Mới đây, Lương Xuân Trường gây bất ngờ khi đột ngột xuất hiện trên Shark Tank – chương trình gọi vốn dành cho các nhà startup. Một lần nữa, câu chuyện về nghề tay trái của các cầu thủ lại được quan tâm.

Tận dụng sức ảnh hưởng trên sân cỏ, nhiều chân sút đã tìm cách "đá chéo" sang các mảng kinh doanh khác như mở quán ăn, quán cà phê, bán hàng thời trang,... Ngoài sân cỏ, họ là những ông chủ, có người thậm chí mỗi tháng thu nhập lên đến cả tỷ đồng.

1. Lương Xuân Trường

Chỉ cách đây mấy ngày, người hâm mộ Việt Nam không khỏi bất ngờ khi thấy chàng tiền vệ tài hoa ăn vận chỉn chu trong bộ vest đen, xuất hiện và gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam cho trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế (IRC).

Xuân Trường đầu tư vào y tế khi khai trương Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế mà anh là người đồng sáng lập và chủ đầu tư.

Ngoài Xuân Trường, nhiều cầu thủ Việt là ông chủ kinh doanh mát tay-1

IRC là trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế do tiền vệ mắt híp cùng sáng lập với Nguyễn Việt Hùng, với khẩu hiệu "phụng sự thể thao Việt Nam". Sản phẩm của IRC không chỉ hướng tới những người chơi thể thao chuyên nghiệp mà còn dành cho những người chơi thể thao phong trào và những người có bệnh lý về cơ, xương, khớp thuộc phân khúc trung cấp.

Với trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm làm việc đội tuyển quốc gia Việt Nam như bác sĩ y học thể thao người Hà Quốc Choi Ju Young, chuyên gia Trần Huy Thọ,... Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế của Xuân Trường được đánh giá cao và nhiều khả năng sẽ trở thành địa chỉ tin cậy của các VĐV khi gặp phải chấn thương.

2. Văn Toàn

Không chỉ là chân sút chủ lực của CLB HAGL, gần đây Văn Toàn còn nổi tiếng với tài kinh doanh khi anh lấn sân từ bóng đá sang lĩnh vực thời trang và cả đồ uống. Sáng 3/4, chàng cầu thủ quê Hải Dương chính thức khai trương quán cà phê do anh làm chủ tại thành phố Hải Phòng.

Ngoài sự nghiệp bóng đá ngày càng phát triển, Văn Toàn cũng cho thấy tài kinh doanh mang về nguồn thu lớn từ thương hiệu quần áo riêng. Trong số các thương hiệu quần áo nội địa (local brand) do giới cầu thủ tự lập ra, đến thời điểm này, cửa hàng của Văn Toàn đang chứng minh là thương hiệu "ăn nên làm ra" nhất.

Văn Toàn từng chia sẻ về lý do kinh doanh thời trang như sau: "Thích mặc đẹp nên tôi thường tốn khá nhiều tiền để mua sắm những trang phục của các thương hiệu nổi tiếng dành cho giới trẻ.

Tuy nhiên, nhiều lúc cũng không kiếm được những chiếc áo làm mình hài lòng, hoặc nếu có thì lại giá quá cao. Vì thế, tôi tự nghĩ tại sao lại không tự thiết kế những chiếc áo cho chính bản thân và những bạn trẻ yêu thích thời trang của Việt Nam".

Tận dụng hiệu ứng từ cú ngã lịch sử của bản thân trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Văn Toàn đã tung ra mẫu áo "ăn theo" màu đen cùng dòng chữ "It’s real" (Đó là sự thật).

3. Công Phượng

Tương tự Văn Toàn, trong năm 2020, Công Phượng cũng thử thách bản thân mình trong lĩnh vực thời trang. Từ năm 2017, Công Phượng đã “lấn sân” sang lĩnh vực kinh doanh cà phê khi anh khai trương 2 quán cà phê tại Gia Lai và Hà Nội.

Ngoài Xuân Trường, nhiều cầu thủ Việt là ông chủ kinh doanh mát tay-2

Anh cùng với người bạn đời đã cho ra mắt thương hiệu thời trang riêng dành cho giới trẻ. Ngoài quy trình vận hành, chính Viên Minh – vợ Công Phượng tham gia vào khâu quan trọng nhất là thiết kế những sản phẩm thời trang. Sản phẩm chủ đạo của thương hiệu là các dòng áo phông hướng tới sự năng động, thoải mái.

Sau khi cưới bà xã Viên Minh, chàng tiền đạo sinh năm 1995 còn thành lập công ty riêng chuyên về thương mại tiếp thị thể thao như buôn bán, sản xuất dụng cụ thể dục thể thao... tại Quận 1, TP.HCM và giao cho vợ quản lý.

4. Anh Đức

Trong làng bóng đá Việt Nam, khó có một cầu thủ nào vừa xuất sắc trên sân cỏ lại vừa có tài kinh doanh nổi trội như Anh Đức. Hiện tại, chân sút kỳ cựu này đang là ông chủ của thương hiệu chuyên kinh doanh các mặt hàng dụng cụ thể thao.

Anh Đức đã mạnh dạn dùng số tiền tích lũy của bản thân để mở một cửa hàng nhỏ. Ban đầu chỉ là nhập hàng về bán nhưng sau đó, Anh Đức mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất giày và may quần áo thể thao. Đến nay, Anh Đức đã có 3 cửa hàng lớn tại Bình Dương và xuất đi hơn 40 tỉnh thành trên khắp cả nước với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Ngoài Xuân Trường, nhiều cầu thủ Việt là ông chủ kinh doanh mát tay-3

Ngoài việc kinh doanh mặt hàng thể thao, Anh Đức còn đầu tư rất mạnh vào bất động sản, dịch vụ khách sạn, nhà hàng... Khách sạn mang tên chính tiền đạo này nằm ở TP Thủ Dầu Một. CLB Hoàng Anh Gia Lai đã chọn nơi đây làm địa điểm đóng quân khi làm khách trước Bình Dương ở vòng 9 V.League. Bên cạnh đó, Anh Đức còn chung tay cùng người nhà quản lý hai sân bóng mini và nhà hàng.

5. Bùi Tiến Dũng

Sau vòng chung kết U23 châu Á đầu năm 2018, thủ môn Bùi Tiến Dũng là 1 trong những nhân vật nổi đình nổi đám nhất. Anh nhận được sự ưu ái của người hâm mộ với những nickname như "thủ môn quốc dân", "chồng quốc dân",... Nhờ vậy mà thu nhập của chàng thủ môn tăng chóng mặt, giúp anh có khối tài sản không phải dạng vừa ở tuổi 25.

Ngoài Xuân Trường, nhiều cầu thủ Việt là ông chủ kinh doanh mát tay-4

Bùi Tiến Dũng là chủ 1 brand thời trang nam ở TP.HCM. Sau 1 thời gian kinh doanh online, chàng thủ môn cũng mở shop hoành tráng ngay giữa 1 con phố mặt tiền ở quận 1. Đích thân chàng cầu thủ cũng tự chụp ảnh mẫu cho shop.

Được biết vào năm 2021, Bùi Tiến Dũng bỏ ra tới 10 tỷ đồng vào kinh doanh. Bùi Tiến Dũng làm mẫu cho chính shop thời trang của mình. Dần dần, công việc kinh doanh của thủ thành sinh năm 1997 đã ổn thỏa, buôn may bán đắt. Điều đó giúp cho anh tăng thêm đáng kể thu nhập.

 

Theo Trí Thức Trẻ