Người đàn ông đó tên là Lê Ngọc Quý, 50 tuổi (trú tổ 124, phường Hòa Hiệp Nam, Đà Nẵng). Sinh ra với số phận kém may mắn khi không được bình thường như bao người khác, anh Quý mắc hội chứng câm điếc bẩm sinh và dị tật ở chân. Lớn lên cùng với những khiếm khuyết cơ thể, anh không thể đi học, càng rất khó khăn trong việc hòa nhập với đời sống cộng đồng. 

Thế nhưng ở khu dân cư này, khi nhắc đến anh Quý, ai ai cũng biết đến anh và dành cho anh một tình cảm ưu ái đặc biệt. Bởi ở đây, người ta coi anh là “hiệp sĩ đường tàu”, là người âm thầm bảo vệ sự bình yên và an toàn cho hàng trăm người khác.

Vì không thể nghe và nói được nên anh Quý luôn tận dụng khả năng quan sát và học hỏi của mình. Anh để ý từng hành động của những người xung quanh rồi bắt chước làm theo. Khi còn trẻ, anh từng làm công nhân bốc vác ở một công xưởng. Nhưng do lao động quá sức, anh bị chấn thương cột sống và phải nghỉ làm. Những ngày quẩn quanh ở nhà dường như khiến người đàn ông bất hạnh cảm thấy chán chường hơn. Và rồi, anh quyết định ra chắn gác đường ngang gần khu mình ở để tình nguyện làm người canh tàu, ngăn cản người dân qua lại khi có tàu chạy qua. Tính đến nay, anh Quý đã làm công việc gác tàu được hơn 16 năm.

1-4327d
Những bước đi xiêu vẹo vì bị tật ở chân của "hiệp sĩ đường tàu"

Cứ đều đặn mỗi ngày, bất kể dù mưa hay nắng, anh Quý đều mặc lên người bộ quần áo bảo vệ đã cũ sờn, mang theo cờ và còi ra đường tàu đứng thực hiện “nhiệm vụ”. Trong giờ làm việc, anh luôn tập trung cao độ để quan sát. Khi thấy tàu đến gần, ngay lập tức anh thả cây gác chắn xuống ngăn người dân qua đường tàu, tay giơ cờ lên và thổi còi báo hiệu.

2-4327d

4-4327d
Trong giờ làm việc, anh luôn tập trung cao độ để quan sát

Bà Đỗ Thị Ngọc (người dân sống gần đường tàu) cho biết: “Lúc trước ở đây không có chắn tàu đâu, người dân đi băng đường ray vô tội vạ lắm nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Từ khi anh có Quý ra gác tàu, số vụ tai nạn ít hẳn đi. Khi có tàu đến là anh báo hiệu mọi người, không cho họ đi qua nữa. Ngày nào cũng thấy anh đứng đây gác tàu đến tận khuya, thương lắm”.

Mười mấy năm nay, anh Quý cứ đều đặn với công việc của mình như thế, mặc cho gia đình ngăn cản, mặc cho sương gió sớm hôm. Có những đêm trời mưa lạnh lẽo, anh vẫn mặc áo mưa âm thầm đứng canh tàu. “Anh Quý làm công việc này gia đình cũng bất an lắm. Cả nhà có can ngăn nhưng anh nhất quyết không chịu. Có nhiều đêm gần 2 giờ sáng anh vẫn chưa về nhà, tôi ra gọi mãi mà anh cũng lắc đầu không chịu về. Anh ra hiệu với tôi là còn chờ chuyến tàu cuối cùng nữa”, chị Lê Thị Oanh (em ruột anh Quý) chia sẻ.

Làm công việc gác tàu một cách đầy tự nguyện, nhưng dường như anh Quý đã đặt trọn trách nhiệm và tình yêu của mình vào đó. Những người dân xung quanh kể lại, ngày Tết anh Quý vẽ những tấm biển rất đặc biệt, dán nhiều họa tiết rất… lung tung, rồi mang nó ra “trạm gác tàu” của mình để trang trí. Nói là trạm gác tàu chứ thực ra đó chỉ là nơi anh hay đứng gác, gần đường ray và ngay sát bên tấm biển báo “Chú ý tàu hỏa”.

5-4327d

6-4327d
Khi thấy tàu đến, anh lập tức thả cây gác chắn xuống để ngăn người dân đi qua đường tàu, tay cầm cờ giờ lên

Những người dân vì thương anh nên mang cho anh bộ quần áo bảo vệ đã cũ. Anh quý lắm, kể từ đó ngày nào anh cũng mặc bộ này. Có người đi qua dúi vào túi anh vài ngàn, anh để dành rồi nhờ người nhà làm cho cây cờ mới.

Cách đây 2 năm, Ban an toàn giao thông thành phố phối hợp với Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã quyết định thành lập một trạm gác tàu ngay tại nơi anh Quý thường đứng gác. Và người được nhận vào làm công việc chính thức ở đây là anh Lê Ngọc Quang (45 tuổi, em trai anh Quý). 

Anh Quang tâm sự: “Tôi làm công việc này bên cạnh việc bảo đảm an toàn cho người dân khi đi ngang đường ray, thì cũng một phần nào đó làm thay công việc của anh Quý, để anh có thể yên tâm mà nghỉ ngơi nhiều hơn”.

7-4327d
Anh Lê Ngọc Quang được nhận vào làm công việc để thay cho anh trai

Những tưởng anh Quý đã có thể yên tâm ở nhà nghỉ ngơi. Nhưng không, sau 19 giờ tối mỗi ngày, khi những người gác tàu đã hết ca làm việc, người ta lại thấy anh Quý tận tụy với công việc bấy lâu nay. Có khác chăng giờ đây anh đã trở thành người gác tàu đêm, và dọc tuyến đường dài, chỉ có mỗi bóng anh đứng gác. Lặng lẽ với bóng đêm, anh lại tiếp tục công việc thầm lặng là canh giữ sự bình yên cho nhiều người.

Sự nỗ lực vượt qua nghịch cảnh và đem lại hạnh phúc cho biết bao người của anh không chỉ là tấm gương về nghị lực, đó còn là hình ảnh đẹp khiến mỗi chúng ta thêm yêu và tin tưởng vào những giá trị thầm lặng trong cuộc sống này.

Theo Trí thức trẻ