Khoe con cũng xài "văn mẫu"

Phụ huynh khoe điểm con trên mạng xã hội vào dịp kết thúc năm học, sau những kỳ thi đã là chuyện quá quen thuộc với tất cả mọi người. 

Khoe con đôi khi đơn thuần là niềm vui, cảm xúc của nhiều ông bố bà mẹ. Điều làm nhiều người ngán ngẩm, ngộp thở nằm ở cách khoe của không ít phụ huynh không chỉ dừng lại ở "khoe". 

Ngán ngẩm với kiểu phụ huynh khoe điểm con dị hợm trên mạng-1
Nhiều kiểu khoe điểm con của phụ huynh làm nhiều người ngán ngẩm Ảnh minh họa).

"Văn mẫu" khoe con phổ biến nhất trên mạng xã hội dễ thấy: "Ôi con mình có học hành gì đâu", "Con mình chỉ toàn chơi thôi các bác ạ", "Mỗi ngày con mình chỉ học đúng 15 - 30 phút ", "Cứ nghĩ con ở lại lớp cơ", đi kèm là câu chép miệng "Thế mà"... ngay sau đó liệt kê điểm 9, điểm 10, thành tích xuất sắc hoặc xếp hạng của con. 

Chị Lê Hải Thương, giáo viên luyện thi tại một trung tâm ở quận 1, TPHCM chia sẻ, bản thân chị không phán xét những người khoe điểm con nhưng chị rất dị ứng với kiểu khoe "Con mình có học hành gì đâu, toàn chơi... mà xuất sắc, hạng nhất lớp" tràn lan trên mạng. 

Với chị, đây là kiểu khoe khoang thể hiện thái độ tinh vi, vừa khoe con vừa khoe bản thân. Phụ huynh muốn nhấn mạnh con mình thông minh, xuất chúng không cần học vẫn giỏi và chủ yếu là để khoe mình là bố mẹ thông thái, không ép con học, không quan trọng điểm số. 

Giáo viên này kể: "Nhiều học trò của tôi, ngoài học chính khóa, học thêm tại nhà giáo viên trên lớp, còn đến học thêm tại trung tâm học ngày học đêm. Vậy mà khi các em đạt kết quả tốt, rất kỳ lạ là phụ huynh lại lên mạng khoe "con mình chẳng học hành gì", chị Thương kể. 

Theo chị Thương, ngay cả những đứa trẻ ít gặp áp lực học tập, bố mẹ không nặng nề điểm số thì việc học cũng rất vất vả.

Chị không tin với những bố mẹ mê khoe điểm con, đứa trẻ lúc nào cũng phải gồng lên vừa gánh việc học vừa gánh "niềm vui" của bố mẹ mà học hành nhàn nhã, ngày học 15 - 30 phút. 

Ngán ngẩm với kiểu phụ huynh khoe điểm con dị hợm trên mạng-2
Có khi bố mẹ đang say sưa khoe con, chúng ta đang bỏ rơi chính con mình... (Ảnh minh họa: M.Q).

"Bố mẹ khoe như vậy vừa không trung thực, vừa phủ nhận sự vất của trẻ trong việc học, những áp lực căng thẳng mà con có thể gặp phải", chị Thương nói. 

Cũng ức chế với những kiểu khoe con này, anh Nguyễn Lê Nhân, ở Bình Thạnh, TPHCM nêu quan điểm, khoe điểm con không vấn đề gì, vấn đề nằm ở chỗ phụ huynh không trung trực. 

"Đã mê khoe điểm con, kỳ nào cũng khoe, mùa nào cũng 'zoom' (phóng to) đến từng con số thập phân, mà còn nói: 'Mẹ không quan trọng điểm số'... nghe rất hài hước", anh Nhân nói. 

Theo anh Nhân, thà cứ thẳng thắn bố mẹ rất quan trọng điểm số, bố mẹ rất coi trọng thành tích, vừa sòng phẳng vừa công bằng trước hết với chính đứa con của mình. 

"Con tôi là số 1"

Kiểu khác gây "ngộp thở" của phụ huynh là khoe con nhưng không phải khoe con mà... chủ yếu muốn khoe con hơn người khác. Cách khoe này thường nở rộ sau mỗi khi thi như lớp 10, tốt nghiệp THPT hay các kỳ thi học sinh giỏi. 

"Con đã đánh bật... hàng ngàn đứa trẻ khác để có một suất vào trường A", "Biết kỳ thi này với con là "chuyện nhỏ" nhưng kết quả vẫn làm bố mẹ bất ngờ", "Đề thi này các bạn xoay mãi không xong, con mình chưa hết nửa thời gian đã gác bút" hay "Chỉ có những ai đạt thành tích như con mới được lên sân khấu"... 

Có phụ huynh còn nhấn mạnh tên trường, chương trình con theo học, so sánh theo kiểu "mấy trường dễ không tính nhé". 

Trong cách khoe này không khó để thấy tâm lý hơn thua của và cả thái độ có phần hợm hĩnh của phụ huynh. Trong khi, điều này có thể gây nên sự ảo tưởng cho đứa trẻ cũng kèm áp lực lúc nào cũng phải đứng đầu, phải vượt trội. 

Cách khoe này phản ánh đúng như góc nhìn của chuyên gia tâm lý trẻ em Lê Khanh, cái sự khoe điểm con của bố mẹ phần nhiều xuất phát từ tâm lý háo danh nói chung của nhiều người. Cứ con mình hơn điểm con người ta là vui rồi. 

Ngán ngẩm với kiểu phụ huynh khoe điểm con dị hợm trên mạng-3
Nhiều đứa trẻ khổ sở vì bị cha mẹ khen (Ảnh minh họa: H.N).

Có khi chúng ta đang say sưa khoe con trên mạng xã hội thì lại đang bỏ rơi chính con mình ngoài đời thực.

Với tâm lý hơn thua này, nhiều đứa trẻ lúc nào cũng phải đứng đầu, đứng nhất, chỉ cần đứng sau một ai đó là chúng có thể suy sụp, sợ hãi. 

Lời khen, kỳ vọng thái quá, tâm lý hơn thua của bố mẹ có thể lập trình "khung thành tích" trong não đứa con. Các con quen với nụ cười, với sự tự hào của bố mẹ, của người xung quanh khi đạt thành tích cao nên không cho phép mình thất bại, dễ bị suy sụp khi không như kỳ vọng... 

Trong lần nói chuyện về sự học của người Việt, Giáo sư Trần Văn thêm bày tỏ, giáo dục của chúng ta, từ phổ thông lên đại học có bệnh "đồng phục" từ ăn mặc đến tư duy. Mặc cũng đồng phục, học cũng đồng phục, tư duy cũng đồng phục giết chết tư duy sáng tạo của học sinh.

Giáo dục chạy theo mục tiêu con ngoan, trò giỏi làm sản phẩm giáo dục bị triệt tiêu khả năng cá nhân. Trò giỏi là thuộc bài, làm đúng theo bài giải của cô giáo, còn làm sáng tạo có thể bị xem là… sai, là kém.

Giáo sư Trần Văn Thêm cũng bày tỏ quan điểm, người Việt luôn tự hào về tinh thần hiếu học nhưng với ông đó chỉ là... huyền thoại.

Mục tiêu học tập trước đây của chúng ta thì học để làm quan, còn ngày nay thì học để lấy bằng cấp. Theo Giáo sư, nhiều người trong chúng ta học vì sĩ diện, giấu dốt, sợ người khác nói đến điểm yếu của mình.

Theo Dân Trí