Cặp đôi này đi du lịch đến Thanh Đảo (Sơn Đông, Trung Quốc). Thấy biển đẹp, họ ra bãi đá chụp ảnh, ngắm cảnh và tìm kiếm vài vỏ ốc làm kỷ niệm. Sau đó, cả hai có chút mệt mỏi nên nằm xuống tận hưởng làn gió biển rồi ngủ quên cạnh nhau.
Đến khi tỉnh dậy, họ hốt hoảng vì xung quanh mình mênh mông nước. Vị trí của họ gần như nằm ở rìa của rạn san hô gần biển nhất, không thể nhìn thấy nước sâu bao nhiêu.
Cố gắng lấy lại bình tĩnh, cặp đôi vội vàng gọi điện kêu cứu, đồng thời hét vang lên để gây sự chú ý. Rất may, lực lượng cứu hộ nhanh chóng có mặt tại hiện trường, giải cứu cặp đôi về bờ an toàn.
Cặp đôi vẫn còn run rẩy sợ hãi sau khi được đưa về bờ an toàn.
Anh Dương Truyền Hội, thành viên đội tìm kiếm cứu nạn, cho biết, khu vực rạn san hô trên bãi biển này rất rộng, điểm xa nhất cách bờ gần một hải lý. Khi thủy triều lên, khu vực rạn san hô sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn. Tình hình lúc họ đến giải cứu rất nguy cấp, toàn bộ rạn san hô sắp bị nhấn chìm.
Khi thuyền cứu hộ đến nơi, do không thể tiếp cận hai nạn nhân vì xung quanh có rất nhiều rạn san hô, các thành viên đội cứu hộ mặc áo phao nhảy xuống biển và đi bộ đến. Sau khi mặc áo phao cho hai người mắc kẹt, nhóm cứu hộ đưa họ lên xuồng cứu sinh an toàn.
"Nước sâu gần một mét, cặp đôi không quen tình huống, liều lĩnh xuống nước rất nguy hiểm. Đá cũng mọc đầy hàu, lúc đi bộ, các thành viên đội cứu hộ đã bị rách nhiều nơi ở chân", Dương Truyền Hội nói.
Sau khi được đưa vào bờ, cặp đôi vẫn rất sợ hãi. Họ không thể ngờ chỉ vì ngủ quên mà suýt chút nữa đã xuống chầu Long Vương.
Ông Ngạn Thế Bảo, người phụ trách trung tâm cứu hộ ở bờ biển phía tây Thanh Đảo, cho biết các rạn san hô và bãi biển địa phương là nơi có thể bắt cua nhỏ và ốc xà cừ nhỏ. Điều này thu hút nhiều khách du lịch. Diện tích bãi đá đặc biệt lớn, nơi xa nhất cách bờ 1 hải lý.
Không chỉ vậy, sau khi thủy triều xuống, độ cao của rạn san hô lên tới 2-3 mét. Khi thủy triều lên, nước biển xung quanh rạn san hô có thể cao 4-5 mét. Xung quanh rạn san hô cũng có nhiều dòng nước ngầm, khi du khách bị mắc kẹt sẽ rất khó giải cứu.
Ông Ngạn Thế Bảo nhấn mạnh, thuyền cứu sinh hầu như năm nào cũng gặp nạn ở đây dù nhân viên cứu hộ quen thuộc với khu vực rạn san hô.
Vì vậy, đội cứu hộ luôn tăng cường tuần tra, khi thủy triều lên cao sẽ luôn có mặt trên bãi biển để khuyến cáo người dân, đồng thời sẵn sàng để ứng cứu càng sớm càng tốt khi có người mắc kẹt.
Kể từ năm 2021, mỗi năm trung tâm tham gia 40 -50 cuộc giải cứu. Để nâng cao khả năng cứu hộ, các thành viên trong đội được huấn luyện thường xuyên, liên tục nâng cấp trang thiết bị để ứng phó tốt hơn với các tình huống khẩn cấp.
Theo VTC