>>> Bắc Ninh: Con trai nghiện game, mẹ lột quần con tơ hơ giữa đường

Đây không phải lần đầu tiên hình ảnh thiếu tế nhị như dạy dỗ bằng cách tụt quần con giữa đường xuất hiện. Trước đó, tại thành phố Lạng Sơn, chỉ vì con mình trộm cắp khiến gia đình xấu hổ, người mẹ này đã không ngần ngại lột trần chuồng con giữa phố.


Ngày 11/5 vừa qua, cư dân mạng lại được phen dậy sóng khi đoạn clip người mẹ đè con ra tụt quần ngay giữa đường. Theo như thông tin được biết, chỉ vì cậu con trai của mình ham mê chơi game, do quá tức giận nên người mẹ đã dạy dỗ cậu bằng cách tụt quần giữa đường. Sau khi xem xong đoạn clip, nhiều người không khỏi lắc đầu trước cách dạy con không đúng cách của người mẹ này.


Đa số cho rằng, người mẹ này nên đưa con về nhà chứ không phải hành xử ngay chốn đông người. Cách này chỉ khiến cho con trẻ cảm thấy xấu hổ và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí. Tuy nhiên, người dân chứng kiến xung quanh không ra tay khuyên ngăn hành động người mẹ này.


Việt Nam là một thành viên trong tổ chức Unicef, do vậy luật trẻ em cũng được áp dụng tại nước ta. Đồng nghĩa với điều ấy, nếu cá nhân hoặc tổ chức nào đó xâm phạm hay làm tổn thương đến trẻ em có thể bị truy cứu trước pháp luật. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về luật bảo vệ trẻ em, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Công ty luật TNHH Việt Tâm – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Chào Luật sư Nguyễn Văn Đồng!

-  Ngày hôm qua, trên mạng xã hội xôn xao việc người mẹ đè con mình ra giữa đường để lột quần dạy dỗ. Anh nghĩ sao về hành động này?

 Người mẹ này hoặc với một số người cho rằng đây là hình thức dạy con, nhưng tôi cho rằng đây là hành vi bạo lực, bạo hành không những không làm cho đứa trẻ thay đổi, từ bỏ những hành vi, ứng xử sai trái, mà ngược lại có tác động rất tiêu cực đến tư duy, ý thức và thái độ sống của đứa trẻ sau này.

-  Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu chuyện này xảy ra. Trước đó, tại Lạng Sơn cũng có trường hợp tương tự xảy ra, vì con trộm cắp nên mẹ cởi trần chuồng con để răn đe. Vậy trong luật bảo vệ trẻ em, hành động này có phạm pháp không?

Danh dự, nhân phẩm của con người được pháp luật bảo vệ. Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại và hành vi xâm hại trẻ em thường để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Hành vi tụt quần con giữa đường là một dạng làm nhục, xác phạm danh dự của con. Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em năm 2004, thì  hành vi này là hành vi bị nghiêm cấm, được quy định tại khoản 6 Điều 7.

Người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 31 của Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và Bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng nhục, chửi, mắng, bắt làm những việc có tính chất xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật.

Nếu thuộc trường nghiêm trọng, thì người có hành vi làm nhục con còn có thể bị xem xét khởi tố và xử lý trách nhiệm hình sự, được quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự năm 1999, được sử đổi, bổ sung năm 2009.

- Theo như tôi được biết, Việt Nam là một thành viên của Unicef. Đồng nghĩa luật bảo vệ trẻ em cũng được áp dụng, vậy đây là hành vi xâm phạm quyền trẻ em. Nếu gọi đây là vụ kiện, liệu có thể kết tội người gây ra?

Chúng ta có những quy định để bảo vệ trẻ em, nghiêm cấm và xử lý những hành vi xâm phạm trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 đã được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 05/4/2016, tới 01/6/2016 sẽ có hiệu lực, thể hiện sự quan tâm, chung tay của xã hội để bảo vệ trẻ em.

Điều 121 Bộ luật hình sư về tội Làm nhục người khác quy định dấu hiệu của hành vi không cụ thể, chi tiết, nên để xác định kết tội người mẹ đã thực hiện hành vi này, thì cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ tính chất mức độ.

- Ở Việt Nam có từng xảy ra vụ kiện nào như vậy chưa?

Qua kinh nghiệm và thực tiễn hành nghề, cũng như nghiên cứu về án lệ, thì ở Việt Nam chưa có vụ án hình sự nào xét xử và kết tội cha, mẹ có hành vi làm nhục con trẻ. Đây dường như là một mâu thuẫn, bởi hành vi xúc phạm nhân phẩm trẻ em của cha mẹ xảy ra khá nhiều, nhưng chúng ta mới coi đây là những hành vi bạo hành gia đình mà chưa xử lý hình sự, dẫn đến tính răn đe chưa cao.

Điều này một phần là do yếu tố xã hội, văn hóa của chúng ta, một phần cũng do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật.  Tội Làm nhục người khác có quy định, song lại quy định tội này chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự), mà trẻ em lại không đủ tư cách để yêu cầu, việc yêu cầu phải thông qua người đại diện hợp pháp, mà người đại diện hợp pháp lại chính là bố mẹ của trẻ.

- Vậy mức án cao nhất cho hành vi này được xử lý thế nào?

Điều 121 Bộ luật hình sự quy định về tội Làm nhục người khác có 2 khung, khung cơ bản có hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người…thì có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

- Đứng trên cương vị của một Luật sư, anh có lời khuyên nào dành cho những người chưa hiểu rõ về luật trẻ em. Nên hay không nên lôi con ra đường để dạy dỗ?

Mỗi ông bố, bà mẹ cần hiểu rõ tâm tính của con mình mà có những phương pháp dạy dỗ trẻ, vừa giúp trẻ nhận thức, điều chỉnh hành vi đúng mực, phù hợp, mà còn định hướng sự phát triển cho trẻ. Dạy dỗ trẻ không nên dùng đòn roi hay những hình phạt mang tính chất trừng trị, dằn mặt hoặc bêu xấu con. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con nơi công cộng sẽ dẫn đến việc trẻ tự ti, xẩu hổ, mặc cảm, tổn thương nghiêm trọng tinh thần hoặc có những phản ứng tiêu cực, lệch lạc.

Cảm ơn luật sư về buổi phỏng vấn ngày hôm nay!

Giáo dục con trẻ là cần thiết, để chúng có thể đi đúng hướng và trở thành một con người tốt. Đừng vì cơn tức giận nhất thời mà làm tổn thương tâm hồn con trẻ, để ch
úng có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, gia đình. Mong rằng, trong tương lai những câu chuyện như này sẽ không xảy ra lần nữa.

Minh Huyền
Theo Vietnamnet