chồng. Tôi chẳng biết dạy con gái điều gì hơn. Vì tôi không thể giữ nó suốt đời được.

Chính vì thế mới có chuyện, tôi quan tâm đến con rể con hơn mẹ đẻ nó. Quan tâm để tìm hiểu cuộc sống con gái mình có chắc chắn không? Con gái tôi có thể ảo tưởng về chồng nó, nhưng tôi nhìn con rể với góc nhìn thực tế. Quan tâm tới con rể thực chất là cách bảo vệ con gái mình.

Nhưng như thế bác có sợ rơi vào tình trạng can thiệp sâu vào cuộc sống cá nhân của con rể và con gái không?

Tôi không có quyền với cuộc sống của con rể, càng không thể xúi giục con gái những điều bất lợi trong hôn nhân. Tôi chỉ cố gắng hết sức để con rể cảm thấy gia đình nhà vợ là nơi nó có thể yên tâm. Tôi chỉ cố để nó cởi mở trong mối quan hệ với nhà vợ. Tôi tạo điều kiện để chúng có nhiều lựa chọn môi trường hài hòa trong cuộc sống hôn nhân hơn.

Tôi không can thiệp bất cứ điều gì, chỉ đưa lời khuyên nếu con gái hoặc con rể cần sự trợ giúp trong hôn nhân, cuộc sống.

Bác có nghĩ những việc làm đó là hiệu quả?


Khi tôi làm, tôi nghĩ nó hiệu quả chứ. Tôi làm bằng cái tâm của người mẹ và hết sức tế nhị. Nhưng việc tiếp nhận thực tế như thế nào còn nhiều yếu tố trong cuộc sống. Nhưng tôi tin, một chàng rể bình thường cũng có thể cảm nhận được điều tốt nhất mà gia đình vợ đối xử với nó. Mang cái tử tế đối đãi với nhau thì chúng ta sẽ nhận được điều tử tế thôi.

Cảm ơn bác! Cháu tin bác là một bà mẹ vợ thông minh! Chúc bác luôn hạnh phúc cùng gia đình!

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất