Người hùng cứu nạn trong vụ cháy ở phố Núi Trúc: Những chuyện chưa kể

Chờ chúng tôi ở đơn vị, Trung úy Vũ Ngọc Hoàng, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quận Đống Đa, vẫn mặc nguyên bộ đồ của lính cứu hỏa. Anh và những đồng đội khác trong đơn vị dường như luôn sẵn sàng được điều động trong mọi tình huống xảy ra.

Trên mặt người thanh niên quê Đông Anh (Hà Nội) đầy những vết đen sạm sau bao nhiêu lần chiến đấu cùng giặc lửa, nhưng càng làm tôn lên ánh mắt sáng và nụ cười đậm chất lính.

Vũ Ngọc Hoàng bảo rằng, anh quyết định chọn nghề Công an vì hồi nhỏ rất thích phim "Cảnh sát hình sự". Vì thế, học hết phổ thông, Hoàng chọn nguyện vọng 1 là Học viện Cảnh sát nhân dân, còn nguyện vọng 2 là Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1, nhưng không đỗ cả hai. Lúc đó, chàng trai trẻ quyết định nhập học Đại học Công nghiệp Hà Nội, rồi thuê trọ ở Nhổn, tiếp tục nuôi ước vọng năm sau sẽ thi lại bằng được vào trường Công an để đạt được giấc mơ của mình.

Nhưng có lẽ có duyên với nghề Công an nên 3 tháng sau khi nhập học Đại học Công nghiệp Hà Nội, khi biết tin huyện Đông Anh đang mở lớp Trung cấp Phòng cháy chữa cháy (PCCC), dù chưa hình dung ra công việc của lính PCCC là gì, nhưng sau một cuộc điện thoại của một người bác họ, Hoàng quyết định đăng ký.

Hai năm ở Trường Trung cấp PCCC đã rèn luyện chàng trai trẻ Vũ Ngọc Hoàng trở thành một người lính thực thụ. Hồi đó, thứ "khó nhằn" nhất với Hoàng là tập thể lực khi thầy giáo bắt chạy liên tục cả giờ đồng hồ, rồi bật cóc, lên thang, xuống thang, tập cứu người, vác vật nặng… Tuy nhiên, nhờ những lần tôi luyện gian khổ như vậy, anh dần biết cách thực thi nhiệm vụ trong nhiều tình huống.

Điều làm Hoàng thích thú nhất khi trở thành người lính PCCC, đó là trở nên đa năng. Ngoài chuyên môn PCCC, mỗi người lính còn được trang bị thêm kiến thức sơ cứu trong nhiều trường hợp: đuối nước, điện giật, kẹt trong thang máy, bỏng hóa chất… Đó là thứ giúp anh rất nhiều từ công việc đến đời sống thường nhật.

Người hùng cứu nạn trong vụ cháy ở phố Núi Trúc: Những chuyện chưa kể-1
Trung úy Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ về giấc mơ thuở bé.

Tháng 4-2013, Hoàng được phân về Hà Đông trong khoảng nửa năm rồi chuyển về huyện Ứng Hòa, làm Tiểu đội trưởng phụ trách 12 người. Lần đầu thực chiến của người lính trẻ là một sự cố cháy rừng ở huyện. 

"Gọi là đi chữa cháy, nhưng thật ra là đi kìm chế đám cháy. Tôi còn nhớ mãi đó là đêm Noel. Khu vực đó địa hình rất hiểm trở làm chúng tôi không thể đưa xe cứu hỏa lên đến nơi được. 

Chúng tôi cùng dân quân và người dân đi cả đêm đến sáng hôm sau để phát quang, chống cháy lan. Thú thật, lúc đó tôi cảm thấy cực kì mệt mỏi, vì là lần đầu tiếp xúc với công việc. Cũng phải cảm ơn những ngày tháng được rèn giũa ở trường, chứ không thì chắc ngất luôn ở đó" - chàng Trung úy quê Đông Anh cười.

Một lần khác, cũng trong thời gian công tác ở huyện Ứng Hòa năm 2015, đơn vị của anh được điều đến xử lý vụ cháy nhà xưởng sản xuất nhựa. Đám cháy lớn vì lan dần trên diện tích hơn 3.000m2 nhưng đường vào nhỏ, xe cứu hỏa của đơn vị phải đứng tiếp giáp với khu vực cháy. 

Sức nóng tỏa ra rất lớn, nên những chiến sỹ PCCC phải vừa phun nước vào đám cháy, vừa phải phun nước vào xe. Đang thực thi nhiệm vụ, bỗng có một miếng tôn lớn rơi xuống đúng vị trí của Hoàng và đồng đội. Người lính trẻ theo phản xạ giơ tay ra đỡ, làm tay anh bị rách, ra nhiều máu rồi được đưa đi băng bó.

Tháng 8- 2015, Hoàng chuyển về Đội PCCC quận Đống Đa. Đời lính PCCC cũng xảy ra nhiều câu chuyện bi hài vì lúc nào cũng phải trong trạng thái chiến đấu. Mỗi khi có lệnh điều động, theo nguyên tắc, chậm nhất 2 phút sau xe cứu hỏa phải lăn bánh khỏi đơn vị. 

Các chiến sỹ đã quá quen với tình huống đột xuất. Nhiều lúc đang nuốt dở miếng cơm, hay đang tắm dở mà xà phòng chưa trôi hết, kể cả đang… đi vệ sinh, khi nghe tiếng kẻng đánh thì mọi thứ ngay lập tức phải dừng lại, chuẩn bị đồ để lên đường. Có những ngày đến 6 vụ cháy, cả đội vừa về đến đơn vị thì nhận lệnh, lại tiếp tục quay đi dù lúc đó mọi người gần như kiệt sức.

Người hùng cứu nạn trong vụ cháy ở phố Núi Trúc: Những chuyện chưa kể-2
Trung úy Hoàng bên chiếc xe cứu hỏa của đơn vị.

Nhắc lại vụ cháy trên phố Núi Trúc, Hoàng kể rằng khi các anh đến, lửa lan rất nhanh do hàng hóa xếp dọc theo bậc thang xuyên suốt căn nhà 5 tầng. Hôm đó, cháu Nguyễn Hoàng Giang (sinh năm 2001) đang ngủ trong phòng mình ở tầng 4 thì nhận được điện thoại của mẹ, rồi vội vã vào nhà vệ sinh làm ướt khăn úp vào mặt. Dù vậy, khi mở cửa thoát ra ngoài, khói bỗng ập vào, làm Giang ngã xuống bất tỉnh. Hoàng bảo rằng đó lại là sự may mắn bởi nếu ngã ngửa, Giang sẽ hít phải nhiều khói, cơ hội sống mong manh hơn.

"Tôi đang chữa cháy ở tầng ba thì anh Hiếu (Đại úy Nguyễn Trung Hiếu - Đội cảnh sát PCCC quận Ba Đình - PV) chạy lên tầng bốn kêu to 'Còn nạn nhân'. Tôi chạy lên thấy Giang nằm đó, tim vẫn đập nhưng hơi thở quá yếu. Anh Hiếu bỏ bình ô-xi của mình ra đeo cho Giang rồi đỡ cháu lên lưng tôi, nhưng chỉ đi đến cửa là phải bỏ hết ra. 

Lúc đó tôi đã hít khá nhiều khói, đã thấm mệt. Cầu thang lại nhỏ nên tôi phải đi nghiêng, rồi chững lại khoảng 2 phút vì đuối sức và cả sức nóng phả vào. Tôi chỉ có thể cõng bằng một tay bởi tay kia phải bám vào tường, tay vịn cầu thang bằng gỗ cũng cháy hết sạch" - Trung úy Hoàng nhớ lại khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc.

Cõng được nạn nhân ra ngoài căn nhà đang bốc cháy, Trung úy Vũ Ngọc Hoàng gần như kiệt sức. Anh ngồi xuống đất, trống rỗng nhìn ánh mặt trời. Người lính chỉ kịp định thần nhận chai nước từ một đồng đội khác, rồi nhìn nạn nhân, cầu mong cho cậu kiên cường trước lưỡi hái của thần chết.

"Tôi chưa từng nghĩ công việc này sẽ có khi nào đem lại điều tệ nhất xảy ra với mình, bởi đã xác định làm lính PCCC, đã phải chấp nhận điều đó. Trong nhiều tình huống, tôi biết sẽ phải đối mặt với nguy hiểm. Nhưng ở vụ cháy đó, bản năng của một con người đã giúp tôi có được sự liều lĩnh bỏ bình thở để cứu người. Tôi không dám tự nhận mình là vị thần hay 'anh hùng' mà mọi người thường gọi, bởi bất kì người lính nào trong tình huống đó cũng sẽ làm vậy", Hoàng chia sẻ.

Nói tới gia đình, Hoàng bảo: "Tôi phải cảm ơn vợ tôi rất nhiều, bởi cô ấy luôn thông cảm với công việc của tôi. Không chỉ đơn thuần là một nghề nguy hiểm, mà thời gian cho gia đình của anh em cũng không có nhiều. Từ khi trở thành lính PCCC, chưa có đêm 30 Tết nào tôi ở nhà. Tết là lúc mọi người quây quần bên gia đình, mà tôi thì lại ở cơ quan. Những lúc đó, vợ tôi luôn nhắn tin tâm sự. Anh em ở đơn vị hay bông đùa, nói chuyện cho đỡ buồn, chứ ai cũng có nét trầm ngâm thoáng qua".

Khoảng 10h15' ngày 10-9-2019, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại cửa hàng quần áo ở địa chỉ số 8, ngõ 12, phố Núi Trúc (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Ngọn lửa bùng phát từ tầng 1 của căn nhà cháy lan lên tầng trên. Cột khói đen bốc cao hàng chục mét khiến nhiều người dân xung quanh la hét, hoảng sợ

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Khoảng hơn 11h cùng ngày, đám cháy đã được khống chế nhưng lực lượng vẫn ứng trực và phun nước làm mát, đề phòng đám cháy bùng phát trở lại. Trong vụ cháy, có 3 nạn nhân còn kẹt trong ngôi nhà. Lực lượng Cảnh sát PCCC  đã kịp tiếp cận đưa anh Nguyễn Hoàng Giang (18 tuổi) ra ngoài và đưa đi cấp cứu kịp thời. Hai nạn nhân còn lại cũng được cứu thoát.

Theo Cảnh sát toàn cầu

Xem link gốc Ẩn link gốc http://cstc.cand.com.vn/anh-hung-mac-thuong-phuc/Nguoi-hung-cuu-nan-trong-vu-chay-o-pho-Nui-Truc-Nhung-chuyen-chua-ke-577090/

cháy lớn

Tin tức mới nhất