PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), ủng hộ thông báo của Sở GD&ĐT Hải Phòng về việc dừng triển khai dạy trực tuyến đối với học sinh khối 1,2. Đây là cách làm hợp lý trong điều kiện học sinh nghỉ thời gian ngắn.
Học sinh đến trường mùa dịch. Ảnh: Q.T.
Chưa đọc thông viết thạo sao có thể học online?
Theo ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, địa phương này dừng dạy trực tuyến với lớp 1, 2 xuất phát từ việc các em còn quá nhỏ để có thể tự thao tác với các thiết bị học tập như laptop hoặc điện thoại thông minh, đăng nhập vào các lớp học.
Bố mẹ đi làm, không thể ở bên cạnh hỗ trợ con, chưa kể những tình huống không an toàn khi học sinh nhỏ tuổi tự dùng thiết bị điện tử, ổ cắm, nguồn điện.
Đây không chỉ là câu chuyện riêng của Hải Phòng. Nhiều phụ huynh ở địa phương khác cho biết họ cũng đau đầu khi con mới học lớp 1, 2 mà phải học online do trường yêu cầu.
Chị Thanh Thư (quận Đống Đa, Hà Nội), nói sau Tết, vợ chồng chị đi làm lại, nhưng con trai học lớp 1 được nghỉ, ở nhà học online. Vợ chồng chị nhờ bà ngoại ở quê lên trông con trong thời gian này. Bà đã lớn tuổi, không thể giúp cháu học trực tuyến, dẫn đến nhiều tình huống dở khóc, cười.
“Tôi thấy rất phi lý là con chưa đọc thông viết thạo thì học online thế nào. Một tuần vừa rồi, tôi làm việc cũng không yên tâm. Tôi đang trong giờ làm việc, bà ngoại gọi báo con bị thoát ra khỏi lớp. Một lúc sau, con lại la toáng lên là không nghe thấy cô nói gì, bà không biết giúp cháu thế nào”, chị Thư kể.
Khi nghe thông tin Hải Phòng cho dừng dạy trực tuyến đối với học sinh lớp 1, 2, chị Thư cho rằng đây là quyết định cần thiết và hợp lý, các địa phương cũng nên cân nhắc.
Thực tế, dù giáo viên rất cố gắng, học sinh lớp 1, 2 còn quá nhỏ để tập trung, ngồi yên trước máy tính, nghe cô giảng. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 1 như con chị, việc học không hiệu quả.
Thậm chí, nữ phụ huynh cho rằng việc cho con học online chỉ là để con thấy mặt cô giáo và các bạn.
“Nhà trường yêu cầu thì mình cho bé học chứ thật lòng không hy vọng có hiệu quả. Nếu được, tôi nghĩ nên cho dừng như Hải Phòng, chứ như hiện tại vừa nhọc lòng thầy cô, các con và phụ huynh cũng khổ", chị Thư đề xuất.
Đã có kinh nghiệm từ 2 đợt nghỉ học do dịch trong năm qua, chị Thanh Trang (quận Tân Bình, TP.HCM) quyết định thuê giáo viên mầm non giúp trông con trong thời gian các trường tạm đóng cửa do dịch.
“Nhà mình có bé 3 tuổi và bé 7 tuổi. Gia đình ở cùng bà ngoại. Lẽ ra, bà cũng có thể chăm sóc các cháu nhưng khổ nỗi bé 7 tuổi phải học online, bà lại không biết mở laptop, đăng nhập ID lớp học. Thế nên, dù có bà, mình vẫn phải thuê người vừa chăm con ăn uống, ngủ nghỉ, vừa hỗ trợ con học”, chị Trang cho biết.
Chị cho rằng việc học online với trẻ tiểu học phải được người có chuyên môn hỗ trợ mới hiệu quả. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện thuê người để hỗ trợ con học online.
Nữ phụ huynh cho con học online với hy vọng con không quên kiến thức và được gặp bạn bè. Nếu không có lớp học trực tuyến, chị cho rằng phụ huynh vẫn có thể giúp con ôn lại bài cũ.
Học sinh lớp 1, trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (TP Vũng Tàu) làm bài tập trực tuyến do giáo viên chủ nhiệm lớp giao với sự hỗ trợ của phụ huynh. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đề xuất cho học sinh lớp 1, 2 đến trường, giãn cách chỗ ngồi
Không chỉ riêng Hải Phòng, một bộ phận học sinh khối lớp 1, 2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gặp khó khi học trực tuyến. Địa phương này đang tìm cách gỡ khó cho học sinh bậc tiểu học khi triển khai dạy học qua mạng.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết qua nắm bắt thông tin, nhiều phụ huynh trên địa bàn phản ánh họ không thể yên tâm làm việc trong lúc con tham gia học online.
Các con không thể tự đăng nhập lớp học. Đường truyền không ổn định khiến các bé bị thoát ra khỏi lớp giữa chừng hoặc phải mất nhiều thời gian để vào được lớp. Mặt khác, nhiều học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến vì nhà không có laptop hoặc kết nối mạng.
Trước thực tế đó, Phòng GD&ĐT huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất với sở cho học sinh khối lớp 1, 2 có thể đến trường học trực tiếp với hình thức giãn cách chỗ ngồi, chia đôi sĩ số lớp, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Riêng huyện Châu Đức đề xuất cho phép học sinh không có điều kiện học online được đến trường sử dụng máy tính để đảm bảo chương trình.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin ngành giáo dục tỉnh sẽ nỗ lực hết mình để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Sở GD&ĐT đã gấp rút phân loại các nhóm đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học trực tuyến để kịp thời tìm giải pháp hỗ trợ các em.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, 82/37.572 học sinh (chiếm 0,22%) đang theo học tại các đơn vị trực thuộc sở không có thiết bị học online. Ở khối phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, thống kê trước Tết cho thấy toàn tỉnh có khoảng 20% học sinh bậc tiểu học, 14% học sinh THCS không có điều kiện học qua mạng.
Số học sinh không thể học online, phần nhiều là lớp 1, 2, nhất là học sinh lớp 1 chưa đọc, viết thông thạo. Sở GD&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép học sinh trên đến trường để học tập, đảm bảo các điều kiện và thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng thừa nhận việc dạy học trực tuyến không hiệu quả. Trong năm học vừa qua, khi học sinh nghỉ dịch, nhiều trường triển khai dạy học qua Zoom cũng cho thấy nhiều hạn chế về tương tác giữa giáo viên và học sinh, thời gian học ngắn.
Đầu năm 2021, khi học sinh TP.HCM phải nghỉ do dịch, sở đã yêu cầu triển khai dạy học qua Internet. Phòng trung học hướng dẫn những phần mềm dạy học để thầy cô tương tác với học sinh nhiều hơn.
"Chúng tôi không dùng từ dạy học trực tuyến mà gọi là tổ chức dạy học qua Inetrnet. Thầy cô cung cấp dữ liệu, chương trình, nội dung học tập và giao nhiệm vụ, cũng như bài tập cho học trò làm, sao cho giáo viên có thể theo dõi, hỗ trợ học sinh trong quá trình học.
Dữ liệu dạy học có thể là những bài giảng được giáo viên quay lại. Về thời lượng dạy học, nhà trường sẽ sắp xếp có kế hoạch chứ không phải dạy theo thời khóa biểu như bình thường", ông Hiếu giải thích.
Do thời gian nghỉ ngắn, sở không yêu cầu giáo viên thực hiện kiểm tra đánh giá qua Internet. Trong quá trình dạy học, giáo viên có thể giao bài tập hoặc các bài kiểm tra nhỏ để thúc đẩy tinh thần học tập của trò nhưng không khuyến khích lấy điểm để đánh giá.
Có thể dừng dạy trực tuyến trong thời gian ngắn
PGS Trần Thành Nam cho rằng chủ trương dạy học trực tuyến trong điều kiện học sinh phải ngừng đến trường do dịch bệnh là đúng.
Tuy nhiên, việc dạy trực tuyển phải dựa trên một số đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh. Với những đối tượng mà yếu tố tâm, sinh lý không đáp ứng được, việc tổ chức dạy học trực tuyến có thể là "lợi bất cập hại".
Theo ông, việc Hải Phòng cho dừng dạy trực tuyến với học sinh lớp 1, 2 và dạy trực tuyến nhưng mức độ hạn chế đối với khối 3, 4, 5 là có lý do và phần nào đó hợp lý, nhưng với điều kiện học sinh nghỉ trong thời gian ngắn.
“Học trực tuyến đòi hỏi xử lý thông tin liên tục, đòi hỏi các em khả năng tập trung cao độ, làm việc đa nhiệm. Đa nhiệm ở đây là vừa lắng nghe thầy cô giảng bài vừa thao tác trên thiết bị, điều khiển bàn phím, con chuột. Do đó, chỉ một số học sinh có nề nếp học tập tốt mới theo được, còn lại đa số khó đáp ứng, dẫn đến nhiều em bị bỏ lại phía sau”, PGS Nam lý giải.
Ông cho hay trường hợp học sinh chỉ cần bị xao nhãng vài chục giây, không xử lý được thông tin, đã bỏ lỡ cả bài học. Trong khi đó, giáo viên không thể bao quát được cả lớp trên môi trường online.
Cha mẹ dù có ngồi bên cạnh, đôi lúc cũng không thể dạy con học. Thậm chí, việc bố mẹ hướng dẫn thêm khiến trẻ trở nên căng thẳng, rối hơn.
Mặt khác, việc học online không hiệu quả còn do môi trường ở nhà không đảm bảo. Các thành viên ngồi xung quanh, đứa trẻ lớp 1, 2 vừa nằm, ngồi, vừa ăn vừa học thì chắc chắn không thể tốt được. Với các em nhỏ, như một phản xạ có điều kiện, phải ngồi vào đúng góc học tập, hoàn toàn yên tĩnh, mới học được.
“Về mặt thời gian, chúng ta có một năm chuẩn bị, làm quen với dạy trực tuyển nhưng thực tế có rất nhiều thầy cô chỉ dừng lại ở việc chuyển bài dạy trực tiếp lên mạng, chứ chưa có nhiều trò chơi, hoạt động tương tác để học sinh vui vẻ, hứng thú với bài học.
Với đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ tiểu học, nếu không thấy vui, không hứng thú, các em không thể theo được bài học”, PGS Nam nói.
Theo ông, việc học trực tuyến, kể cả sinh viên hay trẻ nhỏ, đều quan trọng ở cảm giác kết nối với lớp học, thầy cô hơn là nội dung kiến thức.
Học trực tiếp trên lớp, cứ 15 phút hoặc hết một tiết, giáo viên sẽ cho các con đứng dậy làm một vài động tác vươn vai, xoay người và tương tác rất nhiều. Nhưng ở các lớp online mà ông quan sát, giáo viên cũng quên mất điều này.
Giảng viên ĐH Giáo dục cho biết một số trường ở Hà Nội chuyển lớp học trực tuyến vào buổi tối, lúc 18h30 vì nghĩ rằng bố mẹ đi làm về có thể hỗ trợ con. Nhưng thực tế, thời điểm đó, bố mẹ vừa đi làm về đến nhà, con cái chưa được ăn uống, tắm rửa, họ cũng cạn kiệt năng lượng sau một ngày làm việc, thì chuyện kiên nhẫn ngồi học cùng con rất khó.
Chưa kể với những học sinh lớp 1, 2 mà đang gặp khó khăn về đọc, viết, giờ học online càng không hiệu quả, khoảng cách giữa các bạn trong lớp ngày càng cách xa. Những trẻ chậm hơn ở một số kỹ năng cũng có khoảng cách với những bạn khác.
Chính vì những lý do trên, PGS Trần Thành Nam cho rằng việc Hải Phòng dừng dạy học trực tuyến cho khối 1, 2 cũng là chuyện dễ hiểu và hợp lý trong điều kiện thời gian nghỉ học ngắn.
Nếu học sinh phải nghỉ dài ngày do dịch, chúng ta không thể để các em nghỉ mãi. Hơn nữa, trong tương lai, việc học online sẽ trở thành xu hướng khi xã hội tiến tới học tập suốt đời, các khóa học online sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Vậy nên, đối với học sinh tiểu học, việc chuẩn bị những gì cho trẻ khi học online mới là quan trọng.
“Tôi nghĩ ở cấp học này, việc truyền cảm hứng học tập cho con mới quan trọng. Nhiều khi chúng ta không cần quá chú tâm vào nội dung bài giảng, dài bao nhiêu phút, có dạy xong hay không.
Thay vào đó, giáo viên tạo ra những trò chơi, video với nội dung sáng tạo, thú vị. Thay vì các con ở nhà xem YouTube thì xem những nội dung học tập như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều.
Tất nhiên, với điều kiện chúng ta có nguồn học liệu số, kho bài giảng video chia sẻ cho tất cả giáo viên, học sinh trên cả nước”, PGS Nam nêu quan điểm.
Khi có nguồn học liệu số mở, những bạn nhỏ không thiết bị học tập như máy tính, điện thoại thông minh, kết nối mạng Internet có thể được bố mẹ cho xem video vào thời điểm thích hợp.
PGS Trần Thành Nam lưu ý khi dạy online với lớp nhỏ, giáo viên càng phải chú ý yếu tố tâm lý để các bạn không bị căng thẳng.
Phụ huynh cũng nên chú ý đến việc học của con như cho con ăn nhẹ, tập một vài động tác thể dục trước khi vào học, cho con ngồi học ở bàn, điều chỉnh tư thế ngồi đúng, giảm ánh sáng xanh của màn hình để con không bị đau mắt, mỏi mắt, nếu được thì cố gắng cho con học bằng thiết bị có màn hình lớn.
Sau khi học xong, phụ huynh không cho con xem các thiết bị điện tử nữa. Đây cũng là những yếu tố để đảm bảo sức khỏe tinh thần của trẻ khi học online.
Theo Zing