Ngoài ồn ào áo yếm không nội y, 'Thương nhớ ở ai' có gì đáng xem?

Chuyển thể từ tiểu thuyết "Bến không chồng", phim "Thương nhớ ở ai" thu hút một bộ phận khán giả vì khắc họa chân thực số phận bi kịch của những phụ nữ nông thôn thời hậu chiến.

Sau khi Người phán xửSống chung với mẹ chồng kết thúc, Thương nhớ ở ai là một trong những bộ phim truyền hình được quan tâm nhất trên sóng VTV hiện nay. Bộ phim do Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh đạo diễn đã lên sóng tập thứ 5 và tạo ra không ít tranh cãi trong dư luận.

Việc lạm dụng cảnh diễn viên nữ mặc áo yếm không nội y trước mặt đàn ông trong phim bị nhiều người nhận định là "ngồn ngộn", phản cảm và không phù hợp trên sóng truyền hình.

Trên mạng xã hội, không ít khán giả bình luận "Nếu từ đầu đến cuối, phim "Thương nhớ ở ai" chỉ ồn ào về chuyện phục trang thì đó cũng chính là một thất bại của đạo diễn".

Đáp lại những ý kiến trái chiều, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, diễn viên chính Hồng Kim Hạnh, họa sĩ phục trạng Nguyễn Dũng Minh đều bày tỏ hy vọng mọi người sẽ để ý nhiều hơn đến nội dung phim thay vì những vấn đề về phục trang.

Và sau lời kêu gọi có phần hiếm có và kỳ lạ của một đoàn làm phim, một câu hỏi được đặt ra "Về mặt nội dung, Thương nhớ ở ai liệu có gì đáng xem?"

 

Ngoài ồn ào áo yếm không nội y, Thương nhớ ở ai có gì đáng xem?-1
Thương nhớ ở ai là bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng.

Khắc họa số phận bi kịch phụ nữ nông thôn

Chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, Thương nhớ ở ai lấy bối cảnh ở làng Đông - một vùng quê Bắc bộ điển hình trong giai đoạn 1954-1975.

Chiến tranh khiến ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Người ta gọi đó là "Bến không chồng". Từ không gian ấy, hình ảnh người phụ nữ nông thôn hiện lên đầy bi kịch.

Đó là Nhân - người bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, thủ tục hà khắc, phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân. Đó là Hơn - góa bụa vì chồng bị bắt chết sau cuộc đấu tố dù "chồng tôi chẳng có tội gì, chồng tôi chẳng làm hại ai".

Ngoài những nhân vật tiêu biểu trong Bến không chồng là Nhân, Hơn, Vạn, trong những tập đầu của Thương nhớ ở ai Lưu Trọng Ninh và đạo diễn Bùi Thọ Thịnh còn sáng tạo một vài tuyến nhân vật mới, khiến nội dung phim trở nên đa dạng hơn.

Nhân vật sáng tạo có thể kể đến là Nương - một ca nương từ phố về quê, bị phụ nữ trong làng ruồng rẫy, ghét bỏ nhưng lại được cánh đàn ông mê đắm; Đột - một chủ tịch xã xuất thân bần cố nông, không có trình độ và luôn nuôi dưỡng thái độ "trả thù giai cấp", Quất - một cán bộ xã hách dịch, thiếu tinh thần tập thể, xu nịnh,...

Việc sáng tạo thêm nhân vật cũng được cho lầ chủ đích của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, để phiên bản truyền hình của Bến không chồng không bị liên tưởng hoặc thoát khỏi cái bóng quá lớn của phiên bản điện ảnh vốn rất thành công cách đây 17 năm.

 

Ngoài ồn ào áo yếm không nội y, Thương nhớ ở ai có gì đáng xem?-2
Phim truyền hình do Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh đạo diễn có sáng tạo nhiều nhân vật mới.

Những chi tiết đắt giá và ám ảnh

Một trong những lý do làm nên thành công của Bến không chồng (2000) là những chi tiết đắt giá. Đơn cử như cảnh một bà lão bắt cô gái trẻ diễn lại cảnh Xúy Vân cười. Bà lão than rằng lớp trẻ giờ sướng quá, tiếng cười không toát được nỗi khổ như thế hệ ngày trước.

Chia sẻ với Zing.vn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định một trong những cái khó của ông khi làm phiên bản truyền hình là làm sao phải "tránh tất cả những hạt vàng chi tiết của phiên bản điện ảnh".

"Nhưng không vì thế mà "Thương nhớ ở ai" không có chi tiết, có đấy, thậm chí còn rất nhiều", câu trả lời của đạo diễn Lưu Trọng Ninh có phần tự tin. Nhưng công bằng mà nói, với chỉ 5 tập phim đã lên sóng, Thương nhớ ở ai đã gây ấn tượng với nhiều chi tiết đắt giá.

Cảnh Liễu - một cô gái chửa hoang bị cạo đầu bôi vôi, trói tay, thả bè trôi sông đã gây ám ảnh với không ít người. Lũ trẻ hò nhau ném đá, chửi rủa cô. Vạn - một chiến sĩ Điện Biên cũng không dám cứu Liễu vì hơn ai hết anh hiểu rõ luật lệ của làng.

Chi tiết Hơn đi gõ cồng từng nhà trong làng để cầu xin người dân không đấu tố chồng mình cũng là một chi tiết đắt giá. "Xin các ông bà đừng giết chồng con", câu nói vừa như van xin, vừa như bất lực, tuyệt vọng của Hơn khiến nhiều khán giả truyền hình xúc động.

Ngoài những chi tiết bi kịch, phim cũng có một vài cảnh gây cười. Một gia đình sinh con một bề, để "thị uy" trước thiên hạ, người bố bắt các cô con gái phải đồng thanh nói" "Chúng con là lũ vịt giời, bé thời ăn hại lớn thời bay đi". Chi tiết được cho là đả kích tư tưởng "trọng nam khinh nữ" này đã xuất hiện trong phiên bản điện ảnh Bến không chồng.

Gần 2.000 cảnh phim được dùng kỹ xảo nhằm phục dựng những bối cảnh nông thôn không còn nguyên vẹn sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa.

Đầu tư kỹ xảo để phục dựng bối cảnh

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết một trong những điều mà Thương nhớ ở ai làm được đó là mang đến cho khán giả một ngôi làng Bắc Bộ đúng nghĩa.

Họa sĩ Nguyễn Dũng Minh - người phụ trách phục trang Thương nhớ ở ai tiết lộ phim được quay ở nhiều nơi bao gồm làng cổ Đường Lâm, khu vực chùa Thầy và nhiều địa danh ở đồng bằng Bắc Bộ khác.

Trong buổi họp báo cách đây một tháng, đoàn làm phim cũng tiết lộ rằng Thương nhớ ở ai có gần 2.000 cảnh phim được dùng kỹ xảo nhằm phục dựng những bối cảnh nông thôn không còn nguyên vẹn sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa.

Theo như chia sẻ của người phụ trách kỹ xảo, riêng quá trình hoàn thiện kỹ xảo để tạo những cảnh phim chân thực nhất có thể đã ngốn của ê-kíp 2 năm trước khi phim được phát sóng. Nhưng tất nhiên, vì sử dụng nhiều kỹ xảo, nhiều cảnh trong phim bị lộ, thiếu tự nhiên.

Ngoài đầu tư về bối cảnh, âm nhạc của Thương nhớ ở ai cũng được quan tâm. Các làn điệu chèo, quan họ, xẩm, ca trù... được đan cài trong nhiều trích đoạn, góp phần khơi gợi cảm xúc của người xem. Cảnh Hơn cất tiếng hát Bèo dạt mây trôi trong đêm trước ngày chồng bị bắn khiến không ít khán giả rơi nước mắt.

Trang phục của phim cũng được đầu tư. Theo như họa sĩ Nguyễn Dũng Minh tiết lộ với Zing.vn, phim đã may gần 2.000 trang phục mới, rồi lại phải làm cũ.

"Trang phục được chia làm 3 thời kỳ, với nhiều kiểu trang phục khác nhau. Mỗi nhân vật chính cũng có nhiều trang phục để phù hợp với tiến trình thời gian trải dài. Ví dụ như nhân vật Hạnh lớn, chỉ xuất hiện trong giai đoạn 2 và 3 mà có tất cả 11 bộ phục trang", người phụ trách phục trang nói.

Theo Zing


Thương nhớ ở ai

Tin tức mới nhất